Người dân chỉ quan tâm giá đất được đền bù như thế nào

30/05/2009

Sáng 29/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.

Theo báo cáo giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện, chính sách, pháp luật đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn Nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương từ năm 2006 đến năm 2007, thì hệ thống văn bản pháp luật về lĩnh vực này còn một số hạn chế.

Phạm vi điều chỉnh của Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, bao gồm các luật: Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp và Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai và Luật Nhà ở.

Sổ hồng, sổ đỏ chỉ là thủ tục

Các đại biểu cho rằng, cấp sổ đỏ - sổ hồng chúng ta đã bàn quá nhiều. Quan điểm chung của nhiều đại biểu cho thấy điều người dân quan tâm nhất hiện nay là giá đền bù đất khi giải phóng mặt bằng chứ không phải là việc nhập hay không nhập sổ đỏ, sổ hồng.

Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (đoàn Khánh Hoà) nói: “Đất nông nghiệp thì đền bù với giá rất thấp, nhưng chỉ cần một con đường đi qua thì giá lại đội lên cao gấp hàng chục lần giá đền bù. Liệu rằng, mức giá đền bù đưa ra như vậy đã khiến người dân yên tâm giao đất khi cần giải phóng mặt bằng?”.

Đại biểu Trần Văn Thức (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu) đặt câu hỏi: Có cần dồn 2 loại giấy này vào một hay không và có chắc là khi làm như vậy sẽ dễ dàng cho dân hay không? Vì định chế sử dụng đất khác với định chế về sở hữu tài sản trên đất. Chúng ta giao cho dân quyền sử dụng đất giờ lại “ép’ quyền sử dụng với quyền sở hữu”.

Nhiều ý kiến khẳng định, diện tích đất giao cho dân sử dụng thì ít biến động nhưng những vật kiến trúc trên đất đai thì liên tục thay đổi theo sự phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu, điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Giờ đây, “ép” hai quyền này vào một loại giấy tờ thì mỗi lần thay đổi lại phải gỡ ra hay sao? – đây là băn khoăn của khá nhiều đại biểu.

Cùng chung quan điểm này, đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Kiêng Giang) cho rằng: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (giấy đỏ và giấy hồng) và do hai đầu mối (cơ quan quản lý đất đai và cơ quan quản lý nhà ở) thực hiện đã gây nhiều phiền hà cho người dân trong nhiều năm qua. Vì vậy, chỉ nên giao cho 1 cơ quan quản lý và cấp. Ở cấp Trung ương thì giao cho Bộ Tài Nguyên và Môi trường quản lý và phân cấp. Ở địa phương thì giao cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp.

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Mai Xuân Hùng (đoàn Hậu Giang) cảnh báo: “Việc rà soát, sửa đổi nếu không khéo lại trở thành gây khó khăn cho dân”.

Đại biểu Mai Xuân Hùng cũng cho rằng: “Việc có cấp quyền sử dụng nhà ở hay không cần tuỳ thuộc vào yêu cầu của cá nhân. Nếu không theo hướng này thì phần đông không muốn cấp chứng nhận sở hữu nhà. Vì hiện nay, trên 70% số hộ gia đình không có giấy phép xây dựng”.

Cũng theo đại biểu Mai Xuân Hùng thì một luồng ý kiến khác cho rằng, nếu cấp lại toàn bộ thành một sổ thì Nhà nước phải chịu hoàn toàn kinh phí chứ không thể để người dân chịu. Hiện nay, nhiều tỉnh, thành trên cả nước có tới trên 30% người dân không cần lấy sổ đỏ vì họ không có tiền và không cần giấy tờ này.

Đã đến lúc lựa chọn dự án để đầu tư

Nội dung sửa đổi một số qui định của Luật Bảo vệ môi trường tại Điều 22 phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo hướng rút ngắn thời gian phê duyệt. Theo đó, Dự thảo quy định, Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải hoàn thành trước khi dự án khởi công.

Thảo luận vấn đề này, đại biểu Võ Minh Phương (đoàn Lâm Đồng), cho rằng, qui định như vậy là bất hợp lý và không chặt chẽ. “Nếu đơn vị đầu tư ngày mai khởi công dự án mà hôm nay báo cáo đánh giá tác động môi trường không được phê duyệt thì sao?” - đại biểu Võ Minh Phương đặt câu hỏi.

Còn đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (đoàn Khánh Hoà) thì cho rằng, nếu qui định như trong dự thảo thì phải tăng cường trách nhiệm của các cơ quan phê duyệt dự án. Nhưng trong thực tế, liệu rằng họ có dám chịu trách nhiệm về các quyết định phê duyệt của mình hay không? Đại biểu đưa ra ví dụ tại tỉnh Khánh Hoà: “Ở Khánh Hoà cũng có một vài dự án Nhà máy sản xuất mía đường. Lúc thẩm định dự án thì nghe rất khoa học, rõ ràng, thế nhưng bây giờ thì các dự án này gây ô nhiễm khủng khiếp thì không thấy ai đứng ra chịu trách nhiệm”. Đại biểu cũng cho rằng, kể cả việc có kéo dài hay không kéo dài thời gian phê duyệt Báo cáo tác động môi trường thì trong Luật cũng phải qui định rõ trách nhiệm của người phê duyệt báo cáo.

Đại biểu Lê Quốc Dung (đoàn Thái Bình) cho biết, Thái Bình là tỉnh có thu hút đầu tư thấp nhưng tỉnh vẫn thực hiện chủ trương lựa chọn dự án nào tốn ít đất nhất và ít ảnh hưởng đến môi trường. “Đất nước ta đã chuyển sang giai đoạn lựa chọn dự án rồi chứ không phải dự án nào cũng chấp nhận cho đầu tư” - đại biểu Lê Quốc Dung nói.

Một số ý kiến khác cho rằng, nếu luật qui định là phải hoàn thành báo cáo tác động môi trường trước ngày khởi công dự án, vậy phải qui định rõ “trước” là bao nhiêu ngày.

Đại biểu Huỳnh Văn Tí (đoàn Bình Thuận) cho biết: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đề nghị cần cho doanh nghiệp nộp báo cáo đánh giá tác động môi trường vào thời gian hợp lý để bảo đảm tiến độ lập dự án, miễn là phải được phê duyệt trước khi khởi công dự án. Vì vậy, Sở Tài nguyên-môi trường ở các địa phương có công trình, dự án xây dựng nên có báo cáo rõ ràng với doanh nghiệp trúng thầu trước khi thực hiện xây dựng, tránh tình trạng xây dựng trái phép ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.

Cũng trong sáng 29/5, thảo luận về Luật đấu thầu, nhiều ý kiến cho rằng: Trong khi nền kinh tế có nhiều biến động, giá vật tư như lên xuống thất thường nên việc đấu thầu một dự án, công trình cần phải thực hiện nhanh chóng, tránh tình trạng mãi không chọn được nhà thầu nên kéo theo các dự án thực hiện dở dang, không hoàn thành; Luật cũng cần quy định rõ trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, hội đồng trong việc thẩm định gói thầu do các nhà thầu đứng ra thực hiện./.

 

Vũ Hạnh – Bích Lan

(http://vovnews.vn/)