Ngày làm việc thứ ba, kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII

24/05/2009

Ngày 22-5, kỳ họp thứ năm, QH khóa XII bước vào ngày làm việc thứ ba. Buổi sáng, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra ba dự án Luật: sửa đổi, bổ sung Ðiều 126 của Luật Nhà ở và Ðiều 121 của Luật Ðất đai; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa và Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010.

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung Ðiều 126 của Luật Nhà ở và Ðiều 121 của Luật Ðất đai, nêu rõ: Việc Chính phủ trình QH sửa đổi, bổ sung Ðiều 126 của Luật Nhà ở và Ðiều 121 của Luật Ðất đai để phù hợp với chủ trương của Ðảng, phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm sự thống nhất về pháp luật, sự hài hòa và hợp lý về quyền sở hữu nhà ở giữa người Việt Nam ở trong nước với người Việt Nam định cư ở nước ngoài và cá nhân nước ngoài là hết sức cần thiết. Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung Ðiều 126 của Luật Nhà ở và Ðiều 121 của Luật Ðất đai do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Hà Văn Hiền trình bày, cho biết: Tuy việc sửa đổi, bổ sung Luật Ðất đai đã được QH đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 (dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 6, tháng 10-2009 và trình QH thông qua vào kỳ họp thứ 7, tháng 5-2010), nhưng việc sửa đổi, bổ sung Ðiều 121 của Luật Ðất đai tại thời điểm này là cần thiết để bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật, xử lý triệt để hơn những vấn đề liên quan đến quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất của chủ sở hữu là người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Việc sửa đồng thời hai luật đã được quy định tại Khoản 3 Ðiều 9 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa.

Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ nêu rõ: Tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn diễn ra đối với hầu hết các đối tượng được bảo hộ từ quyền tác giả, quyền liên quan đến các đối tượng sở hữu công nghiệp và giống cây trồng. Nạn sao chép tác phẩm, vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa đã gây thiệt hại không nhỏ đối với các nhà đầu tư. Hầu hết các bản ghi âm, ghi hình, chương trình máy tính có giá trị bị sao chép lậu, nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng bị làm giả, làm nhái... Tình trạng vi phạm trên có nhiều nguyên nhân, trong đó nhận thức chung của toàn xã hội về vai trò của sở hữu trí tuệ vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ý thức chấp hành pháp luật. Năng lực, kinh nghiệm và hệ thống thực thi pháp luật có nhiều hạn chế, bất cập. Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận trình bày, nhấn mạnh: Ủy ban Pháp luật đánh giá cao cố gắng của Chính phủ và các cơ quan có trách nhiệm trong việc tổ chức nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, biên soạn dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH, Thường trực Ủy ban Pháp luật để hoàn thiện dự án Luật. Ủy ban Pháp luật tán thành cần nghiên cứu, nội luật hóa những quy định của điều ước quốc tế về sở hữu trí tuệ mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, nội luật hóa như thế nào thì cần được cân nhắc để vừa đáp ứng được yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, vừa phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm cân bằng lợi ích giữa chủ sở hữu trí tuệ, công chúng thụ hưởng và Nhà nước. Ủy ban Pháp luật đề nghị việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này cần tập trung vào một số nội dung liên quan trực tiếp đến các cam kết quốc tế đa phương của Việt Nam, những vấn đề thật sự bất cập trong quá trình thực thi Luật và các quy định về kỹ thuật có ảnh hưởng đến nội dung Luật.

Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (DSVH) nêu rõ: Sau bảy năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật DSVH đã bộc lộ một số hạn chế, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát huy giá trị DSVH. Một số quy định chưa rõ dẫn đến việc thực thi kém hiệu quả; còn thiếu quy định về bảo vệ và phát huy giá trị DSVH có dấu hiệu là di tích và danh thắng đã kiểm kê nhưng chưa được xếp hạng... Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Ðào Trọng Thi trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật DSVH, khẳng định: Sự ra đời của Luật đã tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc bảo vệ và phát huy giá trị DSVH dân tộc, đáp ứng ngày càng tích cực hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Tuy nhiên, có một số quy định của Luật chưa cụ thể, chưa phù hợp với thực tiễn, một số quy định cần được bổ sung... nên việc thực thi kém hiệu quả.

Trong phiên làm việc buổi sáng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 cần chú trọng xây dựng và ban hành các đạo luật trực tiếp góp phần chống suy giảm kinh tế, chủ động phòng, chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước, bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân. Việc chuẩn bị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 phải hạn chế tối đa việc bổ sung các dự án mới vào chương trình; chỉ ưu tiên bố trí các dự án có yêu cầu thật sự bức xúc và đã có thuyết minh rõ; đồng thời, phải tính đến khả năng của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, thời gian vật chất dành cho việc soạn thảo, thẩm tra, tránh dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan để bảo đảm tính khả thi.

Trong phiên họp buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung Ðiều 126 của Luật Nhà ở và Ðiều 121 của Luật Ðất đai; và Luật Ðiện ảnh. Phần lớn ý kiến phát biểu của đại biểu QH nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Ðiều 126 và Ðiều 121 của hai luật kể trên để hiện thực hóa và cụ thể hơn nữa việc cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền mua và sở hữu nhà ở Việt Nam. Các Ðiều 126 của Luật Nhà ở, Ðiều 121 của Luật Ðất đai hiện hành đã quy định việc cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế, những quy định của hai điều luật kể trên vẫn còn gò bó, chưa thông thoáng, thiếu cụ thể, cho nên số người Việt Nam định cư ở nước ngoài trực tiếp mua và sở hữu nhà ở Việt Nam còn hạn chế, nhiều người phải nhờ bà con, bạn bè, đồng nghiệp đứng tên để mua, sở hữu nhà. Việc sửa đổi cần khắc phục tình trạng đó; nhưng cũng cần quy định chặt chẽ để ngăn chặn việc đầu cơ nhà đất để trục lợi.

Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều về Luật Ðiện ảnh, các ý kiến của đại biểu QH nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung luật này. Một số ý kiến đề nghị, cần quy định tỷ lệ hợp lý khi bên nước ngoài góp vốn với bên Việt Nam thành lập doanh nghiệp sản xuất phim, tránh bị thao túng về nội dung phim và bị chi phối trong chỉ đạo, điều hành sản xuất phim. Có ý kiến đề nghị quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của Hội đồng thẩm định phim; quản lý và cấp giấy phép phát hành, phổ biến phim. Việc quản lý phim phát trên Ðài Truyền hình Việt Nam, các đài truyền hình địa phương cần chặt chẽ và cụ thể hơn nữa, nhất là các kênh phim nước ngoài thuyết minh bằng tiếng Việt hoặc có phụ đề tiếng Việt. Việc quản lý điện ảnh, và quản lý các đài truyền hình (trong việc phổ biến phim) cần được tổ chức lại vì cơ cấu các bộ trong Chính phủ đã thay đổi.

 

 

ÐINH SONG LINH và TRẦN ÐÌNH CHÍNH

(http://www.nhandan.com.vn/)