Phiên họp thứ Mười chín của Ủy ban thường vụ Quốc hội

20/04/2009

Dự án Luật Khám, chữa bệnh: Rà soát các luật, pháp lệnh liên quan để tránh trùng lắp, vênh nhau giữa các văn bản quy phạm pháp luật - Cho ý kiến về dự kiến Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010

Sáng 18.4, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Khám, chữa bệnh.

 

Về sự cần thiết ban hành Luật Khám, chữa bệnh, Chủ nhiệm UB Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, việc xây dựng Luật này sẽ góp phần bổ sung và hoàn thiện cơ chế, pháp luật đối với công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; Tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động khám chữa bệnh; Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động khám, chữa bệnh thông qua việc đa dạng các loại hình dịch vụ y tế; Góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh của nhà nước với cơ sở tư nhân. Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền nêu quan điểm: cần rà soát các quy định trong Luật Khám, chữa bệnh với Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật Phòng, chống HIV/AIDS và các pháp lệnh liên quan để tránh trùng lắp và không để những khoảng trống luật pháp về công tác khám, chữa bệnh. Bởi nếu các quy định pháp luật vênh nhau thì người bệnh sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

 

Các Ủy viên UBTVQH đã cho ý kiến với quy định về việc công chức, viên chức y tế  y tế hành nghề khám chữa bệnh tư nhân. Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng, chỉ nên cho phép công chức, viên chức y tế được làm việc tại các cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, không được đăng ký thành lập cơ sở khám chữa bệnh tư nhân. Như vậy, sẽ tạo ranh giới pháp lý rõ ràng giữa y tế nhà nước và y tế tư nhân, tránh tình trạng lạm dụng các bệnh viện Nhà nước để phục vụ lợi ích cá nhân. Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, cần ban hành tiêu chuẩn đối với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân thật cụ thể, chặt chẽ để kiểm soát chất lượng hoạt động các cơ sở này, khắc phục các bất cập khi cán bộ y tế nhà nước vừa làm công vừa làm tư hiện nay.

 

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH cho ý kiến về dự kiến Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010.

 

Theo báo cáo thẩm tra của UB Pháp luật do Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận trình bày, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 dù mới được thông qua gần 5 tháng nhưng đã có nhiều thay đổi, đặc biệt là tiến độ và chất lượng chuẩn bị các dự án cần được xem xét, kiểm điểm nghiêm túc. Với tiến độ xây dựng, trình dự án luật như vậy, UB Pháp luật cho rằng, sẽ ảnh hưởng tới Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 và Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh của cả nhiệm kỳ QH Khóa XII. Có thể kể ra một số nguyên nhân: việc chuẩn bị Chương trình chưa sát với thực tế, chưa dự báo đầy đủ yêu cầu thực tiễn; Vẫn còn sự nể nang, thiếu kiên quyết của các cơ quan trong quá trình tổ chức thực hiện; Một số dự án luật, pháp lệnh đưa vào Chương trình, mà chưa xem xét toàn diện về nội dung, phạm vi điều chỉnh, chưa tính kỹ khả năng, điều kiện thực tế và những đặc thù của lĩnh vực cần xây dựng dự án luật; Sự phối hợp giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan, tổ chức hữu quan chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ, đôi khi còn hình thức. Bên cạnh đó, một số cơ quan chủ trì soạn thảo, tham gia soạn thảo chưa dành thời gian hợp lý và đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc chuẩn bị dự án luật.

 

Các Ủy viên UBTVQH cơ bản nhất trí với dự kiến Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 của Chính phủ. Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đề nghị, cần đưa dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010. Đây là những đòi hỏi cấp bách của thực tế, nhằm khắc phục những vướng mắc về lĩnh vực đất đai, bảo hiểm tiền gửi, nhất là trong điều kiện kinh tế đang suy giảm. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường giải trình, lùi thời điểm trình dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi và sửa đổi luật khác...  là để tránh tình trạng soạn thảo, sửa đổi vội vàng, không sửa hết các bất cập và tiên liệu đúng diễn biến trong tương lai. Một trong những lý do nữa được giải trình là, Ngân hàng Nhà nước hiện đang phải triển khai các biện pháp tiền tệ để ngăn chặn lạm phát, giảm phát, góp phần phục hồi kinh tế nên chưa thể soạn thảo các dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm tiền gửi. Song, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng, cần ưu tiên soạn thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi để bảo đảm an toàn tiền gửi tiết kiệm của người dân trong điều kiện kinh tế thế giới biến động.

 

Phương Thủy

(http://nguoidaibieu.com.vn)