
Toàn cảnh phiên thảo luận Tổ 12
Thảo luận tại Tổ, các đại biểu bày tỏ tán thành với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương với đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn như trong Tờ trình của Chính phủ. Các đại biểu nhận thấy, dự án Luật đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, các nội dung sửa đổi đã thể chế hoá đầy đủ chủ trương của Đảng về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền giữa cơ quan nhà nước Trung ương với địa phương và giữa cơ quan các cấp của chính quyền địa phương.
Tiếp tục tổng kết, đánh giá toàn diện việc tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các địa phương
Quan tâm tới quy định về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho biết, dự thảo Luật đang quy định theo hướng kế thừa quy định hiện hành và các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua về tổ chức chính quyền đô thị tại Tp.Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Tp.Đà Nẵng và Tp.Hải Phòng. Theo đại biểu, qua triển khai thực tiễn, những quy định về mô hình chính quyền đô thị đã phát huy được hiệu quả. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục tổng kết, đánh giá toàn diện việc thực hiện những quy định này, nếu thực sự có hiệu quả thì cần có quy định thống nhất về cách thức tổ chức chính quyền đô thị để thực hiện tổng thể, đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước.
Đề cập tới mô hình tổ chức chính quyền địa phương, một số đại biểu cũng cho rằng, trước mắt vẫn giữ ổn định mô hình tổ chức chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan có thời gian tiếp tục tập trung nghiên cứu, hoàn thiện mô hình tổng thể tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới trước khi thực hiện đổi mới một cách đồng bộ, tổng thể bộ máy của hệ thống chính trị, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương thực sự tinh gọn, phù hợp vào thời điểm thích hợp.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình
Khoản 1 Điều 14 về phân cấp cho chính quyền địa phương quy định "Hội đồng nhân dân được phân cấp cho Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc Hội đồng nhân dân cấp dưới...". Quan tâm tới nội dung này, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh chỉ rõ, Uỷ ban nhân dân cùng cấp là cơ quan chấp hành; hơn nữa HĐND cấp huyện, cấp xã không phải là cơ quan cấp dưới của HĐND cấp tỉnh. Về nguyên tắc, HĐND chỉ quyết định những vấn đề mang tính chủ trương, những chính sách gắn với phạm vi toàn bộ đơn vị hành chính nên không thể phân cấp được. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc tính phù hợp của quy định này.
Đối với cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị kế thừa quy định của Luật hiện hành về số lượng đại biểu HĐND, số lượng đại biểu HĐND chuyên trách, khung số lượng Phó Chủ tịch HĐND và số lượng, tên gọi các Ban của HĐND để đảm bảo thống nhất với Luật Tổ chức Quốc hội.

Đại biểu Hà Sỹ Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn
Quy định rõ hơn trách nhiệm trong việc lấy ý kiến nhân dân về điều chỉnh địa giới hành chính
Đối với quy định về trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, chia nhập, điều chỉnh địa giới hành chính, khoản 3 Điều 11 dự thảo Luật quy định Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lấy ý kiến hộ gia đình theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, đại biểu Hà Sỹ Huân - Đoàn ĐBQHtỉnh Bắc Kạn cho rằng quy định trên chưa đảm bảo tính chặt chẽ; việc thực hiện sắp xếp địa giới hành chính thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, đại biểu cho rằng cơ quan soạn thảo cần quy định rõ hơn trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, có thể phân cấp cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện một số nội dung cụ thể khi lấy ý kiến (như tên gọi đơn vị hành chính,..) để đảm bảo tính khách quan và tăng tính chủ động.
Cũng đề cập tới nội dung này, đại biểu Nguyễn Minh Tâm - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, nhận thấy đây là quy định cần thiết, nhằm đảm bảo tính đồng thuận của nhân dân trong quá trình thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua đã có trường hợp, khi lấy ý kiến của nhân dân về nhập đơn vị hành chính cấp xã thì không nhận được sự đồng thuận của nhân dân nên không thực hiện được việc nhập địa giới hành chính. Do đó, để đảm bảo tính khả thi, đại biểu đề nghị xác định rõ việc lấy ý kiến của nhân dân; đồng thời xem xét việc lấy ý kiến là cơ sở để tham khảo hay cơ sở để quyết định việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Nội dung này cần quy định rõ hoặc giao Chính phủ quy định.

Đại biểu Đào Hồng Vận - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên
Ngoài ra, liên quan tới quy định về phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân, có ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung "Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội hoặc Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội ở địa phương được mời tham dự phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh" tại Điều 32 dự thảo Luật. Theo đó, tại thực tiễn địa phương, Đoàn đại biểu Quốc hội và Thường trực Hội đồng nhân dân có sự phối hợp rất chặt chẽ để thống nhất các nội dung thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn từ tiếp xúc cử tri, giám sát, khảo sát cũng như xem xét, phối hợp giải quyết các kiến nghị, đề nghị của cử tri. Vì vậy, việc tham dự phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân sẽ giúp cho Đoàn đại biểu Quốc hội nắm được những vấn đề thực tiễn của địa phương.
Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cần quy định rõ hơn yêu cầu về trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong việc phân cấp, ủy quyền ở cả hai phía (thực hiện phân cấp và được phân cấp) tại Điều 14 dự thảo Luật.
Cũng tại phiên thảo luận Tổ, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước./.