Quốc hội thông qua thêm 5 luật với tỷ lệ tán thành cao

20/06/2009

Sáng nay 18-6, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Với sự đồng thuận cao, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh đã nhận được 461/464 đại biểu thông qua (chiếm 93,51%). Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa có 453/459 đại biểu thông qua (chiếm 91,08%). Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài nhận được sự đồng thuận của 461/464 đại biểu (chiếm 93,51%). Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai với 429/461 đại biểu biểu quyết (chiếm 87,02%). Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nhận được 454/460 đại biểu thông qua (chiếm 92,09%).

Rộng quyền mua nhà cho Việt kiều

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai, cho biết: Đa số ý kiến đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai, để điều chỉnh các đối tượng và điều kiện cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam.

Việc quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì có quyền sở hữu nhà ở để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam bao gồm: Người có quốc tịch Việt Nam; Người gốc Việt Nam thuộc diện người về đầu tư trực tiếp tại Việt Nam theo pháp luật về đầu tư; người có công đóng góp cho đất nước; nhà khoa học, nhà văn hoá, người có kỹ năng đặc biệt mà cơ quan, tổ chức của Việt Nam có nhu cầu và đang làm việc tại Việt Nam; người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam sinh sống ở trong nước.

Người gốc Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy miễn thị thực và được phép cư trú tại Việt Nam từ 3 tháng trở lên thì có quyền sở hữu một nhà ở riêng lẻ hoặc một căn hộ chung cư tại Việt Nam để bản thân và các thành viên trong gia đình sinh sống tại Việt Nam.

Điều 121 quy định Quyền và nghĩa vụ về sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam được sửa đổi, bổ sung: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng quy định tại Điều 126 của Luật nhà ở có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam có các quyền chuyển quyền sử dụng đất ở khi bán, tặng cho, để thừa kế, đổi nhà ở cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để ở; tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở cho Nhà nước, cộng đồng dân cư, tặng cho nhà tình nghĩa theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 110 của Luật này. Trường hợp tặng cho, để thừa kế cho đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở; Được thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; Được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của pháp luật Việt Nam; Được cho thuê, ủy quyền quản lý nhà ở trong thời gian không sử dụng.

Liên doanh nước ngoài góp vốn không quá 51% trong sản xuất phim

Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh nêu rõ: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giữ quy định tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài là không quá 51% vốn pháp định như trong Dự thảo Luật. Đây cũng là tỷ lệ Việt Nam đã cam kết khi gia nhập WTO và đã được Quốc hội khóa XI phê chuẩn.

Về tiêu chuẩn giám đốc doanh nghiệp sản xuất phim, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, vấn đề quan trọng nhất là kiểm soát nội dung phim trước khi phổ biến. Trong Luật Điện ảnh hiện hành đã quy định cụ thể về điều kiện được cấp phép phổ biến phim sản xuất trong nước và phim nhập khẩu. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước về điện ảnh kiểm soát nội dung trước khi phim được đưa ra phổ biến, không phân biệt đó là phim do doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài sản xuất. Những quy định về điều kiện cư trú tại Việt Nam, có tài khoản tại ngân hàng Việt Nam đối với giám đốc doanh nghiệp sản xuất phim là người nước ngoài thực tế ít tác dụng. Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cũng không quy định những điều kiện này. Do đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định như trong Dự thảo Luật để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tên “Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước” xác định rõ trách nhiệm

Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành tên gọi của Luật là Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn đề nghị giữ tên gọi của dự thảo Luật là Luật Bồi thường nhà nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, dù tên gọi là Luật Bồi thường nhà nước hay Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì dự thảo Luật đều phải quy định các vấn đề trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, quyền được bồi thường của người bị thiệt hại, thủ tục giải quyết bồi thường, kinh phí bồi thường và trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ.

Tại kỳ họp thứ 4, nhiều vị đại biểu Quốc hội cho rằng, tên gọi “Luật Bồi thường nhà nước” là chưa thể hiện rõ được trách nhiệm của Nhà nước. Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho lấy tên gọi là Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Tên gọi như vậy là rõ ràng, dễ hiểu, xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước và phù hợp với ngôn ngữ tiếng Việt.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật tần số vô tuyến điện.

 

Xuân Bách

(http://www.nhandan.com.vn/)