Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phải có trách nhiệm bồi thường

18/06/2009

Nhiều nhà cung cấp chạy theo xu hướng khai thác lợi nhuận ngắn hạn các tài nguyên trên mạng viễn thông và Internet của quốc gia khiến chất lượng dịch vụ kém, nhiều cuộc kết nối của khách hàng không thành công…

Sáng nay (17/6), Quốc hội thảo luận tại Hội trường dự án Luật Viễn thông. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên điều khiển phiên họp.

Đa số ý kiến đại biểu phát biểu tại Hội trường đều khẳng định sự cần thiết ra đời Luật Viễn thông. Bởi lẽ, viễn thông là một lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật tổng hợp, có tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội từ chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa đến an ninh quốc phòng. Trong quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, sự phát triển của viễn thông tạo nền tảng cho một nền kinh tế tri thức và xã hội thông tin toàn cầu, tạo cơ hội cho các nước đang phát triển (trong đó có Việt Nam) bứt phá mạnh hơn. Chiến lược, chính sách phát triển viễn thông đúng đắn sẽ góp phần tăng khả năng phát triển và cạnh tranh của nền kinh tế mỗi quốc gia.

Người tiêu dùng vẫn âm thầm chịu…

Thực tế hiện nay chất lượng mạng viễn thông chưa cao, đặc biệt là khâu truy cập của mạng viễn thông chưa được thiết kế tối ưu, chưa có chiến lược quy hoạch phát triển lâu dài. Xu hướng khai thác lợi nhuận ngắn hạn các tài nguyên trên mạng viễn thông và Internet của quốc gia đang gây ảnh hưởng đến sự phát triển về chất lượng, do đó cần ban hành các quy định về tiêu chuẩn chất lượng mạng viễn thông, tiêu chuẩn dịch vụ viễn thông.

Đại biểu Nguyễn Việt Dũng cho rằng, Luật cần qui định rõ tiêu chí về chất lượng dịch vụ tối thiểu phải đạt được (thực tế nhà cung cấp bao giờ cũng đưa ra chất lượng dịch vụ tối đa, nhưng người sử dụng lại cần chất lượng tối thiểu)…

Có ý kiến cho rằng nên bổ sung quy định doanh nghiệp phải bồi thường cho người sử dụng dịch vụ viễn thông nếu làm phương hại đến lợi ích của họ do chất lượng dịch vụ không đảm bảo, do bị gián đoạn dịch vụ hay các lý do khác, tương tự như quy định người sử dụng phải bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông.

Một số ý kiến cho rằng, thời gian gần đây đã xuất hiện nhiều vi phạm trong hoạt động viễn thông như trộm cắp sóng viễn thông, cáp viễn thông, lắp đặt trái phép các thiết bị viễn thông (như ăng ten, tổng đài điện thoại…) nhằm mục đích thu lời, quảng cáo trái phép, xâm hại hình ảnh cá nhân… vì vậy trong dự thảo Luật cần có các quy định, chế tài xử lý loại hành vi này hoặc dẫn chiếu các điều khoản trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.

Đại biểu Bá Thanh Kia (đoàn Phú Yên) cho rằng, cần qui định cụ thể việc bồi thường cho khách hàng, có thể bằng việc hoàn cước hoặc bồi thường thiệt hại vật chất khi chất lượng dịch vụ thấp, kết nối không thành công.

Không đồng bộ và lãng phí

Quy hoạch phát triển viễn thông là cơ sở quan trọng để định hướng phát triển viễn thông đúng và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Hướng theo quan điểm này, đại biểu Ngô Đức Minh (đoàn Bình Phước) cho rằng, hiện nay tình trạng đào đường, lấp cáp… diễn ra ở khắp nơi. Việc qui hoạch điện, nước, viễn thông, giao thông… tạo ra sự lãng phí đầu tư.

Theo đại biểu Vũ Thị Phương Anh (đoàn Quảng Nam), Luật cần qui định rõ việc chia sẻ hạ tầng viễn thông, nên qui định rõ về số cột, dây dẫn… để tránh gây mất mỹ quan đô thị, thậm chí ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Đại biểu Nguyễn Việt Dũng (đoàn TP.HCM) cho rằng, Luật cần bổ sung chính sách ưu tiên phát triển viễn thông trong sự nghiệp phát triển giáo dục-đào tạo, y tế (đặc biệt là giáo dục); chính sách ưu tiên thúc đẩy phát triển các dịch vụ (giá cước, thuê bao…); Xây dựng hạ tầng viễn thông phải phù hợp với hạ tầng kinh tế-xã hội.

Đại biểu Đinh Trinh Hải (đoàn Ninh Bình) cũng cho rằng, thực tế thời gian qua việc qui hoạch, đầu tư cho viễn thông chưa hợp lý; trình độ kỹ thuật không theo qui hoạch, làm mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và nhiều hiểm hoạ khó lường. Những hiện tượng này cần sớm được khắc phục.

 Cần quản lý chặt chẽ tài nguyên viễn thông

Đại biểu Nguyễn Việt Dũng cho rằng, Luật cần qui định rõ chính sách qui hoạch thị trường viễn thông như thế nào là hợp lý (đại biểu đưa ra dẫn chứng ở các nước phát triển khuyến khích nhân rộng dịch vụ cố định bởi tài nguyên vô tuyến thì có hạn nên phải qui định chặt chẽ).

Cùng chia sẻ quan điểm này, đại biểu Trần Đình Nhã (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) cho rằng, Luật phải qui định rõ cách đối xử với loại tài nguyên này như thế nào để việc sử dụng được an toàn, hiệu quả, có dự phòng. “Nguyên tắc này chưa được thể hiện trong luật mà chỉ nhấn mạnh việc sử dụng tài nguyên viễn thông theo cơ chế thị trường. Điều này có nghĩa là những tài nguyên giá trị cao sẽ được đem ra thí điểm, đấu giá trước. Qui hoạch phát triển viễn thông phải do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhưng phải theo nguyên tắc có dự phòng cho tương lai” - đại biểu Trần Đình Nhã nói.

Cùng chung quan điểm với nhiều đại biểu khác, đại biểu Bá Thanh Kia (đoàn Phú Yên) cho rằng, chất lượng dịch vụ viễn thông của Việt Nam chưa cao, nhiều truy cập chưa thành công, vì thế Luật cần qui định tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ mạng viễn thông để đảm bảo lợi ích chính đáng cho người sử dụng.

Ý kiến của đại biểu Vũ Thị Phương Anh đưa ra cũng được nhiều đại biểu khác lưu tâm, đó là việc quản lý kho số điện thoại. Hiện nay, chúng ta rất dễ dãi trong việc sử dụng kho này, hết số khuyến mãi lại thay số mới, rất lãng phí.

Thảo luận về cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về viễn thông, nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết. Bởi thực tế Bộ Bưu chính-Viễn thông đã là một cơ quan quản lý chuyên ngành rồi.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường./.

 

 

Vũ Hạnh-Bích Lan

(http://vovnews.vn/)