Khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII

21/05/2009

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng: Tình hình kinh tế thế giới sẽ còn diễn biến phức tạp, tác động rất lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp phải nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm

Sáng nay (20/5), Quốc hội khoá XII nước CHXHCN Việt Nam khai mạc trọng thể Kỳ họp thứ 5 tại Hội trường Bộ Quốc phòng (Hà Nội) với sự tham dự của hơn 490 đại biểu Quốc hội, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các Bộ, ngành trung ương và các vị khách quốc tế.

Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 4 nội dung chính trong kỳ họp

Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Kể từ kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XII đến nay, tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp theo chiều hướng suy giảm, thương mại và đầu tư bị thu hẹp, tình trạng thua lỗ, phá sản của nhiều tổ chức tài chính vẫn trầm trọng. Mặc dù các quốc gia, đặc biệt là một số nền kinh tế lớn đã đưa ra nhiều biện pháp ngăn chặn, song vẫn tiềm ẩn những yếu tố bất lợi, khó lường và chưa có dấu hiệu phục hồi trở lại.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng chịu tác động của suy thoái kinh tế thế giới, các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, đầu tư, giải quyết việc làm, thu ngân sách… gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước cũng như nỗ lực, quyết tâm của các cấp, ngành và toàn dân, nền kinh tế của nước ta đã đạt được một số kết quả tích cực. Những khó khăn về sản xuất, việc làm, đời sống của nhân dân đang từng bước được tháo gỡ. Đặc biệt, nhóm giải pháp tài chính và kích cầu được đưa ra kịp thời bước đầu đã có tác dụng tích cực. Tốc độ tăng GDP quý I đạt 3,1%; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiềm chế; các cân đối lớn cơ bản được giữ vững; các cán cân thương mại và thanh toán đã cân bằng ở mức thặng dư; các loại thị trường, dịch vụ đang dần hồi phục. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, nhiều nước tăng trưởng âm, những kết quả đạt được của nước ta là rất đáng khích lệ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng thẳng thắn chỉ ra hầu hết các chỉ tiêu trong quý I năm 2009 đều đạt thấp so với kế hoạch và so với cùng kỳ nhiều năm trước. Trong khi dự báo từ nay đến cuối năm 2009, tình hình kinh tế thế giới sẽ còn diễn biến phức tạp; những khó khăn, yếu kém trong nước và những tác động tiêu cực từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu sẽ còn tác động rất lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân phải đồng lòng dốc sức, nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động phòng ngừa lạm phát cao trở lại, bảo đảm an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, trong đó mục tiêu hàng đầu vẫn là ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 4 nội dung chính gồm: Xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2008; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2009; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2007; cho ý kiến về đề án đổi mới cơ chế tài chính của giáo dục đào tạo giai đoạn 2009-2014; xem xét và quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Thảo luận và thông qua 12 dự án Luật và 1 Nghị quyết. Cho ý kiến về 6 dự án Luật: Luật người cao tuổi; Luật khám bệnh, chữa bệnh; Luật viễn thông; Luật tần số vô tuyến điện; Luật cơ yếu và Luật dân quân tự vệ.

Xem xét các báo cáo công tác của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, báo cáo của Chánh án Toà án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và một số báo cáo chuyên đề khác.

Tiến hành giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm, xem xét báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện di dân tái định cư dự án thuỷ điện Sơn La; các báo cáo giám sát chuyên đề thuộc lĩnh vực do Hội đồng Dân tộc và các Uỷ ban thực hiện; nghe báo cáo tổng hợp ý kiến của cử tri, kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri; chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Tuy còn rất nhiều khó khăn, nhưng nền kinh tế nước ta đã bắt đầu có chuyển biến theo chiều hướng tích cực

Ngay sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã trình bày Báo cáo về “Chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội”.

Trong báo cáo này, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã tập trung vào những vấn đề quan trọng nổi lên qua việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2008, 5 tháng đầu năm 2009 và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Báo cáo đã cung cấp những con số sinh động, là bằng chứng về hiệu quả của những chính sách của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực to lớn của các cấp, các ngành, của doanh nghiệp và của toàn dân thời gian qua.

Báo cáo bổ sung về tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2008. Theo đó, trong 25 chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch năm 2008 có 3 chỉ tiêu chủ yếu đạt thấp hơn mức đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp trước và 6 chỉ tiêu đạt tốt hơn so với mức đã báo cáo Quốc hội.

Chúng ta đạt được 3 mục tiêu cơ bản của kế hoạch năm 2008 là kiềm chế được lạm phát và giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội được bảo đảm.

Kết thúc năm 2008, nền kinh tế nước ta cũng đứng trước những khó khăn, tồn tại và thách thức lớn. Thị trường trong nước và ngoài nước tiếp tục khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp hoặc ngừng hoạt động. Lạm phát cả năm vẫn ở mức cao, nhập siêu lớn, cán cân thương mại và cán cân vãng lai vẫn thâm hụt. Hoạt động tiền tệ, tín dụng còn nhiều khó khăn và rủi ro, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng còn cao. Thị trường chứng khoán hoạt động không ổn định, giảm sút nhiều. Thị trường bất động sản trầm lắng. Hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều yếu kém. Công tác giải quyết việc làm và đời sống nhân dân ở nhiều nơi còn khó khăn. Số người mất việc làm năm 2008 khoảng 667.000 người, 3.000 lao động từ nước ngoài phải về nước trước thời hạn. Còn nhiều bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự an toàn xã hội chưa được giải quyết tốt.

Theo đánh giá chung, kết quả thực hiện các chỉ tiêu kế hoạch năm 2008 so với số liệu đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp trước có một số thay đổi, nhưng về căn bản, chúng ta đã kiềm chế được lạm phát, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, chuyển mạnh sang cơ chế giá thị trường, bảo đảm được an sinh xã hội và giữ vững an ninh, quốc phòng, có bước chuẩn bị tích cực cho kế hoạch năm 2009.

Bước vào năm 2009, nền kinh tế nước ta tiếp tục gặp nhiều khó khăn và thách thức. Sự suy thoái ngày càng sâu của kinh tế thế giới đã tác động tiêu cực đến thị trường hàng hoá xuất khẩu, thị trường vốn và hoạt động du lịch của nước ta. Ở trong nước, lạm phát cao cùng với suy giảm sản xuất công nghiệp và xây dựng cuối năm 2008 kéo dài sang những tháng đầu năm 2009 đã làm trầm trọng thêm những khó khăn, yếu kém vốn có của nền kinh tế nước ta.

Những tháng đầu năm 2009, Chính phủ nhận định tuy còn rất nhiều khó khăn, nhưng nền kinh tế nước ta đã bắt đầu có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, có dấu hiệu đã ra khỏi giai đoạn khó khăn nhất. Tình hình đó tạo ra những khả năng và điều kiện để đạt được kết quả cao hơn trong thời gian tiếp theo.

Những chuyển biến này được thể hiện với nhiều điểm sáng như sản xuất công nghiệp tăng 2,1% (quý I), tháng 4 tiếp tục tăng 5,4% và tính chung 4 tháng đầu năm tăng 3,3% so cùng kỳ năm 2008. GDP quý I tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước và có khả năng tăng dần trong các tháng tiếp theo. Trong quý I/2009 có trên 15 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới, tăng khoảng 22% so với cùng kỳ năm 2008…

Góp phần tạo nên chuyển biến này là do “Chính phủ luôn theo sát diễn biến của tình hình, kịp thời báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách và giải pháp đồng bộ nhằm phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch năm 2009; đồng thời, tập trung các biện pháp quyết liệt để sớm đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái, chăm lo tốt hơn đời sống của nhân dân…”, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng trình bày.

Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ rõ, cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu đang diễn biến phức tạp, khó lường và tiếp tục tác động tiêu cực đến nước ta. Khó khăn của chúng ta còn nhiều, có mặt còn gay gắt hơn và chúng ta cũng chưa thể lạc quan với những kết quả đạt được trong những tháng vừa qua.

Thường trực Chính phủ đã trực tiếp làm việc với các tập đoàn và các tổng công ty lớn của Nhà nước, xem xét kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp; chỉ đạo các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao năng lực sản xuất, tạo ra các sản phẩm có sức cạnh tranh cao, có giá trị gia tăng lớn, các dự án thu hút nhiều việc làm để thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; đồng thời, có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư các dự án, công trình có quy mô lớn, công trình đầu tư hạ tầng quan trọng (cảng biển, điện, đường cao tốc, thuỷ lợi, trường học, cơ sở y tế...).

Chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên, cho công nhân ở các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất, khu công nghệ cao và nhà ở giá thấp cho các đối tượng thu nhập thấp cũng đã được triển khai thực hiện. Phấn đấu đến năm 2015 có khoảng 50% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở; 60% học sinh, sinh viên có nhu cầu được thuê nhà ở tại các dự án nhà ở trên địa bàn cả nước.

Nhiều đoàn công tác của các Bộ, ngành đã về các địa phương kiểm tra, đôn đốc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và của Chính phủ; cùng các ngành, các cấp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, nhất là các khó khăn về vốn, về thị trường, về đất đai, về thuế phí và các thủ tục hành chính; đồng thời, giám sát chặt chẽ việc thực hiện các biện pháp kích cầu.

Nhờ có quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực và đồng thuận của toàn dân, nên mặc dù còn rất nhiều khó khăn, nhưng tình hình kinh tế - xã hội nước ta trong những tháng đầu năm nay đã chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

(1) Sau nhiều tháng liên tục sụt giảm, đến tháng 2/2009, sản xuất công nghiệp bắt đầu tăng lên, cả quý I tăng 2,1%, tháng 4 tiếp tục tăng 5,4% và tính chung 4 tháng đầu năm tăng 3,3% so cùng kỳ năm 2008. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục tăng, dịch bệnh được kiểm soát, thời tiết thuận lợi cho đánh bắt hải sản, một số thị trường lớn về xuất khẩu nông sản được khai thông. GDP quý I tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước và có khả năng tăng dần trong các tháng tiếp theo.

(2) Thị trường trong nước tiếp tục được mở rộng, tổng mức lưu chuyển hàng hóa tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Dịch vụ vận tải và dịch vụ du lịch, nhất là du lịch nội địa, vẫn tiếp tục phát triển; lượng khách du lịch quốc tế đang tăng lên trong các tháng gần đây. Dịch vụ viễn thông tiếp tục đà tăng trưởng cao.

(3) Cùng với các biện pháp kích thích kinh tế đã được áp dụng, hầu hết doanh nghiệp khó khăn đã phục hồi sản xuất, thu hút lao động trở lại làm việc. Trong quý I năm 2009 có trên 15 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới, tăng khoảng 22% so với cùng kỳ năm 2008. Tính đến hết tháng 4, cả nước có 21 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới với số vốn đăng ký là 104,3 nghìn tỷ đồng. Nhiều người lao động mất việc đã có cơ hội tìm được việc làm mới. Đầu tư trong nước đạt được kết quả khả quan, giải ngân vốn ngân sách nhà nước đạt trên 30% kế hoạch cả năm, vốn trái phiếu Chính phủ đạt trên 46% kế hoạch. Đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng, trong 4 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD, trong đó vốn tăng thêm của các dự án đang thực hiện là 3,9 tỷ USD (tăng 28,6% so cùng kỳ năm 2008). Đây là tín hiệu tốt cho thời kỳ phục hồi và phát triển sắp tới.

(4) Các cân đối kinh tế vĩ mô cơ bản vẫn được giữ vững. Lãi suất đã quay về mức của thời kỳ kinh tế ổn định.

(5) Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường,... tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và có chuyển biến tốt.

(6) Công tác cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, đối ngoại, quốc phòng, an ninh... được khẩn trương triển khai thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Chính trị - xã hội ổn định; tạo được lòng tin của nhân dân và sự đồng thuận trong xã hội. Đã hoàn thành các văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai nhiều nhiệm vụ cần thiết nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả việc thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường từ ngày 25 tháng 4 năm 2009 theo Nghị quyết của Quốc hội. Đã hoàn thành tốt cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở trong phạm vi cả nước.

Kết quả thực hiện nhiệm vụ những tháng đầu năm 2009 cho thấy, tuy còn rất nhiều khó khăn, nhưng nền kinh tế nước ta đã bắt đầu có chuyển biến theo chiều hướng tích cực, có dấu hiệu đã ra khỏi giai đoạn khó khăn nhất; chính trị - xã hội tiếp tục được ổn định, quốc phòng an ninh được bảo đảm. Tình hình đó tạo ra những khả năng và điều kiện để đạt được kết quả cao hơn trong thời gian tiếp theo.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cũng nêu rõ: Tại Kỳ họp trước của Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất 8 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2009. Các nhóm giải pháp đó đã được các ngành, các cấp triển khai thực hiện trong những tháng qua và cũng có một số điểm cần bổ sung, sửa đổi mà Chính phủ đã đề cập trong các Báo cáo gửi tới các vị đại biểu Quốc hội.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh một số nội dung lớn cần được quan tâm chỉ đạo như: Thực hiện có hiệu quả các gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng, tập trung ngăn chặn suy giảm kinh tế, khôi phục đà tăng trưởng hợp lý; Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu; Chuyển chính sách tài chính, tiền tệ từ thắt chặt sang thực hiện chính sách tài chính tích cực, chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kích thích tăng trưởng và phòng ngừa lạm phát; Chăm lo đời sống nhân dân, đẩy mạnh xoá đói giảm nghèo và giải quyết việc làm; Bám sát thực tiễn, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, tạo đồng thuận trong toàn xã hội để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2009.

Tập trung cao độ mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững

Báo cáo của Chính phủ cũng nhấn mạnh: Nhiệm vụ còn lại của năm 2009 là hết sức khó khăn, nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn của cả hệ thống chính trị và của toàn dân. Bên cạnh các nhiệm vụ trọng tâm trên đây, chúng ta đồng thời thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về công tác đối ngoại, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh,... đã đề ra trong các Nghị quyết của Đảng và của Quốc hội, trong đó có Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về một số nhiệm vụ giải pháp lớn nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng; chuẩn bị tốt các điều kiện để xây dựng và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010, tạo tiền đề phát triển cao hơn, bền vững hơn vào các năm tiếp theo.

Để tập trung sức xử lý tốt những vấn đề then chốt, tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ trong điều hành thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2009, Chính phủ trân trọng đề nghị Quốc hội các biện pháp sau:

Một là, quyết định nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 là tập trung cao độ mọi nỗ lực ngăn chặn suy giảm kinh tế, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bền vững, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động phòng ngừa lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong đó, ngăn chặn suy giảm kinh tế là mục tiêu ưu tiên hàng đầu .

Hai là, quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2009 từ khoảng 6,5% xuống còn khoảng 5%; điều chỉnh chỉ tiêu tỷ lệ bội chi ngân sách so với GDP từ 4,82% lên không quá 8%, Chính phủ sẽ bám sát tình hình để điều hành và bố trí giảm dần trong các năm tiếp theo.

Ba là, cho phép điều chỉnh bổ sung mức phát hành trái phiếu Chính phủ thêm 20.000 tỷ đồng; sửa đổi, bổ sung một số chính sách về thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội (có Tờ trình riêng), sửa đổi cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, đấu thầu (có Tờ trình riêng) và một số chính sách quan trọng khác trình Quốc hội tại kỳ họp này.

Bốn là, trên cơ sở các chỉ tiêu và chính sách cơ bản đã được điều chỉnh, đề nghị Quốc hội uỷ quyền và giao trách nhiệm cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ chủ động, linh hoạt trong điều hành các chính sách, giải pháp thực hiện kế hoạch và ngân sách giữa hai kỳ họp của Quốc hội, phấn đấu đạt được kết quả cao nhất.

Tiếp đó, ông Huỳnh Đảm, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đọc báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân. Báo cáo nêu rõ: Tại kỳ họp này, Quốc hội nhận được 2.446 kiến nghị của cử tri cả nước tập trung vào 6 nhóm nội dung chính: việc thực hiện các giải pháp kích cầu của Chính phủ; vấn đề lao động, việc làm và đời sống nhân dân; Vấn đề sản xuất công nghiệp, môi trường, khai thác tài nguyên khoáng sản và vệ sinh an toàn thực phẩm; Vấn đề giáo dục, đào tạo; Vấn đề an toàn giao thông, trật tự đô thị; Vấn đề phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Về công tác xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách, pháp luật.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền, thay mặt Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, trình bày Báo cáo thẩm tra “Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009”.

Trước Lễ khai mạc, các đại biểu Quốc hội đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chiều nay, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường./.

(http://vovnews.vn/)