Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa HĐND và báo chí

13/03/2009

Sáng 12.3.2009, tại Hà Nội, Ban công tác Đại biểu đã tổ chức Hội nghị tập huấn “Mối quan hệ giữa Hội đồng nhân dân và báo chí”.

Hiện nay, ở Việt Nam có 702 cơ quan báo chí, trong đó 634 báo in với 813 ấn phẩm; 67 đài phát thanh truyền hình; 1 hãng thông tấn quốc gia; 5 báo điện tử; 130 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí; 2.000.000 blog cá nhân; 15.000 nhà báo; 55 nhà xuất bản.

Chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền thông của Việt Nam giai đoạn 2005- 2010 tập trung vào phát triển ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông, trong đó, xây dựng và phát triển công dân điện tử, Chính phủ điện tử, doanh nghiệp điện tử, giao dịch và thương mại điện tử. 

 Các bài tham luận tại hội nghị đều cho rằng: người đại diện cho cơ quan dân cử cần chủ động thông tin chính xác, khách quan, toàn diện, đầy đủ, hợp lý cho báo chí… Muốn vậy, phải xây dựng tốt mối quan hệ và đối thoại giữa đại biểu dân cử và cơ quan báo chí bằng việc thực hiện chế độ làm việc định kỳ giữa hai bên: tiếp xúc, trao đổi thông tin trước và sau các kỳ họp, sắp xếp các cuộc phỏng vấn của báo chí đối với cơ quan hoặc đại biểu dân cử, tổ chức hội nghị, hội thảo… Hoạt động phối hợp này phải dựa trên những nguyên tắc: bám sát mục tiêu thúc đẩy công khai, dân chủ nhưng phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; tuân thủ những giới hạn theo quy định của pháp luật.

Được tổ chức trong hai ngày 12 và 13.3.2009, hội nghị tập huấn sẽ được nghe các bài tham luận: Kỹ năng xây dựng, duy trì và phát triển mối quan hệ giữa HĐND với báo chí; Sử dụng báo chí hỗ trợ hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND; Mong đợi của báo chí khi đồng hành cùng HĐND; Kinh nghiệm đối thoại với báo chí về hoạt động của HĐND… Qua đó, hội nghị làm rõ hơn những vấn đề: nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử; phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong hoạt động truyền thông; giải quyết những vướng mắc trong quan hệ giữa cơ quan dân cử và báo chí; đóng góp ý kiến để góp phần hoàn thiện pháp luật và thể chế về hoạt động truyền thông của cơ quan dân cử và hoạt động báo chí.

 

TRẦN HIẾU

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)