Ngày làm việc thứ 13, Kỳ họp thứ năm, QH khóa XII: Thảo luận về Ðề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009 - 2014 và dự án Luật Cơ yếu

04/06/2009

Ngày 3-6, kỳ họp thứ năm, QH khóa XII thực hiện chương trình của ngày làm việc thứ 13. Buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở tổ về Ðề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014.

Tại những tổ có phóng viên Báo Nhân Dân dự, hầu hết các đại biểu QH phát biểu ý kiến khẳng định sự cần thiết xây dựng Ðề án  này nhằm tăng nguồn lực cho ngành giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo... Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, việc tăng học phí cần phải cân đối với mức thu nhập của người dân, nhất là đối với nông dân, người lao động có thu nhập thấp...

Những quy định của việc miễn, giảm học phí cần phải chặt chẽ, bảo đảm công bằng xã hội. Việc xây dựng Ðề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009-2014 là cần thiết nhưng cần tính toán kỹ thời điểm bắt đầu có hiệu lực, hơn nữa hiện nay đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Một số đại biểu QH đề nghị các cơ quan chức năng cần kiểm tra, thanh tra và hạch toán đầy đủ, công khai các khoản thu của bậc đào tạo đại học bởi có một thực tế là, nhiều trường đại học đang thu rất nhiều khoản  phí khác nhau chưa quản lý được. Ðiều này dẫn đến hiện tượng một số trường có nhiều tiền để chi tiêu nhưng vẫn phản ánh là thiếu nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. 

Một số đại biểu cho rằng, trên thực tế, ngân sách Nhà nước dành cho giáo dục hiện nay là rất lớn nhưng vấn đề quy hoạch hệ thống các trường còn bất cập và hạn chế. Một trong những điểm yếu đó là đào tạo mang tính đại  trà, một trường đại học mở quá nhiều ngành nghề khác nhau, không chuyên sâu. Ðó là chưa kể đến hiện tượng nhiều trường THCN được nâng lên cao đẳng, nhiều trường cao đẳng được nâng lên đại học nhưng đội ngũ giáo viên thì vừa thiếu, vừa yếu, không đáp ứng yêu cầu. Ðây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chất lượng giáo dục, đào tạo ở nước ta còn yếu. Ðề án đề xuất thay đổi chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm bằng chính sách tín dụng sinh viên và thời gian phục vụ trong ngành của sinh viên sau khi tốt nghiệp tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo để được xóa nợ cả gốc và lãi phần vay để đóng học phí. Về vấn đề này, một số đại biểu QH cho rằng, chính sách miễn học phí đối với sinh viên sư phạm hiện nay chưa phát huy hiệu quả, vì nhiều sinh viên sư phạm sau khi tốt nghiệp không phục vụ trong ngành giáo dục nhưng chưa có cơ chế buộc họ phải bồi hoàn kinh phí đào tạo, gây lãng phí lớn cho ngân sách Nhà nước. Do vậy, đề xuất như trên của Ðề án là giải pháp hợp lý.

Có ý kiến đại biểu QH đề nghị, Ban Soạn thảo cần nghiên cứu thêm số tiền thu được từ việc tăng học phí có đủ để đầu tư phát triển giáo dục hay không vì nhiều đối tượng có thể được miễn giảm. Việc thu học phí không nên để các cấp học, các trường tự quyết định mà các cơ quan liên quan cần đưa ra khung học phí nhất định. Ðề án cần quan tâm nhiều hơn nữa tới đời sống của giáo viên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Cần  có cơ chế, mức tiền lương ổn định, xứng đáng để người giáo viên chuyên tâm vào công tác dạy học.

Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về dự án Luật Cơ yếu. Ðây là một dự án luật mang tính chuyên ngành. Trước đây, ngày 4-4-2001, Ủy ban Thường vụ QH đã thông qua Pháp lệnh cơ yếu quy định những nguyên tắc cơ bản của hoạt động cơ yếu. Mật mã là công cụ, phương tiện đặc biệt để bảo vệ thông tin cơ mật, trọng yếu của mỗi quốc gia. Chính vì thế, từ sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám - 1945 đến sau thắng lợi Mùa Xuân 1975 và cho đến nay, lực lượng cơ yếu luôn hoạt động và phát triển dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Ðảng và Nhà nước, trở thành lực lượng tin cậy của cách mạng. Trong điều kiện đổi mới đất nước, Ðảng và Nhà nước vẫn xác định cơ yếu là hoạt động cơ mật đặc biệt thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, được tổ chức thống nhất, chặt chẽ, có chế độ công tác nghiêm ngặt, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối về mọi mặt của Ðảng, sự quản lý thống nhất của Chính phủ. Các đại biểu QH khi thảo luận dự án Luật Cơ yếu đều nhấn mạnh rằng, trong điều kiện mới của đất nước đẩy mạnh CNH, HÐH trong thời bình, ngành cơ yếu cần giữ vững nguyên tắc độc lập, tự chủ, bảo đảm bí mật kỹ thuật mật mã và bảo vệ bí mật Nhà nước, đáp ứng tốt nhất nhu cầu phục vụ lãnh đạo, chỉ huy của các cơ quan lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước, đồng thời phát triển khoa học-kỹ thuật công nghệ của ngành ngày càng hiện đại. Nhiều đại biểu QH ghi nhận dự án Luật Cơ yếu là một luật chuyên ngành, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức cơ yếu, người làm việc trong các cơ quan, tổ chức cơ yếu, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, tuyệt đối của Ðảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước. Dự thảo luật quy định các nguyên tắc cơ bản cho hoạt động mật mã để bảo vệ các thông tin bí mật Nhà nước; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức của Cơ yếu Việt Nam. Cơ quan quản lý Nhà nước về cơ yếu thuộc trách nhiệm của Bộ Nội vụ; quy định chế độ, chính sách đối với những người làm việc trong ngành cơ yếu (kể cả không ở trong QÐND và CAND) vẫn được hưởng chính sách, chế độ đặc thù. Do tính chất của ngành cơ yếu, nhiều quy định, nguyên tắc tổ chức và cách làm việc phải được giữ bí mật để bảo đảm mật mã, thông tin quan trọng không bị lọt ra ngoài, cho nên các quy định của dự thảo luật được xây dựng mang tính định hướng. Các ý kiến đóng góp, xây dựng luật chủ yếu là tán thành những quy định trong dự thảo luật.

 

SONG LINH và TRẦN ÐÌNH CHÍNH

(http://www.nhandan.com.vn/)