Ngày làm việc thứ bảy, Kỳ họp thứ năm, QH khóa XII: Thảo luận ở hội trường việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2009; quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2007

28/05/2009

Ngày 27-5, kỳ họp thứ năm, QH khóa XII vào ngày làm việc thứ bảy. Buổi sáng, các đại biểu QH tiếp tục thảo luận tại Hội trường về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2008; tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2009 trong những tháng đầu năm. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại hội trường về quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2007.

Chú trọng hiệu quả gói  kích cầu kinh tế

Ðại biểu Trịnh Thị Nga (Phú Yên), Nguyễn Văn Ba (Khánh Hòa) và nhiều đại biểu khác nêu rõ: Những chủ trương, giải pháp kích cầu nền kinh tế của Chính phủ trong thời gian qua là phù hợp với tình hình của đất nước và thế giới, qua đó, góp phần quan trọng đưa nước ta từng bước vượt qua khó khăn, đạt mức tăng trưởng kinh tế hơn 3% là một thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để mức tăng trưởng này đúng thực chất và đáng tin cậy. Các giải pháp kích cầu, hỗ trợ lãi suất cần được triển khai đúng địa chỉ và kịp thời. Ðề nghị của  Chính  phủ  điều  chỉnh giảm mức tăng trưởng kinh tế năm 2009 xuống còn khoảng 5% là hợp lý, đồng thời có những biện pháp thiết thực, chính xác, quyết liệt mới có thể hoàn thành chỉ tiêu này. Về chỉ tiêu bội chi của ngân sách Nhà nước, các đại biểu này cho rằng,  mức 8% theo dự kiến của Chính phủ là cao, cần xem xét và nghiên cứu thêm để đề phòng lạm phát quay trở lại. Cùng suy nghĩ này, đại biểu Ðỗ Thị Lan (Quảng Ninh), Ðinh Trịnh Hải (Ninh Bình), Nguyễn Thị Kim Tiến (Hà Tĩnh)  và một số đại biểu khác cho rằng, mức bội chi ngân sách nên giữ ở mức từ 7% trở xuống. Bên cạnh đó, mức bội chi này chỉ nên giữ trong năm 2009 và nếu cần sẽ tiếp tục  điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế của nền kinh tế. Các đại biểu này đề nghị QH xem xét tính khả thi của một số chỉ tiêu khác, như: giảm tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm trong năm 2009... Việc phát hành thêm 20 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ là cần thiết, tuy nhiên nên tập trung đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn, cơ sở hạ tầng ngành y tế, các hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Khẳng định sự đúng đắn, kịp thời của Chính phủ trong việc triển khai gói kích cầu kinh tế, đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đồng thời nêu rõ: Hiện nay, nền kinh tế nước ta đã có dấu hiệu phục hồi nhưng còn yếu và chậm. Tình trạng này đã và đang gây nhiều khó khăn cho việc cơ cấu lại nền kinh tế. Nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn lớn, trong đó việc không kiểm soát được giá tiêu dùng sẽ dẫn đến hiện tượng "trì - lạm" của nền kinh tế và đây là vấn đề rất khó giải quyết. Các cơ quan chức năng cần giữ chỉ số giá tiêu dùng dưới 10%; tăng cường thu hút nguồn vốn đầu tư và sử dụng nguồn vốn đầu tư có hiệu quả thiết thực; đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động... Ðại biểu Trần Du Lịch đề nghị Chính phủ sớm công khai hiệu quả gói kích cầu đã triển khai trong thời gian vừa qua và khẩn trương triển khai các chương trình đào tạo nghề...

Cùng thảo luận về hiệu quả gói kích cầu của Chính phủ, các đại biểu Trần Văn Truyền (Bến Tre), Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) và một số đại biểu khác nêu vấn đề các doanh nghiệp được hưởng lợi từ gói kích cầu, được hỗ trợ 4% lãi suất vay vốn ngân hàng đã thật sự chú trọng giải quyết việc làm cho người lao động hay chưa? Ðồng thời đề nghị Chính phủ, QH và các cơ quan chức năng kiểm tra, theo dõi và giám sát chặt chẽ công việc này và tiếp tục đưa ra những yêu cầu, tiêu chí cụ thể đối với các doanh nghiệp. Ðại biểu Nguyễn Khắc Nghiên (Phú Thọ) đề nghị Chính phủ quan tâm việc kích cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Tổ quốc thông qua những chính sách, cơ chế cụ thể, như: đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi nhỏ cho nhân dân vùng dân tộc thiểu số, biên giới và tăng cường hỗ trợ ngư dân đánh bắt hải sản xa bờ, góp phần giúp họ khai thác hiệu quả tiềm năng kinh tế biển, đồng thời bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Nhiều đại biểu QH bày tỏ sự nhất trí với Báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ để có những giải pháp thiết thực, bởi đây là những tiếng nói tâm huyết, xuất phát từ thực tế cuộc sống của nhân dân cả nước. Một số đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng công khai kết quả việc thanh tra, kiểm tra các Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước; đẩy nhanh tốc độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho các địa phương; chú trọng công tác quy hoạch sản xuất nông nghiệp...

Bảo vệ môi trường  trong quá trình khai thác bô-xít ở tây nguyên

Trong phiên họp buổi sáng, đại biểu Phạm Khôi Nguyên, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường, phát biểu ý kiến, làm rõ thêm vấn đề bảo vệ môi trường trong quá trình khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. Bộ trưởng cho biết, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường bốn nhiệm vụ trong quá trình triển khai công việc này: Thứ nhất, đánh giá đầy đủ tiềm năng, trữ lượng tài nguyên bô-xít ở Tây Nguyên. Thứ hai, làm tốt công tác môi trường, trong đó có ba lĩnh vực: môi trường khai thác mỏ, môi trường tuyển quặng và môi trường chế biến a-lu-min. Thứ ba, thực hiện tốt đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, những vấn đề liên quan đến đất của dân. Thứ tư, kiểm tra, giám sát để xây dựng mẫu mô hình của Tân Rai và Nhân Cơ, từ đó xem xét có mở rộng tiếp nữa hay không? Về môi trường, bộ đã thẩm định và có báo cáo đánh giá tác động môi trường rất chặt chẽ, đặc biệt trong thời gian qua, nhiều đồng chí nguyên là lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước, các nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến về vấn đề môi trường. Bộ đã tiếp thụ đầy đủ và đã chỉ đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) bổ sung vào Báo cáo đánh giá tác động môi trường, bảo đảm chắc chắn và có hiệu quả tốt. Cụ thể, xoay quanh vấn đề về hoàn thổ, bộ đã đề nghị chia ra khai thác với quy mô 7 ha, 10 ha và 20 ha, sau mỗi quy mô sẽ hoàn thổ ngay, hoàn thổ xong mới khai thác tiếp. Chia lô để làm sao những lô ít cây và cây không mọc được sẽ khai thác trước và tập trung hoàn thổ. TKV đã thành lập một công ty lâm sinh, đang cùng UBND tỉnh Lâm Ðồng lấy đất và chuẩn bị làm thí điểm. Về tuyển quặng tinh, nhiều đại biểu QH lo lắng khi tuyển, nước đỏ sẽ chảy và ảnh hưởng đến vùng hạ lưu của miền trung và Ðông Nam Bộ, Bộ trưởng cho biết, bộ đã thẩm định kỹ, toàn bộ nước thải sẽ được thu hồi và hoàn lại, không để tình trạng nói trên xảy ra. Ðối với bùn đỏ, công ty tư vấn của Pháp sang khảo sát cho rằng, toàn bộ thung lũng cạnh khu Tân Rai, khi vét đất xong thì lớp bao bì, đất sét ở dưới hoàn toàn có thể thải bùn đỏ được. Nhưng khi kiểm tra đánh giá lại trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường, bộ thấy rằng, kiến nghị của công ty tư vấn này chưa đủ điều kiện. Bộ yêu cầu TKV làm thêm bốn việc như sau: Bổ sung lớp rải dưới đáy và bên bờ để tuyệt đối không cho nước thẩm thấu, ảnh hưởng đến nước ngầm, trước hết là lớp đất sét dày 30 phân, tiếp đó là lớp vải kỹ thuật và trên lại là lớp đất sét 30 phân nữa; đồng thời thiết kế thi công bảo đảm độ động đất trên cấp 7. Ngoài ra, đặt bốn trạm quan trắc tự động chung quanh. Chắc chắn với phương án này, vấn đề bùn đỏ sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, phương án giải quyết này là công nghệ, kỹ thuật có từ trước năm 2000. Gần đây, các nước như Trung Quốc, Bra-xin, Ô-xtrây-li-a đã nghiên cứu công nghệ sử dụng bùn đỏ để tận thu sắt (trong bùn đỏ có tới 45-50% là ô-xit sắt). Trong báo cáo đã đề cập kỹ vấn đề hoàn thổ, bùn đỏ, nhưng triển khai thực hiện có tốt hay không là vấn đề thực thi. Do đó, ba việc cần làm tiếp là: TKV phải tính toán lại vốn đầu tư, tính toán lại các công nghệ và phải bổ sung kinh phí. Bộ đã thành lập một tổ chuyên giám sát tất cả các hạng mục của công trình này.

Lần này, bộ thành lập Tổ giám sát từ đầu, xem xét từ khâu thiết kế, thi công, hoàn thành từng bước một. Thí dụ, khi hoàn thành quy mô 10 ha mà không hoàn thổ, Tổ giám sát sẽ không cho mở mỏ để khai thác tiếp. Như thế, có thể thấy là chủ trương chỉ đạo với một quyết tâm rất cao, chặt chẽ. Riêng về vấn đề môi trường, rất phức tạp, nhạy cảm ở một vùng cao nguyên, với lượng mưa hằng năm tới 2.000 - 2.800 mm, bộ sẽ cố gắng làm tốt nhiệm vụ, để mô hình ở Tân Rai, Nhân Cơ sẽ là những mô hình thực hiện tốt vấn đề môi trường.

Những vấn đề về quyết toán ngân sách Nhà nước  năm 2007

Trong phiên họp buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận về quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2007. Các ý kiến phát biểu nhất trí cho rằng, năm 2007 kinh tế-xã hội đất nước phát triển nhanh và bền vững, GDP đạt tới 8,44%, thu ngân sách đạt và vượt mức dự toán hơn 46 nghìn tỷ đồng, chi ngân sách đạt khá. Ðáng chú ý là chi vượt 4,9% cho đầu tư phát triển, chi khá cho trả nợ và viện trợ, cho giáo dục, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh... Một mặt, khẳng định những cố gắng và hiệu quả trong việc thu, chi NSNN năm 2007, rút ra bài học tốt cho những năm sau, nhưng các đại biểu QH vẫn thẳng thắn chỉ ra một số mặt còn yếu kém, bất cập. Ðại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội), Ðỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nêu vấn đề: Trong khi thu ngân sách từ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh, liên doanh với nước ngoài, và thu ngân sách T.Ư và địa phương đều vượt, thì thu từ các doanh nghiệp nhà nước, từ các tập đoàn kinh tế nhà nước đều đạt thấp hoặc không đạt, cần phải xem xét nguyên nhân do đâu? Chắc chắn, việc sử dụng đồng vốn ở DNNN còn kém, đầu tư tràn lan sang nhiều lĩnh vực khác, cơ chế quản lý kinh tế ở doanh nghiệp còn nhiều thiếu sót, bất cập. Ðại biểu Bùi Thị Hòa (Ðác Nông), đại biểu Ðồng Hữu Mạo (Thừa Thiên-Huế) và đại biểu Phạm Thị Loan lưu ý, các năm gần đây, tình trạng các địa phương chuyển nguồn vốn (chưa tiêu hết) từ năm trước sang năm sau xảy ra ngày càng nhiều, số lượng vốn ngày càng lớn, trong khi Nhà nước vẫn phải đi vay hoặc phát hành trái phiếu để phân bổ vốn cho các địa phương, để xảy ra hiện tượng "chi ảo năm trước, thu ảo năm sau". Ðại biểu Bùi Thị Hòa nhấn mạnh: Cần tạo điều kiện cho các địa phương ổn định thu ngân sách năm năm liền, gắn với nhiệm kỳ hoạt động của HÐND và UBND các cấp, đồng thời thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước. Có đại biểu QH lưu ý: Ngoài NSNN, hiện nay tồn tại hơn 40 loại quỹ ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, cần công khai số lượng tiền quỹ, mục đích và hiệu quả sử dụng của các loại quỹ này. Một số đại biểu QH đề nghị cân nhắc thận trọng việc phát hành trái phiếu Chính phủ bù đắp bội chi ngân sách, và cũng phải quyết toán minh bạch trong năm ngân sách. Việc tạm ứng ngân sách, dự toán thu chưa sát thực tế cũng gây khó khăn cho kế hoạch thu, chi NSNN. Có đại biểu QH nhận xét: Một số lĩnh vực và doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm các kết luận và kiến nghị của cơ quan kiểm toán Nhà nước. Việc này, cần phải được kiểm tra và xử lý nghiêm minh. Ðại biểu Nguyễn Ðăng Vang (Bình Ðịnh) nêu vấn đề việc phân bổ và đầu tư ngân sách cho lĩnh vực khoa học-công nghệ thường có tỷ lệ thấp và chậm, gây khó khăn cho việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và đời sống.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh phát biểu ý kiến làm rõ hơn các vấn đề các đại biểu QH nêu ra trong thảo luận, tập trung vào việc thu, chi, phân bổ NSNN, việc chuyển nguồn, các chính sách, chế độ cho một số đối tượng; việc tăng thu và chi thêm; sử dụng vốn vay và trái phiếu bù đắp bội chi; việc chuyển nguồn vốn từ năm trước sang năm sau...

 

(http://www.nhandan.com.vn/)