Ngày làm việc thứ 19, kỳ họp thứ năm, QH khóa XII: Các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn của các đại biểu QH : Trách nhiệm, thẳng thắn đối với những vấn đề của nhân dân, của đất nước

12/06/2009

Ngày 11-6, Kỳ họp thứ 5, QH khóa XII bước vào phiên chất vấn của các đại biểu QH đối với các thành viên Chính phủ dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng.

Cho đến 17 giờ ngày 10-6, các đại biểu QH đã có 235 câu hỏi chất vấn gửi đến Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Trong đó, Thủ tướng có 23 câu hỏi chất vấn, đối với các Bộ trưởng, trưởng ngành nhiều nhất có 28 chất vấn, ít nhất có một chất vấn.

Trách nhiệm cao với những ý kiến, kiến nghị của cử tri

Mở đầu ngày làm việc này, Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ QH Trần Thế Vượng, đọc Báo cáo tình hình giải quyết kiến nghị của cử tri từ sau kỳ họp thứ 4, QH khóa XII đến nay nêu rõ: Tại kỳ họp thứ 4, QH khóa XII, thông qua báo cáo của 63 Ðoàn đại biểu QH, Ủy ban Thường vụ QH đã nhận được 2.466 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước gửi tới kỳ họp. Ủy ban Thường vụ QH đã phối hợp với Ðoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã trình bày báo cáo này tại phiên khai mạc kỳ họp QH. Ðồng thời, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo Ban Dân nguyện tập hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri để gửi đến các đại biểu, Ðoàn đại biểu QH. Tất cả các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được nghiên cứu một cách nghiêm túc. Sau khi phân loại những ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan nhà nước ở địa phương, những ý kiến, kiến nghị đã được các cơ quan có thẩm quyền giải quyết từ trước kỳ họp thứ 4, còn lại 651 ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc trách nhiệm xem xét, giải quyết của QH, các cơ quan của QH, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao. Cụ thể là: 94 ý kiến, kiến nghị của cử tri có nội dung liên quan hoạt động của QH, các cơ quan của QH; 547 ý kiến, kiến nghị với Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ; chín ý kiến, kiến nghị với Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; một ý kiến, kiến nghị với Tổng LÐLÐ Việt Nam.

Tiếp thụ ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan công tác xây dựng luật, pháp lệnh, Ủy ban Thường vụ QH đã báo cáo QH điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH, trong đó đưa vào chương trình việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đầu tư xây dựng cơ bản; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ðất đai, Luật Nhà ở. Ðối với những ý kiến đóng góp cụ thể vào dự thảo các dự án luật, pháp lệnh đều được Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của QH nghiên cứu, xem xét, tiếp thu trong quá trình thẩm tra, hoàn thiện các dự án luật, pháp lệnh trước khi trình ra QH, Ủy ban Thường vụ QH.

Tiếp thụ ý kiến, kiến nghị của cử tri, QH, Ủy ban Thường vụ QH, các cơ quan của QH đã lựa chọn những vấn đề bức xúc được đông đảo cử tri và nhân dân cả nước quan tâm để đưa vào chương trình giám sát năm 2009, cụ thể là:  Tại kỳ họp thứ 5, QH khóa XII, QH tiến hành giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, vệ sinh, an toàn thực phẩm. Kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2009), Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức đoàn giám sát và ra nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện di dân, tái định cư công trình thủy điện Sơn La; hiện đang tiến hành giám sát việc tổ chức và thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng và việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác này.

Nhìn chung, các ý kiến, kiến nghị của cử tri có liên quan hoạt động của Quốc hội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thụ và qua đó đã góp phần quan trọng vào việc từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát việc tuân theo pháp luật. Tuy nhiên, trong một số trường hợp việc bổ sung hoặc rút các dự án luật, pháp lệnh ra khỏi chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn có phần dễ dãi; một số luật được thông qua chất lượng chưa cao, mới thi hành một thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung; nhiều quy định của luật còn phải chờ hướng dẫn của Chính phủ. Ý kiến, kiến nghị của cử tri tuy được các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, tiếp thụ, song việc trả lời, thông tin kết quả giải quyết đến với cử tri còn chưa được kịp thời và đầy đủ. Việc giám sát Chính phủ, các bộ, ngành trong việc giải quyết ý kiến, kiến nghị và trả lời cử tri chưa làm được nhiều. 

Cho đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời đối với 535 ý kiến, kiến nghị trong tổng số 547 ý kiến, kiến nghị mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chuyển đến Chính phủ, 23 bộ và cơ quan ngang bộ. Hiện còn 12 ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa nhận được văn bản trả lời.

Theo đánh giá của 18 bộ, cơ quan ngang bộ, đồng thời qua theo dõi tình hình giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy: Việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri ngày càng được Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ coi trọng. Nhìn chung, các cơ quan đã thấy rõ trách nhiệm của mình trước cử tri, chất lượng giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri ngày càng được nâng cao. Kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức; từng bước nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước. Ðối với những ý kiến, kiến nghị mà việc giải quyết liên quan nhiều cơ quan nhà nước ở T.Ư và địa phương thì khi trả lời cử tri, bộ chủ quản đã nêu rõ giải pháp và trách nhiệm của từng cơ quan có thẩm quyền. Ðối với những kiến nghị về việc hoạch định chính sách, các bộ, cơ quan ngang bộ đều nghiêm túc tiếp nhận và tổ chức nghiên cứu trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách thuộc thẩm quyền của mình hoặc soạn thảo văn bản trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Nỗ lực quản lý thị trường lao động và giải quyết  việc làm

Bộ trưởng LÐ-TB và XH Nguyễn Thị Kim Ngân là thành viên Chính phủ đầu tiên trả lời chất vấn. Sau khi báo cáo tóm tắt kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và chất vấn của đại biểu QH sau kỳ họp thứ 4, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu QH. Quan tâm vấn đề quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam đang có những diễn biến phức tạp, đại biểu Võ Thị Thủy (Bình Ðịnh), Nguyễn Ngọc Ðào (Hà Nội) và một số đại biểu khác đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và giải pháp của Bộ LÐ-TB và XH về những vấn đề này như thế nào? Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, trong tình hình hiện nay, việc đưa người Việt Nam ra nước ngoài lao động và đón người lao động nước ngoài vào Việt Nam là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nước ta không chấp nhận lao động phổ thông là người nước ngoài. Nhưng, trên thực tế, vẫn có hiện tượng người nước ngoài là lao động phổ thông vào Việt Nam làm việc. Những người này vào nước ta bằng nhiều con đường khác nhau, trong đó chủ yếu là du lịch, thương mại, thăm thân... Qua báo cáo của các địa phương thì số lượng lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc năm 2008 là 52.633 người. Ðây là những lao động có đủ điều kiện được các doanh nghiệp, tổ chức báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xin cấp giấy phép lao động. Trong số hơn 52.000 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã có khoảng 50% được cấp giấy phép lao động, số còn lại là những đối tượng đang trong giai đoạn làm thủ tục để cấp giấy phép lao động hoặc không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép lao động. Hiện nay các địa phương chưa có báo cáo tổng hợp về số lao động là người nước ngoài làm việc bất hợp pháp ở Việt Nam (không có nước nào có số liệu chính xác về số lao động bất hợp pháp) và cũng chưa có số liệu thống kê đầy đủ số lao động phổ thông là người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.  Hầu hết số lao động này vào làm việc ở các công trình, dự án do các nhà thầu nước ngoài trúng thầu ở Việt Nam.

Về các giải pháp quản lý và sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam, Bộ trưởng nêu rõ:  Việc quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam đã được quy định cụ thể trong Nghị định 34 của Chính phủ quy định về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Bộ LÐ-TB và XH chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về lao động; nghiên cứu, ban hành và trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản pháp luật; tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện; thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền.

Pháp luật cũng quy định trách nhiệm của các bộ, ngành địa phương. Bộ Công an quản lý về xuất nhập cảnh, cấp thẻ tạm trú, thường trú cho người lao động nước ngoài. Ðối với các cửa khẩu biên giới đất liền do Bộ đội Biên phòng kiểm soát, quản lý việc xuất nhập cảnh qua biên giới. Bộ Tư pháp cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho người nước ngoài khi người nước ngoài cư trú đủ từ sáu tháng trở lên tại Việt Nam. Bộ Ngoại giao quản lý về hợp pháp hóa lãnh sự các giấy tờ do phía nước ngoài cấp. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quản lý nhà nước về lao động nước ngoài trên địa bàn.

Việc quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật lao động, đồng thời tạo điều kiện để thu hút lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao đáp ứng nhu cầu của sự phát triển; tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Về vấn đề này, đại biểu Trần Hoàng Thám (TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi với Bộ trưởng về những khó khăn trong công tác quản lý thị trường lao động là gì? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, số lượng lao động phi chính thức chiếm tới 70% và các cơ quan chức năng không thể quản lý được. Ðể làm tốt công tác này, cần có nhiều thời gian, trong đó, cần thiết ban hành Luật tiền lương tối thiểu, Luật việc làm và Luật về người nước ngoài lao động tại Việt Nam.

Vấn đề bảo đảm việc làm cho người lao động trong thời kỳ khó khăn của kinh tế được nhiều đại biểu QH quan tâm. Ðại biểu Nguyễn Ðức Hiền (Quảng Ngãi) băn khoăn về số lượng thực tế người mất việc làm cả nước nói chung và ở các làng nghề nói riêng; đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Ðác Lắc) muốn biết cụ thể nội dung Ðề án dạy nghề cho nông dân mà Bộ LÐ-TB và XH đang triển khai và cho rằng cần tập trung đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn để tránh tốn kém; đại biểu H'Luộc NTơr (Ðác Lắc) lo lắng về việc định hướng nghề nghiệp, đào tạo cử tuyển và giải quyết việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số chưa có kết quả tốt, nhiều người không có việc làm sau khi đào tạo trở về quê hương... Về những vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân, cho biết: Năm 2008, theo báo cáo của 41 tỉnh, thành phố có 66.707 người bị mất việc làm, chiếm 16,26% lao động làm việc trong các doanh nghiệp có báo cáo, trong đó số lao động nữ bị mất việc làm chiếm 25,5%. Quý I năm 2009, qua khảo sát thực tế và báo cáo của 48 tỉnh, thành phố thì có 1.264 doanh nghiệp đang gặp khó khăn với số lao động bị mất việc làm là 64.897 người, chiếm 10% lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp có báo cáo, trong đó số lao động nữ bị mất việc làm là 21.654 người (chiếm 33,3% tổng số lao động bị mất việc làm). Lao động thiếu việc làm là 38.914 người (phải giảm giờ làm việc hoặc thay phiên làm việc). Ở khu vực nông thôn, đặc biệt là ở các làng nghề, theo báo cáo của 46 tỉnh, thành phố thì quý I-2009 số lao động mất việc làm khu vực này là 30.594 người. Ðây là những số liệu chấp nhận được bởi trên thực tế con số người mất việc làm và tìm được việc làm mới biến đổi từng ngày.

Về băn khoăn của đại biểu Nguyễn Lân Dũng, Bộ trưởng nêu rõ: Ðề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn được Bộ chuẩn bị rất công phu với tổng kinh phí dự kiến là hơn 32.600 tỷ đồng và thực hiện trong 12 năm, liên quan 70% người dân sống ở khu vực nông nghiệp, nông thôn. Mỗi năm dự kiến đào tạo nghề cho một triệu lao động nông thôn. Như vậy, sau 12 năm sẽ có 12 triệu lao động nông thôn có nghề và từ đó có thể khẳng định rằng kinh phí bỏ ra thực hiện đề án là không cao, không lãng phí. Ðào tạo nghề cho lao động nông thôn là vấn đề rất quan trọng nên tiếp tục được quan tâm, đầu tư và phát triển mạnh hơn nữa.

Về công tác cử tuyển, tạo việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số, Bộ trưởng Kim Ngân ghi nhận những bất cập mà đại biểu H'Luộc NTơr nêu ra và khẳng định, Bộ cùng các cơ quan chức năng sẽ rà soát lại kết quả đào tạo cử tuyển, xem xét việc cử tuyển đã đúng đối tượng chưa và chất lượng đào tạo cử tuyển như thế nào để báo cáo, tham mưu với Chính phủ xem xét, giải quyết.

Ðại biểu Bùi Ðặng Dũng (Kiên Giang) và một số đại biểu đặt hai câu hỏi về thời điểm công bố chuẩn hộ nghèo để các hộ nghèo trong cả nước được thụ hưởng những chính sách hỗ trợ của Ðảng, Chính phủ và việc tạo điều kiện cho khoảng 3.000 trẻ em có HIV được tiếp cận với môi trường học tập? Giải đáp câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết: Ngay sau Kỳ họp thứ 4, Bộ LÐ-TB và XH đã nghiên cứu về chuẩn nghèo mới và trong tháng 6 năm nay sẽ trình Chính phủ xem xét, quyết định. Ðồng thời đề nghị các địa phương, các cơ quan chức năng cần kiểm tra rà soát thật chính xác số lượng hộ nghèo để tránh tình trạng hộ nghèo thì không được công nhận, hộ không nghèo thì lại được hưởng nhiều chế độ chính sách. Về vấn đề này, các Ðoàn đại biểu QH cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của mình, cần quan tâm nhiều hơn nữa tới công tác an sinh xã hội và các hộ nghèo tại địa phương mình. Ðối với việc học tập của các em nhỏ có HIV đang được nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ, Bộ trưởng thừa nhận có một số nơi, những em này rất khó khăn tiếp cận với môi trường học tập và nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của người dân về vấn đề này chưa tốt. Giải pháp cho vấn đề này là nếu được nhân dân ủng hộ, có thể bố trí cho các em nhỏ có HIV học tập cùng với các em nhỏ khác trên địa bàn có trung tâm bảo trợ. Nếu  có nhiều em, sẽ bố trí dạy học ngay tại trung tâm.

Các đại biểu QH: Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phạm Xuân Thường (Thái Bình) quan tâm và đặt câu hỏi về chính sách hỗ trợ nhà ở cho cán bộ tiền khởi nghĩa và lão thành cách mạng. Bộ trưởng cho biết: Pháp lệnh Người có công (sửa đổi) đã quy định về vấn đề này, đồng thời Chính phủ đã ra Nghị định. Bộ LÐ-TB và XH đã làm việc với Ban Tổ chức T.Ư và trong thời gian tới sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể triển khai công việc này. Ngay sau khi có hướng dẫn, các sở LÐ-TB, XH sẽ tiến hành chi trả các khoản tiền hỗ trợ cho gia đình các đồng chí lão thành cách mạng và tiền khởi nghĩa.

Một số đại biểu QH đặt câu hỏi với Bộ trưởng về thực trạng tình hình lao động trẻ em ở nước ta hiện nay như thế nào và giải pháp của Bộ về vấn đề này. Bộ trưởng cho biết: Việt Nam chưa có một cuộc điều tra mang tính quốc gia về lao động trẻ em. Tuy nhiên theo kết quả của các cuộc điều tra mức sống dân cư Việt Nam do Tổng cục Thống kê thực hiện các năm 1992-1993, năm 1997-1998 và năm 2002-2003 cho thấy tỷ lệ lao động trẻ em dưới 17 tuổi đã giảm nhanh chóng trong thời gian qua.  Tuy nhiên cũng có một bộ phận trẻ em xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt (cha mẹ ly hôn, cha mẹ bệnh tật, nhiễm HIV hoặc mồ côi cha mẹ...), phải tự lao động để kiếm sống hoặc đi làm thuê cho các chủ sử dụng lao động (như bán báo, đánh giày, bán hàng rong, phục vụ trong các cửa hàng ăn uống, làm thuê giúp việc gia đình...). Ðối với những trường hợp này, nếu phát hiện trẻ em bị bóc lột lao động, bị xâm hại thì phải nghiêm khắc xử lý đúng pháp luật. Trong thời gian tới, để hạn chế hiện tượng các em lao động kiếm sống, nhất là hiện tượng các em bị lạm dụng sức lao động, Bộ LÐ-TB và XH phối hợp các cấp, các ngành triển khai thực hiện tốt việc hỗ trợ các em có hoàn cảnh đặc biệt trong việc học văn hóa (như miễn mọi khoản đóng góp xây dựng trường, mở các lớp tình thương, hỗ trợ SGK, dụng cụ học tập), hỗ trợ tổ chức học nghề (đào tạo nghề là phương thức hữu hiệu trợ giúp trẻ em lang thang có điều kiện cải thiện cuộc sống trong tương lai, giúp các em có điều kiện phát triển như các em khác).

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã giải đáp về đề nghị hưởng đồng thời hai chế độ trợ cấp thương binh và mất sức lao động, về việc giám định lại thương tật, công tác trợ cấp cho lực lượng TNXP...

Quan tâm  phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân

Các đại biểu QH chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát các  nhóm vấn đề là: việc sử dụng gói kích cầu trong nông nghiệp, nhất là việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, các công trình thủy lợi; vấn đề chế biến nông sản thực phẩm, các biện pháp hỗ trợ nông dân gặp khó khăn trong sản xuất và đời sống.

Chất vấn của các đại biểu: Vũ Quang Hải (Hưng Yên), Ðinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi), Phương Hữu Việt (Bắc Ninh), Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh), Ðặng Thị Huyền Thái (Hà Nội), về xuất khẩu sản phẩm hàng hóa của nước ta rất lớn, nhưng có nhiều sản phẩm thua ngay trên sân nhà, có những loại sản phẩm nông nghiệp tràn vào thị trường trong tình hình hiện nay làm nông dân bức xúc; về hiệu quả sử dụng gói kích cầu cho khu vực nông nghiệp; về biện pháp nâng cao năng lực cán bộ nông nghiệp ở xã thực hiện như thế nào được Bộ trưởng Cao Ðức Phát trả  lời là: giá trị sản xuất nông nghiệp của nước ta so với một số nước còn thấp và trong điều kiện công nghiệp, dịch vụ đang lấy đà tăng trưởng, thì phần lớn lao động ở nước ta vẫn làm việc trong khu vực nông nghiệp và nông thôn. Ðể giải quyết vấn đề này, giải pháp là giúp nông dân nâng cao nhanh năng suất và hiệu quả sản xuất, chủ yếu thông qua áp dụng khoa học kỹ thuật, đào tạo nhân lực và xây dựng cơ sở hạ tầng, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Ðại hội X của Ðảng và Nghị quyết T.Ư 7 của Ðảng. Trong các loại nông sản của nước ta làm ra, có nhiều loại nông sản có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, như lúa gạo, cà-phê, cao-su, điều, hồ tiêu, chè, thủy sản, đồ gỗ... Năm 2008 đã xuất khẩu được tới 14,5 tỷ đô-la, là một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn. Tuy nhiên có một số loại nông sản không có lợi thế cạnh tranh, nên mức sản xuất ở trong nước còn thấp và  chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước, mà vẫn phải nhập khẩu khối lượng lớn, như bông,  ngô, đỗ tương, lá thuốc lá, sữa và một số nông sản khác.

Chính phủ đã có chủ trương bố trí ở mỗi xã có một cán bộ khuyến nông, một cán bộ thú y, đã tạo cơ hội cho ít nhất hơn 20.000 cán bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp về tận xã. Bộ có chủ trương điều chuyển cán bộ kiểm lâm về với xã. Bộ kiến nghị với Chính phủ và các địa phương có chính sách cụ thể để đưa thêm cán bộ các chuyên ngành khác về trực tiếp làm việc tại cơ sở; có cơ chế chính sách để các viện, trường cử cán bộ về làm việc trực tiếp với nông dân. Chủ trương của Chính phủ là trong gói kích cầu hay kích thích kinh tế luôn ưu tiên cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, vì Chính phủ xác định rằng kích cầu trong nông nghiệp, nông thôn sẽ đem lại hiệu quả cao nhất cho nền kinh tế. Chương trình cho vay ưu đãi hỗ trợ 4% lãi suất, trong 336.000 tỷ đồng đã được rót vào nền kinh tế, thì gần 60.000 tỷ đồng đã được dành trực tiếp cho nông dân vay. Chính phủ có một chương trình cho vay không lãi suất riêng để nông dân mua máy móc, vật tư nông nghiệp, vật liệu để xây dựng và dành một phần rất lớn vốn đầu tư xây dựng cơ bản để đầu tư cho các công trình về nông nghiệp. Chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng về thủy lợi, giao thông nông thôn, điện, nước sạch, phát triển cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, tập trung ưu tiên ở 61 huyện nghèo và các vùng nghèo, xã nghèo vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo.

Ðại biểu Nguyễn Lân Dũng (Ðác Lắc) chất vấn về ý kiến của Bộ trưởng đối với việc các khu công nghiệp, các khu chế xuất trong nhiều năm qua đã chiếm các vùng đất ven đường, thậm chí có ý tưởng xóa sổ cả Trung tâm tinh đông khô phục vụ cho đàn bò cả nước, được Bộ trưởng trả lời: Ðảng, Chính phủ, Quốc hội đã rất quan tâm vấn đề này. Chính phủ đang xây dựng một quy hoạch đất lúa gắn với đề án về an ninh lương thực cho đất nước tới năm 2020 tầm nhìn 2030. Trên cơ sở những quy hoạch và đề án này được duyệt, sẽ có cơ sở tốt để thực hiện chủ trương vừa bảo vệ đất lúa, nhưng vừa tạo điều kiện để cho các ngành kinh tế, xã hội phát triển nhanh và có hiệu quả. Về Trung tâm tinh đông khô, Bộ trưởng cho biết, đây là một trung tâm duy nhất hiện nay ở nước ta sản xuất tinh đông viên cho đàn bò và được Cu-ba giúp xây dựng hơn 30 năm. Bộ đã có kiến nghị xem xét để tạo điều kiện duy trì trung tâm này.    

Trả lời chất vấn của đại biểu Ðỗ Hữu Lâm (Long An) và một số đại biểu khác về sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, xây dựng cơ sở hạ tầng, tiêu thụ lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng cho biết: Ðây là vấn đề rất lớn, đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa chính của đất nước, gần 100% sản lượng gạo xuất khẩu từ đồng bằng sông Cửu Long. Vấn đề duy trì sản xuất ổn định, hiệu quả lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long là nền tảng để bảo đảm an ninh lương thực ở nước ta, lúa gạo tiếp tục là cây trồng đem lại thu nhập và việc làm chính cho bà con nông dân đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ hết sức quan tâm, trong chương trình đầu tư hiện nay, Bộ đang chỉ đạo rà soát lại quy hoạch thủy lợi đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu. Khi nước biển dâng lên, thì đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng bị ảnh hưởng nặng nề. Chính phủ đã dành vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nói chung, trong đó có hệ thống thủy lợi ở đồng bằng sông Cửu Long. Bộ làm việc với Ngân hàng thế giới để xây dựng một chương trình vốn vay lớn để tiếp sức cho nỗ lực này. Về vấn đề quy hoạch lúa, đang xem xét trong quy hoạch chung của cả nước. Vấn đề mua máy móc nông nghiệp được ưu tiên hơn bao giờ hết lệ thuộc vào nước ngoài, Bộ trưởng cho biết, Bộ Công thương đã có văn bản hướng dẫn rất chi tiết những danh mục, những loại máy móc, vật tư được ưu tiên sử dụng vốn của chương trình kích cầu để mua và Bộ Công thương cùng Bộ đang tiếp tục rà soát để bổ sung. Vấn đề phụ thuộc vào nước ngoài, thì Chính phủ có cơ chế, chính sách khuyến khích sản xuất trong nước các loại phân bón và thuốc trừ sâu, thuốc thú y. Tuy nhiên, đến nay mới đáp ứng được khoảng 50% về phân đạm và 50% về phân lân, còn ka-li thì hầu như vẫn phải nhập. Sau khi xây dựng tiếp một số nhà máy phân đạm thì mức độ phụ thuộc sẽ được giảm xuống, chúng ta trong 10 năm tới có thể không phụ thuộc về phân đạm, nhưng ka-li thì nước ta không có nguồn. Ðối với thuốc trừ sâu và thuốc thú y chủ yếu nhập nguyên liệu từ nước ngoài, nhưng đóng gói phân phối thì ở trong nước. Ðây là vấn đề khoa học kỹ thuật phức tạp, Bộ cũng không ngần ngại sử dụng những tiến bộ kỹ thuật của thế giới và cố gắng tự túc trong nước, nhưng có thể cần tiếp thu những tiến bộ của nhân loại để sử dụng có hiệu quả trong nông nghiệp nước ta.

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Ðình Khanh (Hải Dương) về chính sách hỗ trợ bảo hiểm sản phẩm hàng hóa cho nông dân, Bộ trưởng Cao Ðức Phát cho biết, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân vùng bị thiên tai, dịch bệnh. Còn bảo hiểm cho nông dân hiện chưa có, vì sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản có độ rủi ro cao do thiên tai, dịch bệnh, các doanh nghiệp bảo hiểm  chưa mặn mà với việc này và bản thân nông dân chưa tham gia vì nguồn vốn đóng bảo hiểm lớn. Chính phủ đang giao các cơ quan chức năng nghiên cứu các cơ chế, chính sách hình thành hệ thống bảo hiểm sản phẩm hàng hóa cho nông dân. Trả lời các câu hỏi của các đại biểu về giải pháp hạn chế phá rừng, Bộ trưởng cho biết đã giao hơn sáu nghìn ha đất của các nông lâm trường cho các địa phương quản lý. Bộ phối hợp các ngành chức năng và địa phương trồng rừng và phòng chống nạn phá rừng, phấn đấu quyết liệt để đến năm 2010 độ che phủ rừng đạt 43% như Nghị quyết của QH đã đề ra. Chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) về trách nhiệm của Bộ trưởng trong công tác đào tạo nghề cho một triệu nông dân mỗi năm, được Bộ trưởng Cao Ðức Phát trả lời là, Bộ phối hợp các bộ, ngành, đoàn thể và các địa phương triển khai thực hiện Chương trình của Chính phủ đào tạo nghề cho một triệu nông dân mỗi năm, trong giai đoạn 2009-2020, nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Trong số hơn 25 triệu người lao động ở khu vực nông nghiệp, hiện mới có hơn 10% có trình độ nghiệp vụ, còn lại chủ yếu làm việc theo kinh nghiệm, cho nên rất cần tập trung mọi nguồn lực để đào tạo nguồn nhân lực ở khu vực nông nghiệp; Bộ đang thí điểm phát thẻ học nghề cho nông dân theo nhu cầu, khả năng, nguyện vọng của người dân đến học nghề ở các trường, trung tâm đào tạo, thay vì chuyển vốn cho các trường và trung tâm đào tạo. Trả lời chất vấn của các đại biểu về chính sách hỗ trợ đối với  ngư dân đánh bắt cá xa bờ, Bộ trưởng nêu rõ, Bộ đang phối hợp các bộ, ngành, địa phương hình thành các trung tâm dịch vụ, phục vụ nguyên vật liệu và  thu mua nguồn hải sản trên biển, giúp ngư dân tiêu thụ sản phẩm.

Những vấn đề đặt ra trong sản xuất công nghiệp, tiêu thụ hàng hóa và quản lý thị trường

Sau khi thông báo kết quả một số vấn đề đại biểu QH và cử tri nêu ra tại kỳ họp thứ tư, QH khóa XII (chung quanh vấn đề cung cấp điện, sản xuất hàng công nghiệp, vấn đề nhập siêu, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, quản lý thị trường, tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân, điều hành xuất khẩu gạo và một số vấn đề khác) Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng báo cáo trước QH tại kỳ họp thứ năm đã nhận được 27 ý kiến chất vấn của đại biểu QH và cử tri, chung quanh các vấn đề: việc điều chỉnh biểu giá bán điện; tình hình xuất khẩu gạo và cơ chế điều hành; về công tác quản lý thị trường những tháng đầu năm 2009; về công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại; việc triển khai các chương trình hỗ trợ cho gói kích cầu của Chính phủ; việc khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng, và một số vấn đề khác, đã được Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng trả lời cụ thể bằng văn bản tới đại biểu QH đặt câu hỏi chất vấn, và qua đó đến cử tri và nhân dân.

Trả lời chất vấn tại hội trường của các đại biểu QH Nguyễn Ðăng Trừng (TP Hồ Chí Minh), Phạm Thị Loan (Hà Nội), Ðặng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) chung quanh các vấn đề, tại sao dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên vượt qua tiêu chí 20 nghìn tỷ đồng mà không trình QH; việc khai thác bô-xít chưa cho ra sản phẩm cuối cùng là nhôm liệu có lãng phí vì xuất khẩu nguyên liệu thô; bằng cách nào hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh và khuyến khích dùng hàng sản xuất trong nước; việc cơ cấu, tổ chức lại ngành điện; việc điều chỉnh biểu giá bán điện có tính đến các hộ nghèo, sinh viên, học sinh, các doanh nghiệp nhỏ; giá bán điện giờ cao điểm và các biện pháp khắc phục những bất cập kể trên như thế nào? Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời: Dự án khai thác bô-xít ở Tây Nguyên gồm nhiều dự án nhỏ độc lập với nhau (đường sắt, xây dựng cảng, các mỏ khai thác...) mỗi dự án chưa đến 20 nghìn tỷ đồng. Việc cho ra sản phẩm a-lu-min chứa hàm lượng nhôm rất cao, thì không thể cho là xuất khẩu nguyên liệu thô.

Hiện nay, Chính phủ đang tập trung mọi cố gắng khắc phục những khó khăn của nền kinh tế do khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu tác động đến nước ta, nhưng Bộ Công thương vẫn xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp trình Chính phủ trên nhiều lĩnh vực, nhất là những mặt hàng, sản phẩm Việt Nam có lợi thế như hàng điện tử, cơ khí, hàng nông sản... Xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên (kể cả trong đấu thầu) tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia mọi lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, từng bước nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, khuyến khích người dân dùng hàng sản xuất trong nước. Bộ Công thương đang trình Chính phủ đề án cơ cấu tổ chức lại ngành điện (EVN) gắn với việc EVN từng bước hoạt động và phát triển theo cơ chế thị trường, trong đó có yếu tố điều chỉnh giá điện. Việc điều chỉnh giá điện theo bậc thang mới đã được tính toán, cân nhắc kỹ, sao cho không làm ảnh hưởng lớn đến người nghèo và giá cả thị trường. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng ghi nhận việc xác định giờ cao điểm (từ 9 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút) sẽ được kiểm tra, xem xét lại, nếu thấy quá bất hợp lý sẽ trình Chính phủ quyết định điều chỉnh. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng nói rõ: Việc EVN thành lập thêm Tổng Công ty truyền tải, mua bán điện cũng nằm trong lộ trình cải cách, cơ cấu tổ chức lại ngành điện. Chưa đồng tình với nội dung giải trình của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trong vấn đề khai thác bô-xít ở Tây Nguyên và tại sao trong khi đang trình Chính phủ đề án cơ cấu lại nguồn điện mà EVN vẫn thành lập doanh nghiệp mới, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định: Việc khai thác bô-xít là dự án gồm nhiều dự án, độc lập, nằm trong quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt. Việc thành lập Tổng Công ty truyền tải, mua bán điện là nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết của EVN đồng thời cũng nằm trong việc cơ cấu tổ chức lại nguồn điện, và cũng được Chính phủ phê duyệt. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng thừa nhận trách nhiệm của mình và Bộ Công thương trong việc chưa phối hợp tốt và đồng bộ với một số bộ liên quan về xây dựng các chế tài xử phạt việc vi phạm hợp đồng kinh tế nhằm thực hiện tốt QÐ80/2002/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng; tìm kiếm thị trường giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Một số vấn đề các đại biểu QH Danh Út (Kiên Giang), Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa), Lê Thanh Liêm (Long An) nêu ra như việc điều hành xuất khẩu gạo của Hiệp hội lương thực Việt Nam chưa tốt, chưa đúng chức năng; làm thế nào để chống lại gian lận thương mại, nhất là bán thiếu xăng, dầu ở một số cây xăng, giá cước ta-xi gian lận... sẽ được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trả lời trong phiên chất vấn sáng nay 12-6.

 

 

Song Linh, Lê Hoàng và Trần Ðình Chính

(http://www.nhandan.com.vn/)