Tại Phiên giải trình, trên cơ sở phản ánh thực trạng ngành nông nghiệp và việc ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, các đại biểu đề nghị các bộ, ngành có liên quan trả lời về những giải pháp trong tái cơ cấu cây trồng để tăng giá trị nông sản, phát triển bền vững ngành nông nghiệp; những đóng góp của nghiên cứu khoa học công nghệ đối với phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; hiệu quả đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ trong thực hiện phát triển nông nghiệp bền vững...
Đánh giá về hiệu quả nghiên cứu, đầu tư cho khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát nêu rõ, từ năm 2008 đến 2013, ngân sách nhà nước đã chi 3.930 tỷ đồng cho khoa học công nghệ; tổ chức nghiên cứu 1.045 đề tài về khoa học công nghệ cho phát triển nông nghiệp. Kết quả đã có hơn 300 giống mới về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp; nhiều sản phẩm công nghệ mới được đưa vào sử dụng, đóng góp quan trọng trong sự phát triển của ngành nông nghiệp. Sản lượng nông nghiệp tăng nhờ vào năng suất, chứ không phải diện tích. Thời gian tới, Bộ sẽ khắc phục những hạn chế trong đầu tư khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp đã được chỉ ra như: sử dụng kinh phí và nguồn lực đầu tư còn phân tán; cơ chế, chính sách mới tập trung vào tổ chức nghiên cứu nhà nước, chưa phát huy cao sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp... Về phía Nhà nước, Bộ sẽ phối hợp với các bộ liên quan rà soát lại cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các lực lượng trong nước nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân.
Phát biểu tại Phiên giải trình, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, với khoảng 70% dân số là nông dân và nông thôn là địa bàn chiến lược quan trọng, qua gần 30 năm thực hiện đổi mới nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nông nghiệp, nông thôn nước ta đã có những thành tựu đáng ghi nhận. Trong những thành tựu đạt được có phần đóng góp không nhỏ của khoa học công nghệ. Tuy nhiên, nông nghiệp nước ta vẫn phổ biến là sản xuất nhỏ, manh mún, công nghệ sản xuất chậm được đổi mới, tỷ lệ cơ giới hóa còn thấp. Giá cả vật tư nông nghiệp khá cao trong cơ cấu giá thành sản phẩm, hiệu quả canh tác trên một đơn vị diện tích còn thấp so với các nước trong khu vực và thế giới. Nhiều loại nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, thường bị ép giá và bán với giá thấp. Giá trị gia tăng của nông sản thấp, công nghệ sau thu hoạch còn chưa được chú trọng. Thu nhập bình quân từ sản xuất nông nghiệp thấp, thiếu ổn định. Khoa học và công nghệ chưa tạo được đột phá căn bản cho sản xuất nông nghiệp, chưa có sản phẩm chiến lược, mũi nhòn cho từng giai đoạn...
Phó chủ tịch QH đề nghị, sau phiên giải trình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành có liên quan thấy rõ hơn trách nhiệm của mình, có giải pháp định hướng đưa sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, hiệu quả và có sản phẩm cạnh tranh trên thị trường quốc tế.