Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội

08/05/2008

Chiều ngày 6/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2007; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008; về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2006.

(VOV)_ Đại biểu Trần Hoàng Thám, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra một số vấn đề cần được làm rõ thêm trong Báo cáo của Chính phủ. Thứ nhất, báo cáo có nêu “nhiều chính sách, biện pháp đã được khẩn trương triển khai thực hiện nhằm kiềm chế lạm phát; tăng cường quản lý thị trường, giá cả và ổn định thị trường tiền tệ, chứng khoán, bất động sản…” nhưng không nói rõ đó là những giải pháp gì.

Thứ hai, báo cáo cũng không nêu rõ nguyên nhân thuộc về chính sách dẫn tới lạm phát, giá cả tăng cao. Theo đại biểu Trần Hoàng Thám “Nếu có nguyên nhân này mà chậm sửa, bó buộc cho phát triển kinh tế vĩ mô thì phải phân tích, mổ xẻ để khắc phục”.

Thứ ba, trong báo cáo có nêu nguyên nhân thuộc về Chính phủ, theo ông Thám, điều này đúng nhưng chưa đủ vì còn có nguyên nhân về bộ máy quản lý hành chính quốc gia, thực hiện cải cách hành chính trì trệ ở một số cơ quan, bộ phận... đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới yếu kém, trong thực hiện quy hoạch, giao thông, đô thị hóa...

“Vấn đề sống còn là ổn định kinh tế vĩ mô”

Đại biểu Trần Du Lịch, đoàn Đại biểu thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn đồng tình với quan điểm của Chính phủ ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô trong tình hình hiện nay. “Chúng ta cố gắng mọi nguồn lực cho tăng trưởng nhưng vấn đề sống còn là ổn định kinh tế vĩ mô”, đại biểu Trần Du Lịch nói và phân tích thêm “hiện nay, tất cả các nền kinh tế thế giới đang đi vào "mắt bão". Vấn đề quan trọng là làm sao cho con tàu không bị chìm trong bão chứ đừng nghĩ đến chuyện chạy bão”.

Liên quan đến vấn đề nhập siêu, ông Trần Du Lịch cho rằng, vẫn chưa thấy Bộ Công thương đưa ra giải pháp gì cụ thể cho tình trạng này. Chỉ 4 tháng vừa qua đã nhập siêu trên 100 tỷ USD trong khi đầu năm Bộ trưởng Bộ Công thương tuyên bố “kiểm soát nhập siêu trong tầm tay”. Theo ông Lịch, việc tăng thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc nhằm giảm nhập siêu thời gian qua là không hợp lý trong khi có rất nhiều giải pháp khác tốt hơn như tăng phí cầu đường... “Giảm thuế là tiếp tục bảo hộ doanh nghiệp ô tô trong nước và như thế Chính phủ đã hoàn toàn thất bại trong chính sách nội địa hóa ngành công nghiệp ô tô trong 10 năm qua”, ông Lịch nói.

Dự án không hiệu quả, kiên quyết không rót vốn

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hoà, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh quan tâm nhiều tới thị trường chứng khoán (TTCK). Theo ông Hoà, năm 2007 chúng ta đổ tiền vào TTCK nhưng khả năng kiểm soát kém nên phải trả giá. Hiện có khoảng 250 công ty niêm yết, chiếm hết vốn hóa trên thị trường và chiếm tới 39% GDP. Lẽ ra của cải thu về phải tương ứng con số đó mới đạt được cán cân cân bằng. Số liệu cũng cho thấy TTCK Việt Nam rất non trẻ nhưng đã có tới 80 Công ty chứng khoán, trong khi thị trường của Trung Quốc phát triển đã khá lâu chỉ có 107 Công ty chứng khoán, Thái Lan chỉ có 41, TTCK Hàn Quốc lâu năm cũng chỉ có 50 Công ty. Đại biểu Nguyễn Ngọc Hoà đặt câu hỏi: “Không rõ trách nhiệm quản lý lĩnh vực này thuộc bộ ngành nào. Ý định ban đầu là tốt, nhằm tạo ra kênh huy động vốn để phát triển sản xuất nhưng thực tế thì những nhà đầu tư không đầu tư vì tiềm năng sản xuất của doanh nghiệp mà nghiêng về yếu tố “lướt sóng” kiếm lời nên thiếu ổn định”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hoà đề nghị cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ thị trường vốn, quy rõ trách nhiệm các Bộ ngành trong từng vấn đề. Xem xét kỹ hơn tính hiệu quả của các dự án, có hiệu quả thì tập trung vốn để đẩy nhanh hơn, không hiệu quả thì kiên quyết không rót vốn.

Cùng với giải pháp kích cầu, cần có giải pháp kích cung để các doanh nghiệp đầu tư tạo ra sản phẩm nhanh. Đặc biệt có chính sách đầu tư mạnh hơn vào các ngành công nghệ cao.

Công tác dự báo yếu kém

Đại biểu Nguyễn Phụ Đông (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh) nêu ý kiến về nhóm giải pháp thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong Báo cáo của Chính phủ. Theo đại biểu Nguyễn Phụ Đông, trong một loạt các nguyên nhân trực tiếp, sự bất cập trong công tác dự báo là điều khiến cho những yếu kém của nền kinh tế bộc lộ rõ hơn và bị tác động sâu hơn. Với lĩnh vực này, Chính phủ cần trình bày rõ ràng và cụ thể hơn để thông qua đó rút kinh nghiệm chứ không chỉ dừng lại ở những dòng “tự nhận xét” là “công tác nghiên cứu dự báo và thông tin thị trường chưa được coi trọng đúng mức. Năng lực tham mưu tổng hợp về kinh tế vĩ mô chưa đáp ứng kịp yêu cầu quản lý điều hành”. Đại biểu cho biết, ở những kỳ họp trước, khi thảo luận về chỉ tiêu, dự báo giá dầu, những người làm công tác nghiên cứu dự báo đã quá “bảo thủ” chứ không chỉ là “không được coi trọng đúng mức” khi cứ khăng khăng cho rằng giá dầu không thể vượt quá ngưỡng 100 USD trong khi cùng ngày hôm đó, giá dầu đã lên tới 70-80 USD.

Đại biểu Nguyễn Phụ Đông cho rằng “nhận thức là một chuyện, nhưng yếu tố quan trọng hơn chính là trách nhiệm của những người dự báo như thế nào? Từ dự báo sẽ dẫn tới nhiều vấn đề khác liên quan. Do vậy cần phải được xem xét một cách nghiêm túc, nếu không sẽ không hạn chế được những ảnh hưởng trực tiếp”.

Sáng ngày 7/5, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe các Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dầu khí./.

 

 

Cẩm Thuỷ- Thanh Hà

(http://www.vovnews.vn/)