Không nên tăng thời gian bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan

02/06/2009

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Sáng 1/6, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

70 năm là không phù hợp với các công ước, hiệp định quốc tế

Theo quy định của Luật hiện hành, thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh (Điều 27) và quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng (Điều 34) là 50 năm. Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng dự kiến xác định các thời hạn này là 75 năm.

Một số đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc việc sửa đổi thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan từ 50 năm lên 75 năm. Bởi vì, vấn đề này vừa được Quốc hội thảo luận, quyết định vào năm 2005. Hơn nữa, Công ước Berne và một số điều ước quốc tế đa phương mà Việt Nam là thành viên cũng xác định thời hạn bảo hộ quyền tác giả tối thiểu là 50 năm. Ý kiến này cho rằng, những quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết với các bên có liên quan chỉ ràng buộc song phương, không nên mở rộng diện áp dụng trong quan hệ với các nước khác.

Đại biểu Phan Trung Lý (đoàn Nghệ An) nói: “Nếu chúng ta kéo dài thời hạn bảo hộ vượt quá thời hạn theo qui định hiện hành của Công ước Bern và Hiệp định TRIPs chỉ vì liên quan đến việc thực hiện Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ (BTA) là không phù hợp. Chúng ta không nên chỉnh sửa Luật để phù hợp với 48 nước trong BTA mà ảnh hưởng tới 200 nước khác trong WTO”.

Các đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn), Vũ Hồng Anh (đoàn Hà Nội) và Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) cũng đồng tình với quan điểm của đại biểu Phan Trung Lý.

Kéo dài thời hạn thẩm định hồ sơ

Khoản 2 Điều 119 của Dự thảo Luật dự kiến kéo dài thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, cụ thể kéo dài thời hạn thẩm định từ 12 tháng lên 18 tháng đối với sáng chế; từ 6 tháng lên 9 tháng đối với kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, kể từ ngày công bố đơn.

Một số đại biểu tán thành quy định của dự thảo Luật, vì cho rằng thời hạn thẩm định đơn đăng ký sở hữu trí tuệ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: cơ sở vật chất - kỹ thuật, nguồn nhân lực, trình tự, thủ tục xử lý đơn... Nước ta đang trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nhất là trong việc bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp có xu hướng gia tăng. Hiện nay, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ bó hẹp trong phạm vi cá nhân, tổ chức của Việt Nam mà còn mở rộng đến đối tượng là cá nhân, tổ chức nước ngoài. Vì vậy, cần điều chỉnh hợp lý các quy định của pháp luật về thời hạn thẩm định đơn để vừa đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, vừa bảo đảm tính khả thi.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, việc kéo dài thời hạn thẩm định nội dung đăng ký bảo hộ là cần thiết vì đây là quá trình phức tạp, trong khi trình độ cán bộ và điều kiện kỹ thuật của chúng ta trong việc đánh giá các tiêu chuẩn bảo hộ còn hạn chế. Việc kéo dài thời gian như trong dự thảo luật sửa đổi cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp. Vì thời gian được bảo hộ quyền sở hữu được tính từ thời điểm nộp hồ sơ.

Đại biểu Hứa Chu Khem (đoàn Sóc Trăng) nói: “Không phải chúng ta muốn kéo dài thời gian thẩm định hồ sơ mà điều này là cần thiết để đảm bảo sự chặt chẽ, tránh xảy ra sơ suất”.

Một số đại biểu đề nghị không tăng thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Để xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp đúng thời hạn, cơ quan đăng ký cần rà soát, cải cách thủ tục hành chính, quy định cụ thể, rõ ràng, công khai trình tự xử lý đơn; đồng thời củng cố về tổ chức, nhân sự và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các quy định về đăng ký quyền sở hữu trí tuệ.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) nêu ý kiến: “Nên giữ thời hạn xử lý đơn đăng ký như luật hiện hành. Nếu kéo dài thì chỉ trong một số trường hợp nhất định, ví dụ như liên quan đến yếu tố nước ngoài hoặc công nghệ cao...”.

Cùng chung quan điểm với đại biểu Trần Thị Hoa Ry, đại biểu Trần Văn Tuấn (đoàn Tiền Giang) cho rằng, nên để thời gian như hiện tại để đánh giá đúng thời gian thực tế giải quyết công việc. Kéo dài thời gian là bước thụt lùi trong cải cách hành chính”.

Theo ý kiến của một số đại biểu, việc không tăng thời hạn xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp sẽ làm cho các sáng chế, phát minh sớm được đưa vào áp dụng trong sản xuất, kinh doanh, bảo hộ kịp thời quyền của chủ sở hữu và phù hợp với xu hướng cải cách hành chính cũng như thông lệ quốc tế.

Một số đại biểu cũng đề nghị nên thành lập một cơ quan độc lập giám sát hoạt động xử lý, cấp bằng sáng chế, sở hữu trí tuệ.

Theo đại biểu Đặng Vũ Minh (đoàn Tây Ninh) mỗi năm Việt Nam phải giải quyết trên 1 triệu đơn đăng ký cấp bằng sáng chế, sở hữu trí tuệ… trong khi chỉ có một cơ quan Nhà nước giải quyết công việc này nên dẫn đến quá tải. Theo đại biểu Nguyễn Đăng Vang (đoàn Bình Định) và đại biểu Đặng Vũ Minh, thời gian tới, cần xã hội hoá hoạt động này, các tổ chức xã hội đủ điều kiện pháp nhân tham gia thì mới đáp ứng được việc giải quyết số đơn đăng ký ngày càng nhiều.

Nâng mức xử phạt hành chính

Theo Dự thảo Luật sửa đổi, mức phạt, thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Trường hợp giá trị hàng hoá vi phạm được phát hiện vượt quá mức phạt tối đa theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì mức phạt tiền được ấn định ít nhất bằng giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được và nhiều nhất không vượt quá năm lần giá trị hàng hoá vi phạm đã phát hiện được... 

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, mức xử phạt hành chính 500 triệu đồng là rất thấp. Bởi thực tế tiền mua bản quyền các chương trình phần mềm quốc tế có giá cao hơn rất nhiều, có khi lên tới hàng trăm triệu USD”.

Đại biểu Hứa Chu Khem và Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, mức xử phạt 500 triệu đồng là chưa đủ sức răn đe mà nên xử phạt ngang bằng tổng giá trị hàng hóa.

Chiều 1/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Người cao tuổi./.

 

Vũ Hạnh-Bích Lan

(http://vovnews.vn/)