Thảo luận tại tổ 8: Không làm giảm hay mất quyền lợi về hỗ trợ bảo hiểm y tế so với quy định hiện hành

24/10/2024

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 24/10, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Theo đó, nhiều ý kiến tán thành việc cần thiết sửa đổi luật và đề nghị rà soát các quy định, không làm giảm hay mất quyền lợi về hỗ trợ bảo hiểm y tế so với quy định hiện hành.

Bảo đảm quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Toàn cảnh phiên họp

Tổ 8 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Tp. Cần Thơ.

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu bày tỏ nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi Luật như nội dung của Tờ trình và Báo cáo thẩm tra. Cụ thể, nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với mục đích, yêu cầu xây dựng Luật. Các điều khoản được sửa đổi bám sát với 04 chính sách đã được thông qua tại đề nghị xây dựng Luật. Hồ sơ dự án Luật cơ bản bảo đảm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên các đại biểu cũng đề nghị, đối với những chính sách quy định mở rộng hơn so với chính sách được nêu tại đề nghị xây dựng Luật, Cơ quan soạn thảo tiếp tục đánh giá tác động kỹ lưỡng, rà soát để hạn chế tối đa những nội dung còn nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau làm ảnh hưởng đến tiến độ thông qua dự án Luật. Đồng thời, rà soát về văn phong, kỹ thuật soạn thảo văn bản để bảo đảm các quy định của dự thảo Luật rõ ràng, dễ hiểu, dễ áp dụng, đúng thể thức theo quy định; hạn chế việc quy định trong Luật những nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ và các bộ, ngành.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm điều hành nội dung phiên họp

Về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, các ý kiến đại biểu cũng nhất trí việc bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng và phương thức đóng bảo hiểm y tế quy định tại dự thảo Luật. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm thể hiện đầy đủ đối tượng đang tham gia bảo hiểm y tế theo quy định tại các văn bản pháp luật khác được thể hiện đầy đủ ở Điều 12 tại lần sửa đổi này; tiếp tục rà soát, đối chiếu kỹ lưỡng để không làm giảm hay mất quyền lợi về hỗ trợ bảo hiểm y tế so với quy định hiện hành, không phát sinh bất công bằng giữa các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; rà soát cả các quy định liên quan đến bảo hiểm y tế trong các dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Cho ý kiến cụ thể về nội dung này, đại biểu Quàng Thị Nguyệt, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên nêu rõ, nhóm đối tượng tham gia quy định tại khoản 4 Điều 12 gồm các đối tượng được NSNN hỗ trợ mức đóng, trong đó có đối tượng học sinh, sinh viên được NSNN hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT. Thời gian vừa qua, triển khai theo quy định luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014, kết quả đối tượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT năm sau cao hơn năm trước, tỷ lệ bao phủ BHYT học sinh, sinh viên đạt từ 95% - 97% so tổng số học sinh, sinh viên, tại tỉnh Điện Biên đạt 97,62%. Bên cạnh đó, việc phối hợp trong tổ chức thực hiện giữa cơ quan BHXH với các sở, ngành, cơ sở giáo dục trên địa bàn thuận lợi, việc quản lý đối tượng học sinh, sinh viên tham gia BHYT được đánh giá chặt chẽ.

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu

Việc quy định đối tượng học sinh, sinh viên được tự lựa chọn tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện như: việc đùn đẩy trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác lập danh sách và quản lý đối tượng; việc trích kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhà trường không chính xác; học sinh, sinh viên viện cớ tham gia theo hộ gia đình để trốn tránh tham gia BHYT học sinh, sinh viên vào đầu năm học, đồng thời khó khăn trong quản lý và đánh giá tỷ lệ bao phủ BHYT tại trường học

Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị Bộ Y tế giữ nguyên như quy định Luật BHYT hiện hành (học sinh, sinh viên tham gia theo đối tượng được NSNN hỗ trợ mức đóng). Đối với việc tham gia BHYT theo hộ gia đình từ người thứ 3 trở đi, số tiền người tham gia đóng sẽ thấp hơn đóng theo học sinh, sinh viên. Vì vậy, để giải quyết bất cập trên, đề xuất nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho nhóm học sinh, sinh viên tối thiểu là 50% mức đóng.

Cũng đưa ra những góp ý liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trịnh Minh Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, đề nghị bổ sung đối tượng người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên được ngân sách nhà nước đóng BHYT. Đại biểu chỉ rõ, theo quy định của Luật Người cao tuổi, người từ đủ 60 tuổi trở lên là người cao tuổi được nhà nước quan tâm đến các chính sách xã hội. Cũng theo quy định hiện hành, người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không hưởng trợ cấp hàng tháng thì được hưởng trợ cấp xã hội và được cấp thẻ BHYT do NSNN đảm bảo. Tuy nhiên, nhóm người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên đến dưới 80 mà không hưởng trợ cấp hàng tháng là đối tượng yếu thế xã hội, cần được quan tâm trong lưới an sinh. Vì vậy, đề xuất đối tượng trên được NSNN đóng BHYT để được hưởng chính sách bảo vệ sức khỏe, giảm bớt gánh nặng tài chính khi có rủi ro ốm đau, bệnh tật.

Đại biểu Trịnh Minh Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long phát biểu

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhận định, thực tế thời gian qua cho thấy, hoạt động giám định BHYT là hoạt động kiểm tra, đối chiếu các yêu cầu thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT của cơ sở khám chữa bệnh BHYT, của người tham gia BHYT với các quy định của pháp luật về BHYT, về khám chữa bệnh, các quy trình chuyên môn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, danh mục dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế của Bộ Y tế và các quy định pháp luật liên quan để xác định chi phí khám chữa bệnh được thanh toán theo chế độ BHYT.

Việc “đánh giá sự hợp lý của việc cung cấp dịch vụ y tế cho người tham gia bảo hiểm y tế”, “đánh giá việc chỉ định điều trị, sử dụng thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế, dịch vụ kỹ thuật y tế cho người bệnh” là chức năng nhiệm vụ của cơ quan chuyên môn, hội đồng chuyên môn của ngành y tế nhưng giao cơ quan BHXH thực hiện là không phù hợp. Giải thích từ ngữ về “giám định” và quy định nội dung giám định BHYT trong Luật BHYT hiện hành là nguyên nhân chính dẫn đến rất nhiều vướng mắc, bất cập, tồn tại kéo dài nhiều năm giữa cơ quan BHXH và cơ sở khám chữa bệnh, làm chậm tiến độ thanh, quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Khi đánh giá tình hình thực hiện Luật BHYT, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp và Uỷ ban xã hội của Quốc hội đều nêu nhiều vướng mắc phát sinh trong thực hiện công tác giám định BHYT, chủ yếu từ các quy định của pháp luật về “đánh giá chuyên môn y tế” giao cơ quan BHXH thực hiện.

Từ các phân tích trên, một số đại biểu cho rằng, việc sửa đổi khái niệm, nội dung giám định BHYT trong Luật BHYT hiện hành (khoản 6 Điều 2, khoản 1 Điều 29) là vấn đề cấp bách, cấp thiết để khắc phục các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT kéo dài nhiều năm qua, đặc biệt là trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, đồng thời để đảm bảo thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan BHXH là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách.

+ Cũng tại phiên họp tổ này, các đại biểu đã tiến hành cho ý kiến về Dự án Luật Dữ liệu.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh:

Các đại biểu tại phiên họp

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long phát biểu

Đại biểu Phạm Đình Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu

Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu

Đại biểu Đào Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ phát biểu

Đại biểu Nguyễn Văn Thuận - Đoàn ĐBQH Tp.Cần Thơ phát biểu

Đại biểu Tô Văn Tám - Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum phát biểu

Đại biểu Quốc hội, Thượng tọa Thích Đức Thiện - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương - Đoàn ĐBQH Tp. Cần Thơ phát biểu

Đại biểu Lò Thị Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu./.

Hồ Hương - Phạm Thắng