Toàn cảnh Phiên họp
Tổ 18 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Thanh Hóa, Trà Vinh, Hà Nam.
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam có bố cục gồm 02 điều: Điều 1 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam số 16/1999/QH10, đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 19/2008/QH12, Luật số 72/2014/QH13 và Luật số 48/2019/QH14; Điều 2 về hiệu lực thi hành.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số nội dung gồm: Chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan; Hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan; Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng; Một số nội dung liên quan đến thẩm quyền và quy định rõ hơn một số chế độ, chính sách đối với sĩ quan, như thăng quân hàm, nâng lương trước thời hạn, chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ nhà ở, đất ở, chăm sóc sức khỏe, trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương...
Các đại biểu tại Phiên họp
Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, việc xem xét, thông qua dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam tại Kỳ họp thứ 8 sẽ tạo cơ sở pháp lý để xây dựng đội ngũ sĩ quan vững mạnh, làm nòng cốt xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nêu ý kiến tại Phiên họp, đại biểu Phạm Hùng Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam bày tỏ nhất trí về sự cần thiết ban hành dự án Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn, nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 cơ bản xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn , mạnh; tạo tiền đề vững chắc phấn đấu năm 2030 xây Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam
Đánh giá cao sự khẩn trương chuẩn bị của Cơ quan chủ trì soạn thảo, đại biểu cho rằng, hồ sơ của dự án Luật đã được chuẩn bị khá đầy đủ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đầy đủ các quy định pháp luật có liên quan, những dự án Luật đang được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi.
Cùng với đó, đại biểu Phạm Hùng Thắng đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định tăng độ tuổi phục vụ tại ngũ của của sĩ quan. Qua đó vừa giữ gìn đội ngũ sĩ quan vừa phù hợp với tính chất, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức của Quân đội, vừa thực hiện chính sách cán bộ; đồng thời, thống nhất với quy định pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Cũng quan tâm về nội dung này, đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho biết, thực tiễn hiện nay có những sĩ quan ở cấp bậc trung và cao cần giữ vị trí quan trọng mà không có người thay thế phù hợp. Vì vậy, việc xem xét kéo dài tuổi phục vụ cho một số chức vụ đặc thù là cần thiết. “Ở nhiều quốc gia có quân đội phát triển, tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan cũng có sự phân hóa theo cấp bậc, nhưng thường sẽ linh hoạt hơn cho các cấp cao như Đại tá hoặc cấp Tướng nếu sĩ quan đó có sức khỏe tốt và đóng góp đặc biệt. Vì vậy, việc quy định tuổi nghỉ hưu cố định cho các cấp bậc cao nhất có thể gây hạn chế trong việc tận dụng kinh nghiệm của các sĩ quan kỳ cựu”, đại biểu Thạch Phước Bình nêu rõ.
Đại biểu Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
Từ những phân tích này, đại biểu đề nghị cần xem xét mở rộng thêm 1-2 năm cho một số cấp bậc như Đại tá và cấp Tướng, tùy thuộc vào yêu cầu nhiệm vụ cụ thể. Điều này có thể linh hoạt hơn trong tình huống quốc gia cần các sĩ quan có kinh nghiệm dẫn dắt và điều hành. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định tuổi nghỉ hưu khác nhau cho từng quân, binh chủng trong dự thảo Luật dựa trên các yếu tố về đặc thù công tác, sức khỏe, yêu cầu nhiệm vụ của từng quân, binh chủng và những lợi ích mà chính sách này có thể mang lại cho lực lượng quân đội.
Ngoài ra, đại biểu cũng cho biết, thực tiễn hiện nay cho thấy, nhiều quân đội hiện đại trên thế giới (như Hoa Kỳ, Nhật Bản) đã nâng cao tiêu chuẩn tuyển dụng để đáp ứng yêu cầu về chuyên môn và kỹ năng công nghệ cao. Đặc biệt, nhu cầu về sĩ quan có trình độ ngoại ngữ và hiểu biết về khoa học công nghệ ngày càng lớn trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. Do vậy, đại biểu đề xuất dự thảo Luật bổ sung tiêu chuẩn về "trình độ công nghệ thông tin" và "khả năng sử dụng ngoại ngữ" trong điều kiện tuyển dụng. “Điều này không chỉ giúp Quân đội Nhân dân Việt Nam bắt kịp với xu hướng toàn cầu mà còn tăng khả năng hợp tác quốc tế”, đại biểu nêu quan điểm.
Cùng với đó, đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật cũng cần cập nhật quy định về kỷ luật trong bối cảnh bảo vệ thông tin. Bởi trong thời đại công nghệ số, bảo mật thông tin quốc phòng là vấn đề quan trọng. Nhiều quân đội trên thế giới (như Hàn Quốc, Pháp) đã có quy định cụ thể về kỷ luật liên quan đến bảo mật thông tin quân sự, bao gồm cả các hoạt động trực tuyến và bảo mật dữ liệu. “Dự thảo Luật cần bổ sung quy định về "kỷ luật thông tin", theo đó, sĩ quan phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp bảo mật thông tin, không tiết lộ dữ liệu quân sự trên mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến. Bên cạnh đó, cần có hình phạt rõ ràng đối với hành vi vi phạm để tăng tính răn đe”, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất.
Đại biểu Cầm Thị Mẫn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa
Cho rằng dự thảo Luật lần này đã có sự quan tâm đặc biệt về chế độ, chính sách đối với sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, đại biểu Cầm Thị Mẫn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa bày tỏ đồng tình với đề nghị tại Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh về bổ sung chế độ, chính sách đối với sĩ quan biệt phái khi kết thúc nhiệm vụ biệt phái được giữ nguyên quyền lợi của chức vụ biệt phái; khi nghỉ hưu được hưởng chế độ theo cấp bậc, chức vụ biệt phái, bảo đảm chính sách theo chức vụ cao nhất trước khi nghỉ hưu như quy định đối với sĩ quan Công an nhân dân biệt phái. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về việc quy hoạch, bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn tại cơ quan, tổ chức nơi được cử đến biệt phái; được xem xét, bố trí chức vụ tương đương chức vụ biệt phái khi kết thúc nhiệm vụ biệt phái...
Đối với sĩ quan nữ, đại biểu Cầm Thị Mẫn đề nghị dự thảo Luật cũng cần bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về chế độ, chính sách đối với sĩ quan nữ, cụ thể: Thời gian sĩ quan nữ nghỉ chế độ thai sản được tính vào thời gian xét thăng quân hàm. Bởi Luật hiện hành mới chỉ quy định trường hợp “Thời gian sĩ quan học tập tại trường được tính vào thời hạn xét thăng quân hàm”.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi cho sĩ quan khi nghỉ hưu, các đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật bổ sung thêm quy định về Chương trình đào tạo nghề cho sĩ quan sắp nghỉ hưu, tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho sĩ quan tái hòa nhập vào thị trường lao động dân sự./.
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Các đại biểu tại Phiên họp
Đại biểu Lại Thế Nguyên - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa
Đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa
Đại biểu Vũ Xuân Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa
Các đại biểu tại Phiên họp