Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển

28/08/2008

Sáng 27/8, phiên họp thứ 11 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khoá XII tiếp tục làm việc dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Trong phiên họp ngày hôm nay, tập trung vào các nội dung: Thông qua Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển; nghe báo cáo về một số nội dung liên quan đến việc thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và cho ý kiến về dự thảo Tờ trình Bộ Chính trị về một số vấn đề trong dự thảo Pháp lệnh công an xã.

Phân công thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu bắt giữ để đảm bảo giải quyết khiếu nại hàng hải

Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển do bà Lê Thị Thu Ba - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội trình bày nêu rõ: qua 4 lần UBTVQH cho ý kiến, ngoài 6 nội dung đã được chỉnh lý, dự thảo Pháp lệnh đã được rà soát, hoàn thiện bảo đảm phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan, chặt chẽ, chính xác về kỹ thuật lập pháp. Sau khi đã bỏ 5 điều, thêm 4 điều mới và chỉnh lý các điều còn lại, dự thảo Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển trình UBTVQH thông qua gồm có 6 chương, 72 điều.

Hầu hết thành viên của UBTVQH cơ bản nhất trí với những nội dung đã được chỉnh lý trong dự thảo Pháp lệnh. Các ý kiến thảo luận tập trung vào các vấn đề như thời hạn bắt giữ, việc nhận và xem xét đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển để đảm bảo giải quyết khiếu nại hàng hải; căn cứ thả tàu biển đang bị bắt giữ để đảm bảo giải quyết khiếu nại hàng hải...

Phó Chánh án TAND Tối cao Đặng Quang Phương đề nghị UBTVQH xem xét về quy định tại khoản 2 Điều 18, theo đó khi quyết định trả lại đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển để đảm bảo giải quyết khiếu nại hàng hải, TA phải gửi ngay quyết định đó và bản sao các tài liệu có liên quan kèm theo cho VKS cùng cấp. Ông Phương cho rằng đây là việc làm rất mới và sẽ rất khó khăn cho TA khi thực hiện. Về vấn đề này, đại diện Ủy ban Tư pháp của Quốc hội giải trình là việc làm cần thiết, hợp lý, nhằm tạo điều kiện cho VKS thực hiện tốt chức năng kiểm sát, xem việc bắt giữ tàu biển là chính xác hay không.

Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Trần Thế Vượng lại băn khoăn về quy định tại các điều 17 và 18 về việc nhận đơn và xem xét đơn yêu cầu bắt giữ tàu biển. Ông Vượng cho rằng trong điều 17 cần ghi rõ là sau khi nhận đơn yêu cầu, TA phải ghi vào sổ nhận đơn và báo cáo Chánh án TA cấp nào, quy định cụ thể thời gian nhận đơn, vào sổ cho đến khi thẩm phán được Chánh án phân công giải quyết là bao lâu. Nên chăng cần thêm là Chánh án TA phân công ngay một thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu bắt giữ để đảm bảo giải quyết khiếu nại hàng hải.

Phát biểu kết thúc phần thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: tuy còn một vài điểm cần tiếp tục xem xét song các ý kiến đều cơ bản nhất trí với những nội dung đã được chỉnh lý của dự thảo Pháp lệnh. UBTVQH giao cho Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì làm việc với các bên liên quan để thống nhất ý kiến, sau đó báo cáo lại với Thường vụ. Nhất trí cao với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, Pháp lệnh thủ tục bắt giữ tàu biển đã được UBTVQH biểu quyết thông qua.

Xem xét chuẩn bị chương trình xây dựng luật năm 2009

Báo cáo trước UBTVQH về một số nội dung liên quan đến việc thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cho biết: Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009; trong Luật có một số điểm mới liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của Quốc hội, UBTVQH, Hội đồng dân tộc, các UB của Quốc hội.

Thảo luận về việc thi hành Luật, các ý kiến đều quan tâm tới các nội dung như thời điểm thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; ngày thông qua luật, pháp lệnh, nghị quyết; việc quy định chi tiết thi hành và sửa đổi bổ sung các quy định trái với quy định của văn bản mới ban hành; việc hệ thống hóa, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; phổ biến, phát hành văn bản quy phạm pháp luật...

Nhất trí với quy định về thời điểm thông qua chương trình xây dựng luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho ý kiến: với yêu cầu sớm có các đạo luật, bao quát được tất cả các lĩnh vực thì khó đòi hỏi luật ra là áp dụng được ngay. Để tránh tình trạng văn bản mang tính pháp quy, hướng dẫn lại không có điểm tỳ pháp lý, cần quy định Chính phủ chỉ đạo việc quy định chi tiết của luật và những nội dung cần thiết của luật cần chỉnh lý; như vậy mới phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta.

Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, câc ban ngành liên quan cần nỗ lực chuẩn bị, chủ động chương trình xây dựng pháp luật năm 2009 - 2010 để trình UBTV, Quốc hội xem xét; việc quy định chi tiết giao cho Chính phủ. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước lại nêu quan điểm, việc hướng dẫn thi hành luật phải thuộc phẩm quyền của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội chứ không nên giao cho Chính phủ. Kết luận về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị họp Chính phủ với các ban ngành hữu quan để quán triệt nội dung mới của Luật; xem xét chuẩn bị chương trình xây dựng luật năm 2009, cân đối với chương trình trong năm 2010 để trình Quốc hội biểu quyết thông qua./.

 

(http://www.vovnews.vn/)