Thảo luận Tổ 10: Rà soát kỹ lưỡng về Danh mục Chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan
Thảo luận tại Tổ 10 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Thái Bình, Đắk Nông, Tiền Giang. Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình - Ngô Đông Hải điều hành phiên thảo luận.
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định
Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ 10, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia là 02 dự án luật rất quan trọng. Thời gian qua, Chính phủ đã chuẩn bị với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tiến hành làm việc với Chính phủ nhiều lần về 02 dự án luật nêu trên.
Nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các dự án Luật cần thể hiện rõ yêu cầu này để thích ứng nhanh với tình hình thực tế; đổi mới quản lý có hiệu quả nhưng phải kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển, khơi thông nguồn lực. Đồng thời, việc sửa đổi cần gắn với đổi mới công tác giám sát của cơ quan dân cử ở Trung ương và địa phương, giám sát ngay từ khi quyết định chủ trương; bảo đảm thể chế hóa chủ trương của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác phòng, chống lãng phí.
Đối với dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) lần này cần tập trung sửa đổi những vấn đề thực sự vướng mắc, cấp thiết để đáp ứng yêu cầu được đặt ra từ thực tiễn; việc sửa đổi phải chú trọng tạo được chuyển biến trên thực tế, không cầu toàn.
Các vị đại biểu Quốc hội tham dự phiên thảo luận tại Tổ 10
Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 07 Chương, 109 Điều (sửa đổi 44 điều, trong đó có 16 điều chỉ sửa đổi, bổ sung từ ngữ nhằm quy định rõ, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai, không làm thay đổi nội hàm chính sách so với Luật Đầu tư công năm 2019; bổ sung 15 điều; bãi bỏ 07 điều), với các nội dung chủ yếu để cụ thể hóa 05 nhóm chính sách lớn: Nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; Nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; Nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; Nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài); Nhóm chính sách về đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến đều tán thành sự cần thiết nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét Luật Đầu tư công (sửa đổi) nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện Luật hiện hành. Để hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu góp ý vào nhiều nội dung cụ thể liên quan tới: Phạm vi sửa đổi luật; Phân cấp thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý; việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập; phân cấp thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch ĐTCTH vốn NSTW giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; về hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công;…
Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Tham gia ý kiến, đại biểu Nguyễn Văn Huy – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, Chính phủ trình dự thảo Luật sửa đổi với nhiều nội dung quan trọng; số lượng các điều/khoản luật thay đổi nhiều, phạm vi sửa đổi lớn; nhiều nội dung thể chế hóa các cơ chế, chính sách đặc thù mới được thí điểm, triển khai thực hiện trong thời gian ngắn;… Do đó, đề nghị đánh giá kỹ về tác động chính sách và nghiên cứu, rà soát để bảo đảm việc ban hành luật phù hợp với yêu cầu của thực tế.
Liên quan tới việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập, đại biểu Nguyễn Văn Huy cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc cho phép tách công tác đền bù, tái định cư thành dự án thành phần độc lập trong tổng thể dự án đối với tất cả các nhóm dự án. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị, cần quy định chặt chẽ tại các điều, khoản để đảm bảo công tác đền bù, tái định cư gắn với đầu tư hoàn thành dự án, không để hoang phí và tổng thời gian bố trí vốn thực hiện 02 dự án thành phần độc lập để hoàn thành các chương trình, dự án không được vượt quá quy định về thời gian thực hiện dự án.
Về hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công, đại biểu đề xuất không quy định hành vi bị nghiêm cấm về cơ cấu nguồn vốn, vì việc điều chỉnh cơ cấu vốn có thể giảm áp lực nguồn vốn ngân sách nhà nước, miễn là vẫn đảm bảo mục tiêu và tính khả thi của dự án. Theo đó, đề nghị thay thế cụm từ "cơ cấu nguồn vốn" bằng "vượt quá giá trị nguồn vốn đầu tư công" để tránh vướng mắc trong triển khai.
Đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Quan tâm tới quy định về điều kiện để chương trình, dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác được bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm (điều 57 dự thảo luật sửa đổi), đại biểu Dương Khắc Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cho biết, để chuẩn bị tốt cho việc xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau, việc bố trí chuẩn bị đầu tư cho một số dự án lớn, trọng điểm của địa phương có kỹ thuật phức tạp, yêu cầu phải thực hiện ngay từ đầu giai đoạn triển khai kế hoạch đầu tư công trung hạn. Do đó, cần bố trí vốn chuẩn bị đầu tư từ những năm cuối giai đoạn trước. Vì vậy, để chủ động bố trí kế hoạch vốn cho các dự án thực hiện bước chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị tốt danh mục dự án có chất lượng, phù hợp thực tiễn hơn, cần có cơ chế bố trí vốn hằng năm để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư mà không cần đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Vì vậy, đại biểu đề xuất điều chỉnh, bổ sung khoản 2 Điều 57 như sau: "Chương trình dự án, nhiệm vụ, đối tượng đầu tư công khác phải có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, trừ dự án đầu tư công khẩn cấp và nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư cho dự án dự kiến đưa vào thực hiện trong giai đoạn sau".
Ngoài ra, đại biểu còn đề xuất, cần nghiên cứu bổ sung nội dung quy định về nhiệm vụ, thẩm quyền, quy trình dừng dự án cụ thể cho các trường hợp: được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa được phê duyệt đầu tư; được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, được cấp có thẩm quyền phê duyệt đầu tư, hoặc đang triển khai dang dở.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại Tổ 10
Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu còn cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia. Tán thành sự cần thiết, các ý kiến nhấn mạnh việc sửa đổi, bổ sung nhằm để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa các nguồn lực nhà nước, ngoài nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đồng thời, lưu ý, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với những chính sách mới, đảm bảo tính đồng bộ và khả thi khi áp dụng.
***Một số hình ảnh tại phiên thảo luận Tổ 10:
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 10
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định tham dự phiên thảo luận tại Tổ 10
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu tại phiên thảo luận
Các vị đại biểu tham dự phiên thảo luận tại Tổ 10
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang
Các vị đại biểu tham dự phiên thảo luận tại Tổ 10
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Ngô Đông Hải điều hành phiên thảo luận
Các vị đại biểu tham dự phiên thảo luận tại Tổ 10
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Các vị đại biểu tham dự phiên thảo luận tại Tổ 10
Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông
Đại biểu Nguyễn Văn Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Đại biểu Lại Văn Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình
Các vị ĐBQH tại Tổ 10 thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 07 Luật./.