Quảng Nam: Đại biểu Quốc hội lắng nghe ý kiến của người lao động
Tham dự buổi đối thoại có: Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng; Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Công Thanh; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và các cử tri là cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường học trên địa bàn tỉnh dự tại các điểm cầu.
Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri và đối thoại với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục
Tại buổi tiếp xúc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước đã thông tin cho cử tri về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh và cả nước trong thời gian qua; nội dung chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV và một số thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến ngành giáo dục.
Nhiều kiến nghị liên quan đến tiền lương, chính sách nhà giáo
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam Thái Viết Tường cho biết, năm học 2024 -2025, toàn tỉnh có 725 trường công lập với 354.403 học sinh và 70 trường ngoài công lập với 27.260 học sinh. Tính đến nay số lượng cán bộ, giáo viên, nhân viên của toàn ngành là 27.165 người.
Thời gian qua, Sở đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học; vệ sinh trường, lớp, khuôn viên trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn nhằm chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng về mọi mặt trước khi bước vào khai giảng năm học mới.
Đồng thời, cử cán bộ, công chức tham gia đầy đủ các lớp tập huấn chuyên môn do Bộ GD-ĐT tổ chức; trên cơ sở đó, tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở các cấp học; tập huấn kiểm tra, đánh giá; tập huấn sử dụng sách giáo khoa lớp 5, 9, 12 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng phát biểu tại buổi đối thoại
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam cũng kiến nghị Đoàn ĐBQH tỉnh đề xuất với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương quan tâm và sửa đổi một số nội dung như: Lương của nhân viên làm việc tại các trường học thấp, không được khoản phụ cấp nào ngoài lương hệ số theo ngạch bậc; Đề nghị tăng lương cho nhân viên làm việc tại các trường.
Chế độ chính sách tiền lương đối với viên chức quản lý, giáo viên, nhân viên công tác tại miền núi, vùng sâu, hải đảo còn thấp, chưa thu hút được đội ngũ để gắn bó, công tác lâu dài; phụ cấp thu hút tại điều 4 của Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 8.10.2009 quy định thời gian không quá 5 năm; thực tế với thời gian là 5 năm thì chưa đủ sức thu hút đối với giáo viên đồng bằng lên công tác miền núi.
Đề nghị có chính sách giữ chân nhà giáo ngoài chính sách thu hút được quy định, kéo dài thời gian phụ cấp thu hút theo Nghị định số 76/2009/NĐ -CP từ 5 năm lên 10 năm…
Giám đốc Sở GD-ĐT cũng kiến nghị về biên chế làm việc tại các Phòng GD-ĐT hiện nay chưa đủ nên gặp khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
"Tại điểm b, khoản 4 Điều 27 Nghị định 85/2023/NĐ-CP quy định việc biệt phái viên chức làm công việc ở vị trí việc làm của công chức phải được sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức. Tuy nhiên chế độ giáo viên biệt phái về công tác tại Phòng GD-ĐT rất khó khăn do mức lương thấp hơn so với giảng dạy", ông Tường nói.
Xây dựng trường học thân thiện
Tiếp thu, ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của cử tri Trưởng Đoàn ĐBQH, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, đã và đang có những chính sách ưu tiên phát triển giáo dục, đào tạo. Nền giáo dục và đào tạo nước ta hiện đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần to lớn trong việc nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Các đại biểu dự buổi tiếp xúc.
Tại Quảng Nam, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo thực hiện đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết của giáo dục và đào tạo. Quy mô mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển. Trường lớp được quan tâm đầu tư đáp ứng được nhu cầu học tập của Nhân dân.
Đội ngũ giáo viên cơ bản đảm bảo. Chất lượng hai mặt giáo dục được duy trì ổn định và tăng hằng năm. Giáo dục ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc được quan tâm đầu tư đúng mức. Tuy nhiên, hiện ngành giáo dục - đào tạo cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức.
Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam Thái Viết Tường nêu những khó khăn của ngành giáo dục tỉnh.
Về tổ chức bộ máy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh, phải đảm bảo đủ số lượng cán bộ quản lý, trường học, tuyệt đối không để thiếu; đồng thời, tính toán lại tỷ lệ giáo viên/lớp theo đúng quy định của Bộ GD-ĐT. Thực hiện chế độ, chính sách cũng đúng quy định Trung ương, đừng vì khó khăn của ngân sách mà o ép chỗ này, chỗ kia. Toàn ngành phải chú ý xây dựng trường học thật sự thân thiện, tránh tình trạng bạo lực học đường.
“Các ý kiến, kiến nghị, tâm tư, nguyện vọng của cử tri sẽ được tổng hợp đầy đủ, được lãnh đạo tỉnh trực tiếp giải đáp hoặc chuyển đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết, trả lời”, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam khẳng định.