Thường trực HĐDT làm việc với các bộ, ngành về công tác di dân tái định cư các dự án thủy điện, thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên

20/02/2009

Ngày 18.2, tại Hà Nội, Thường trực HĐDT đã làm việc với các Bộ, ngành ở Trung ương về công tác di dân tái định cư các dự án thủy điện, thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên. Chủ tịch HĐDT K’sor Phước chủ trì cuộc làm việc.

Tham dự cuộc làm việc có đại diện Thường trực các UB của QH, UB Dân tộc của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Xây dựng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam…

Trong thời gian qua, các công trình thủy điện, thủy lợi trọng điểm tập trung chủ yếu ở giai đoạn từ những năm 1995- 2009 với 22 công trình đã và đang xây dựng như công trình thủy điện Bản Vẽ (tỉnh Nghệ An), Công trình thủy điện Sông Tranh 2 (tỉnh Quảng Nam), Công trình thủy điện Ialy (tỉnh Gia Lai và Kon Tum), Công trình thủy điện Plei K'rông (tỉnh Kon Tum), Dự án thủy điện sông Ba Hạ (tỉnh Gia Lai và Phú Yên)... Tổng diện tích đất bị thu hồi để xây dựng công trình là gần 80 ngàn ha. Hơn 49 ngàn hộ gia đình nằm trong khu vực bị ảnh hưởng, trong đó có gần 40 ngàn hộ và khoảng 194 ngàn người, chiếm 80% tổng số hộ bị ảnh hưởng cần phải di chuyển ra khỏi khu vực công trình đến khu tái định cư mới. Từ tháng 7.2006, công tác di dân tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện được giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giữ vai trò đầu mối, triển khai thực hiện. Tính đến nay, đã di chuyển được khoảng hơn 21 ngàn người với trên 103 ngàn khẩu, đạt 54% so với số hộ cần di dời, tái định cư. Công tác di dân, tái định cư được tổ chức theo các hình thức di dân, trong đó chủ yếu là hình thức di dân tập trung thành các khu, điểm tái định cư.

Tại cuộc làm việc, theo đại diện các bộ, ngành trung ương, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng hiện nay, công tác di dân, tái định cư công trình thủy điện, thủy lợi các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đều chậm so với tiến độ đề ra. Nguyên nhân là do chính sách tái định cư cho các dự án thủy điện, thủy lợi chưa thống nhất, gây thắc mắc trong các hộ dân. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng việc tái định cư gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm đất đai và nguồn nước. Hầu hết các hộ tái định cư được bố trí diện tích đất sản xuất hẹp hơn, chất lượng đất xấu hơn so với nơi ở cũ. Nhiều nơi phải di chuyển hộ tái định cư đến vùng cao hơn có điều kiện tự nhiên và văn hóa khác điều kiện nơi ở cũ. Chất lượng công tác quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư một số công trình còn thấp. Nhiều địa bàn tái định cư quy hoạch, bố trí việc sử dụng đất theo kiểu "da báo", không tập trung, gây khó khăn cho việc quản lý và tổ chức đời sống, sản xuất của bà con...

Đại diện các bộ, ngành ở trung ương đã đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ về đền bù đất, quy hoạch khu tái định cư, hỗ trợ lương thực, nguồn vốn thực hiện chính sách tái định cư... cũng như những nội dung liên quan đến trách nhiệm của địa phương; Công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành ở Trung ương và địa phương trong việc đẩy nhanh tiến độ công tác di dân, tái định cư các công trình thủy điện, thủy lợi.

Thông tin mà các bộ, ngành trung ương báo cáo tại cuộc làm việc là cơ sở để HĐDT triển khai các hoạt động giám sát, khảo sát thực tế cũng như xây dựng Báo cáo giám sát của HĐDT về việc thực hiện di dân, tái định cư công trình thủy điện, thủy lợi các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên theo Chương trình giám sát năm 2009.

 

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)