Ngày làm việc thứ Năm, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận về một số điều của dự thảo Luật Xây dựng

24/05/2014

Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 24/5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường nghe Tờ trình dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi).

Theo Tờ Trình của Chính phủ, sau gần 8 năm triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Nhà ở đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập cần phải nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng cũng như với các quy định mới của Hiến pháp năm 2013 và tình hình thực tế hiện nay.

Đặc biệt, xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng nêu trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020, đó là Nhà nước phải “Có chính sách để phát triển mạnh nhà ở cho nhân dân, nhất là cho các đối tượng chính sách và người thu nhập thấp.”

Việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm cụ thể hóa các quy định mới của Hiến pháp năm 2013, đó là: “Công dân có quyền có chỗ ở,” “Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở…,” “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” và Nhà nước phải “có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở.”

Tờ trình của Chính phủ đã đề xuất 10 nhóm nội dung chủ yếu của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) như bảo đảm công tác phát triển nhà ở phải đúng quy hoạch và kế hoạch đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để khắc phục tình trạng đầu tư phát triển nhà ở tự phát, phong trào, cơ cấu hàng hóa nhà ở mất cân đối, lệch pha cung-cầu như trong những năm qua; đổi mới nội dung, phương thức thực hiện, quy định rõ cơ chế, chính sách ưu đãi để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội nhằm phục vụ cho các đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, người thu nhập thấp có khó khăn về nhà ở…

Như vậy, với đề xuất 10 nhóm nội dung cần sửa đổi như trong Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ có 13 Chương với 179 Điều. So với Luật Nhà ở hiện hành, dự thảo Luật tăng thêm 4 Chương và 26 Điều.

Trong buổi sáng 24/5, các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi). Đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tán thành với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi).

Về phạm phạm vi điều chỉnh của Luật Xây dựng (sửa đổi), đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành. Bày tỏ sự nhất trí của mình, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho biết nội dung phạm vi điều chỉnh của dự án luật với mục đích tiến hành hoạt động đầu tư xây dựng là nhằm tạo lập công trình xây dựng thông qua các hình thức xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, mở rộng công trình xây dựng; đồng thời kế thừa và nhất quán với các quy định của pháp luật trong quản lý đầu tư xây dựng ở nước ta từ trước đến nay, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành. Theo đó, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật không chồng lấn với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật Đầu tư công là quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

Liên quan đến vấn đề vật liệu xây dựng, đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) và một số đại biểu khác cho rằng, vật liệu xây dựng là một trong những bộ phận cấu thành cơ bản quyết định chất lượng và hiệu quả của các công trình xây dựng.

Đại biểu Trần Minh Diệu góp ý: Dự thảo luật lần này đã tiếp thu, bổ sung một số quy định về quản lý sử dụng vật liệu, thể hiện tại các Điều 4, 11, 80, 120 và 123 của dự thảo. Tuy nhiên, với cách thiết kế chung và rời rạc, không có tính hệ thống tại một số khoản, một số điều trong một số chương chưa hợp lý, chưa tương xứng với tính chất và tầm quan trọng của vật liệu trong hoạt động xây dựng.

Đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để thiết kế các quy định liên quan đến vật liệu xây dựng thành một chương riêng với hệ thống các điều khoản cụ thể, chặt chẽ, thực sự là những công cụ pháp lý cho công tác quản lý, giám sát quá trình xây dựng các công trình.

Đối với nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đầu tư xây dựng, đại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) cho rằng trên thực tế, thời gian qua, một số công trình xây dựng chưa có những quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng bảo đảm thuận lợi an toàn cho người khuyết tật, người cao tuổi và trẻ em nên đã xảy ra những sự việc đáng tiếc.

Về điều chỉnh dự án xây dựng, đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) cho rằng việc này rất cần thiết, nhất là đối với các trường hợp do thay đổi chỉ số giá xây dựng, các trường hợp đặc biệt bất khả kháng do thiên tại, do thay đổi quy hoạch. Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư với những lý do không cấp thiết như “xuất hiện các yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn…” được quy định tại mục b khoản 1 Điều 61 là thiếu chặt chẽ, không rõ ràng và đang bị lợi dụng để điều chỉnh nâng quy mô cũng như tổng mức đầu tư một cách tràn lan.

Thực tế cho thấy, đây là vấn đề nhạy cảm, đang được diễn ra một cách khá phổ biến, khó kiểm soát và là một trong những nguyên nhân dẫn đến đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực, kéo dài tiến độ thi công, dễ dẫn đến tiêu cực, gây thất thoát lãng phí. Vì thế, đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm để bỏ hoặc quy định lại một cách hạn chế, nghiêm ngặt hơn đối với trường hợp điều chỉnh quy mô và tổng mức đầu tư quy đinh tại mục b, khoản 1, Điều 61 của dự thảo.

Xung quanh nội dung quy hoạch xây dựng, đa số ý kiến của đại biểu Quốc hội đồng ý với việc cần có quy định về quy hoạch xây dựng trong dự thảo Luật. Theo các đại biểu, việc quy định nội dung quy hoạch xây dựng trong dự thảo Luật là kế thừa các quy định của Luật Xây dựng hiện hành nhằm tránh khoảng trống pháp luật trong quản lý. Quy hoạch xây dựng tạo tiền đề cho việc thực thi các nhiệm vụ quản lý Nhà nước có liên quan đến hoạt động xây dựng.

Do đó, các đại biểu đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về nội dung quy hoạch xây dựng như trong dự thảo Luật. Theo đại biểu Lê Trọng Sang (Thành phố Hồ Chí Minh) không nên quy định nội dung quy hoạch xây dựng trong dự án Luật mà đưa nội dung về quy hoạch xây dựng, kết hợp với nội dung Luật Quy hoạch đô thị thành một luật mới, có phạm vi điều chỉnh quy hoạch của cả 3 đối tượng gồm vùng, đô thị và nông thôn.

Đối với điều kiện năng lực của chủ đầu tư, đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) và một số đại biểu khác cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng; trong đó, nguyên nhân chính do năng lực và trách nhiệm của chủ đầu tư, nhất là chủ đầu tư ở các đơn vị địa phương cơ sở.

Kết quả của cuộc giám sát, thanh tra, kiểm toán đều nói đến vấn đề này. Tuy nhiên, những quy định nhằm hạn chế tình trạng nói này chưa được quy định. Đại biểu Diệu đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm để ít nhất cũng phải thiết kế một điều nói về điều kiện năng lực của chủ đầu tư

Cũng thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), trong buổi sáng 24/5, các đại biểu Quốc hội đã góp ý về giấy phép xây dựng; lựa chọn nhà thầu và điều kiện hoạt động của nhà thầu nước ngoài; thanh tra, khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm.

Cổng thông tin điện tử