Thảo luận tổ 18: Tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong nước
Toàn cảnh Phiên họp
Tổ 18 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Thanh Hóa, Trà Vinh, Hà Nam.
Tại Phiên họp buổi chiều, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB)... và dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Giúp VCB vươn tầm ra khu vực và thế giới
Về Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB), các ý kiến đại biểu trong Tổ cơ bản nhất trí với sự cần thiết bổ sung vốn như lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội; đồng thời nhấn mạnh VCB là một trong các ngân hàng thương mại có uy tín, quy mô lớn do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tiên phong trong thực hiện các chính sách của Nhà nước, đóng góp hiệu quả đối với ngân sách nhà nước và sự phát triển KTXH của đất nước.
Phát biểu về nội dung này, đại biểu Lê Thị Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho biết, ngày 17/10 vừa qua, VCB đã nhận chuyển giao bắt buộc Ngân hàng thương mại TNHH một thành viên Xây dựng Việt Nam (CB). Do vậy, việc đề xuất tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại là một giải pháp cần thiết và hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.
Đại biểu Lê Thị Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam
“Mặc dù VCB là ngân hàng hoạt động có hiệu quả và quản trị tốt, luôn dẫn đầu về lợi nhuận. Tuy nhiên tốc độ tăng vốn của VCB trong những năm gần đây gặp khó khăn do các quy định về quản lý vốn của cổ đông nhà nước và áp lực ngân sách. Điều này đã phần nào hạn chế năng lực tài chính và khả năng mở rộng hoạt động kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt với các ngân hàng tư nhân như: Techcombank, Vpbank… (những ngân hàng liên tục tăng vốn mạnh mẽ thông qua phát hành cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại)”, đại biểu Lê Thị Nga phân tích.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng, việc tăng vốn từ lợi nhuận giữ lại không chỉ cải thiện hệ số an toàn, giúp VCB duy trì mức độ an toàn tài chính, đảm bảo khả năng phát triển tín dụng, mà còn duy trì tỷ lệ sở hữu và sự kiểm soát của Nhà nước đối với VCB. Điều này đặc biệt quan trọng khi VCB vừa phải đồng thời thực hiện nhiệm vụ đảm bảo mục tiêu phát triển kinh doanh, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị như việc nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém vừa qua.
Các đại biểu tại Phiên họp
Ngoài ra, các đại biểu cũng cho rằng, theo Báo cáo của Chính phủ, nguồn vốn mà VCB đề xuất từ nguồn lợi nhuận giữ lại sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch thu ngân sách nhà nước, do đó không gây áp lực lên cân đối ngân sách quốc gia. Không những vậy, hình thức này còn giúp giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, bởi không cần cấp thêm vốn trực tiếp nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của ngân hàng.
Cùng với đó, các đại biểu cho rằng, việc tăng vốn điều lệ lần này còn mang ý nghĩa chiến lược giúp VCB tiến thêm một bước quan trọng trong việc vươn tầm ra khu vực và thế giới. “Với nền tảng tài chính được củng cố, VCB không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế quốc gia mà còn góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Điều này cũng phù hợp với tầm nhìn chiến lược về kỷ nguyên vươn mình của đất nước như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra”, đại biểu Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Củng cố cơ đồ, tiềm lực, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình
Để tiếp tục củng cố cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của quốc tế của đất nước qua 40 năm đổi mới, tạo nên diện mạo mới, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình như lời phát biểu tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV của Tổng Bí thư Tô Lâm, đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị, Chính phủ, các bộ, ngành tiếp tục quan tâm có giải pháp khắc phục triệt để tình trạng thiếu vaccine đã diễn ra từ cuối năm 2022 đến nay.
Đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh
Bên cạnh đó, có cơ chế, chính sách tăng cơ hội việc làm bền vững cho người trong và sau độ tuổi lao động để thích ứng với tốc độ già hóa dân số, đáp ứng nhu cầu việc làm, nhu cầu về kinh tế, tài chính cho cuộc sống hằng ngày của người dân. Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở đối với người có công với cách mạng và thân nhân người người có công có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2021- 2025 để đảm bảo an toàn trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường quan tâm thực hiện các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường; bạo hành, xâm hại trẻ em thông qua việc hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em trong thời gian tới.
Hoàn thiện pháp luật về điện lực phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), các ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất với sự cần thiết của việc xây dự án Luật này, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; khắc phục các khó khăn, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Luật Điện lực năm 2004 (đã được sửa đổi, bổ sung).
Đại biểu Nguyễn Quốc Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam
Tuy nhiên để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, hoàn thiện các quy định về đảm bảo an toàn sử dụng điện cho sinh hoạt và dịch vụ, đặc biệt là việc quy định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức sử dụng điện, cơ quan quản lý nhà nước trong việc đảm bảo an toàn sử dụng điện. Cùng với đó, bổ sung các quy định nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan bán điện trong việc hướng dẫn, giải thích cho người dân về sử dụng điện an toàn./.
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Đại biểu Trương Quốc Huy - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam điều hành nội dung Phiên họp
Đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam
Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa
Đại biểu Nguyễn Quốc Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam