Chất lượng thực phẩm tác động tới sức khỏe của người dân

11/06/2009

Xử lý nghiêm những cá nhân, cơ sở chế biến thực phẩm không an toàn là một trong những biện pháp ngăn chặn tình trạng thực phẩm có nhiều hoá chất độc hại bày bán tràn lan trên thị trường.

Sáng 10/6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội thảo luận tại hội trường về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm (CLVS ATTP).

Chất lượng thực phẩm giảm sút, số ca ngộ độc thực phẩm tăng

Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý CLVS ATTP do Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh trình bày cho thấy: Hoạt động kiểm tra, thanh tra VSATTP trong thời gian qua đã được tăng cường. Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, chất lượng VSATTP vẫn còn yếu kém, số lượng ca tử vong do ngộ độc thực phẩm có xu hướng tăng. Từ năm 2004 - 2008 số vụ ngộ độc thực phẩm trung bình xảy ra tại khu công nghiệp là 7 - 32 vụ/năm với số người mắc là 905 - 3.589 người/năm (trung bình 113 người/vụ).

Về diện tích đất đủ điều kiện trồng rau an toàn mới chỉ đạt 8,5% tổng diện tích rau cả nước, diện tích trồng cây ăn quả an toàn đạt khoảng 20%, số còn lại do sản xuất nhỏ lẻ, không trong vùng quy hoạch nên khó kiểm soát về chất lượng. Kết quả phân tích số liệu từ báo cáo của 63 tỉnh, thành phố cho thấy, trung bình số mẫu rau quả tươi đạt yêu cầu giai đoạn 2004-2006 là 91 %, giai đoạn 2007-2008 là 90,5%. Tỷ lệ mẫu rau, quả tươi sống bị ô nhiễm vi sinh vật, tồn dư, hóa chất vẫn còn cao ở một số địa phương.

Năm 2008 số lượng gia súc, gia cầm giết mổ được kiểm soát đạt 58,1%. Tỷ lệ này tuy có tốt hơn trước nhưng vẫn còn thấp. Hiện nay, cả nước chỉ có 617 cơ sở giết mổ có được kiểm soát, 16.512 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện VSATTP. Kết quả thanh tra 6.891 cơ sở chế biến, giết mổ gia súc, gia cầm trong cả nước cho thấy, số cơ sở đạt yêu cầu giảm từ 61,8% (2004-2006) xuống 51,8% (2007-2008). Việc vận chuyển thịt, gia súc, gia cầm tươi sống không tuân thủ điều kiện vệ sinh thú y vẫn diễn ra ở nhiều nơi, trong đó có cả Thủ đô Hà Nội. Công tác kiểm dịch động vật, kiểm tra vệ sinh thú y hiệu quả chưa cao.

Ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh và tồn dư hóa chất trong thịt và sản phẩm thịt (bao gồm cả thủy sản) là ở mức cao hơn so với rau quả. Trung bình số mẫu thịt, sản phẩm từ thịt tươi sống đạt yêu cầu giai đoạn 2004-2006 là 68,2%, giai đoạn 2007-2008 là 62,9%.

Các cơ sở sản xuất kinh doanh đồ uống quy mô công nghiệp tuân thủ khá đầy đủ các quy định về VSATTP. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất rượu, bia, nước giải khát, nước uống đóng chai quy mô nhỏ, thủ công chưa thực hiện đầy đủ các quy định về chất lượng VSATTP. Sản xuất rượu thủ công vẫn chiếm tỷ lệ khá lớn (250-300 triệu lít/năm) và có tới 95,7% người uống rượu sử dụng loại rượu này. Tuy nhiên, việc kiểm soát hàm lượng methanol, aldehyd trong rượu còn chưa tốt nên tử vong do ngộ độc rượu còn cao. Lượng rượu giả, nước giải khát kém chất lượng bị thu giữ vẫn ở mức cao.

Bệnh truyền qua thực phẩm là nguy cơ lớn đối với sức khỏe con người và giống nòi do sử dụng lâu dài thực phẩm không bảo đảm VSATTP. Hiện có tới 400 các bệnh truyền qua thực phẩm, chủ yếu là tả, lỵ trực trùng, lỵ amip, tiêu chảy, thương hàn, cúm gia cầm...

Kiểm duyệt chặt chẽ thực phẩm xuất - nhập tại các cửa khẩu

Hiện nay, lượng hàng hoá, trái cây, thực phẩm xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu là rất lớn. Vì vậy, cần tăng cường kinh phí và nguồn nhân lực thực hiện công tác kiểm duyệt, quản lý chất lượng ATVSTP tại các cửa khẩu. Đây là kiến nghị của đại biểu Trần Thị Hoa Sinh (đoàn Lạng Sơn).

Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh đưa ra dẫn chứng: Năm 2008, cả nước nhập khẩu các loại sản phẩm nông nghiệp trị giá 1.558,7 triệu USD. Kết quả kiểm tra cho thấy, chỉ có 0,07% số lượng thực phẩm không đạt yêu cầu. Tuy nhiên, việc kiểm tra CLVSATTP mới chỉ tập trung vào thực phẩm nhập khẩu chính ngạch. Việc nhập khẩu qua đường tiểu ngạch, phát hiện, phòng chống buôn lậu chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Khảo sát thực tế cho thấy, trang thiết bị phục vụ kiểm tra còn thiếu và lạc hậu, việc kiểm tra chất lượng VSATTP chủ yếu bằng cảm quan. Mặt khác, tình trạng thiếu kho ngoại quan tại các cửa khẩu. Việc không phải khai báo thủ tục hải quan đối với mua bán, trao đổi hàng hóa trị giá dưới 2 triệu đồng của cư dân biên giới cũng là trở ngại lớn cho việc kiểm soát chất lượng VSATTP.

Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh cho rằng, việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng thực phẩm khi đi qua cửa khẩu sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng thực phẩm không an toàn lọt vào trong nước, ảnh hưởng tới sức khoẻ của người dân. Do vậy, việc kiểm tra, giám sát VSATTP phải được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ qua cả đường chính ngạch và tiểu ngạch. Ngoài ra, tất cả hàng hoá trị giá dưới 2 triệu đồng đều phải làm thủ tục khai báo hải quan.

Đại biểu Dương Kim Anh (đoàn Trà Vinh) cho rằng: VSATTP có vai trò rất quan trọng đến sức khoẻ của con người. Vì vậy, cần ban hành Luật ATTP thay cho Pháp lệnh ATTP đang ban hành để điều chỉnh toàn diện và thống nhất các vấn đề về quản lý ATTP.

Đồng ý với quan điểm này, đại biểu Mã Điền Cư (đoàn Quảng Ngãi): Quốc hội cũng cần ban hành Luật ATTP và đưa ra Nghị Quyết riêng về quản lý CLVSATTP. Trong đó, Nghị quyết phải quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quản quản lý, giám sát ATTP. Đặc biệt, cần đưa ra biện pháp mạnh để xử lý các cá nhân, cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm không an toàn.

Đại biểu Nguyễn Văn Phát (đoàn Thanh Hoá) cũng cho rằng: Cần phải đưa ra mức hình phạt cụ thể, có thể là truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm không an toàn, có nhiều hoá chất độc hại đến sức khoẻ người dân.

Để thực hiện tốt công tác ATVSAT đạt hiệu quả, đại biểu Bùi Thị Hoà (đoàn Đắk Nông) và đại biểu Đặng Thị Nga (đoàn Lâm Đồng) nêu ý kiến: Nhà nước cần có chính sách phát triển vùng sản xuất nguyên liệu thực phẩm theo hướng sản xuất lớn, gắn với việc phát triển thị trường hàng hóa nông sản an toàn. Đặc biệt cần khuyến khích, hỗ trợ hoặc cho vay vốn để các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, phát triển hệ thống cung cấp thực phẩm an toàn. Ngoài ra, cần đầu tư kinh phí nâng cấp một số phòng thí nghiệm để đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, nâng cao năng lực các phòng thí nghiệm phân tích hiện có; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư mới các phòng thí nghiệm...

Chiều 10/6, Quốc hội tiếp tục thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý CLVS ATTP./.

 

Bích Lan- Vũ Hạnh

(http://vovnews.vn/)