Bắc Giang: Lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên

16/09/2024

Chiều 16/9, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh phối hợp tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN).

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang thăm, trao tiền ủng hộ các huyện Sơn Động, Lục Ngạn khắc phục hậu quả bão số 3

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Vũ Mạnh Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh Bắc Giang; Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh.

Cùng dự có các đồng chí ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Phạm Văn Thịnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; Đỗ Thị Việt Hà, Giám đốc Sở Tư pháp; các thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh; đại diện các cơ quan, đơn vị khối tư pháp.

Quang cảnh hội nghị.

Dự thảo Luật Tư pháp NCTN gồm 175 điều, 11 chương, gồm 11 nguyên tắc cơ bản đối với hoạt động tư pháp NCTN, đưa ra 11 biện pháp xử lý chuyển hướng trong đó kế thừa các biện pháp của Bộ luật Hình sự hiện hành và phát triển thêm 18 biện pháp, thể hiện tính ưu việt và nhân văn của hệ thống pháp luật Việt Nam.

Trong 11 biện pháp xử lý chuyển hướng có 10 biện pháp xử lý chuyển hướng ngoài cộng đồng, 1 biện pháp duy nhất là giáo dục tại trường giáo dưỡng. Trong đó giữ nguyên 2 biện pháp đang quy định trong Bộ luật Hình sự là khiển trách và giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Biện pháp hòa giải tại cộng đồng đang quy định trong Bộ luật Hình sự sẽ được tách thành 2 biện pháp, gồm xin lỗi người bị hại và bồi thường thiệt hại.

Tại hội nghị, các đại biểu đều cho rằng, pháp luật hiện hành áp dụng đối với NCTN còn tồn tại một số hạn chế như: Hệ thống hình phạt chưa phù hợp; một số hình phạt không có sự phân hóa giữa NCTN và người trưởng thành. Ngoài ra, các biện pháp giám sát, giáo dục đã có quy định nhưng hầu như không được áp dụng, thiếu tính khả thi. Vì vậy, việc xây dựng Luật Tư pháp NCTN là rất cần thiết.

Ngoài ra, các đại biểu cũng nhất trí với dự thảo Luật về việc làm rõ nội hàm của từng biện pháp xử lý chuyển hướng và quy định thêm các biện pháp xử lý chuyển hướng. Điều này sẽ tạo điều kiện cho cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều lựa chọn để áp dụng biện pháp phù hợp nhất với từng đối tượng NCTN. Nhiều biện pháp mới được bổ sung như: Hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; cấm đến một địa điểm nhất định; quản thúc tại gia đình... sẽ ràng buộc cao hơn trách nhiệm của gia đình và huy động sự tham gia của cộng đồng vào quá trình xử lý chuyển hướng để thực hiện hiệu quả việc quản lý, giám sát, giáo dục NCTN.

Đại biểu nêu ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Tư pháp NCTN.

Đối với quy định về chế độ gặp thân nhân, liên lạc, nhận quà của học sinh trường giáo dưỡng, một số đại biểu kiến nghị cần quy định cụ thể về thời gian, số lần gặp thân nhân, liên lạc qua điện thoại với thân nhân trong tuần, tháng.

Về quy định tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, có đại biểu đề nghị giữ nguyên theo quy định tại Điều 103 Bộ luật Hình sự. Bởi việc xem xét, quyết định hình phạt đối với NCTN còn được đánh giá trên cơ sở tâm lý, độ tuổi, nhận thức của người đó tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội.

Một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể tư cách tham gia tố tụng của người làm công tác xã hội.

Quy định NCTN chấp hành án phạt tù tại trại giam riêng hoặc phân trại dành riêng cho NCTN trong trại giam, có ý kiến cho rằng việc xây dựng trại giam riêng là bất cập và khó thực hiện. Bởi nếu xây dựng ở các tỉnh sẽ tốn kém nhiều kinh phí, nếu xây dựng theo khu vực 3 miền Bắc, Trung, Nam thì khoảng cách xa sẽ gây khó khăn cho việc đi lại, thăm gặp của cha mẹ, người đại diện của phạm nhân.

Về thẩm quyền áp dụng, các ý kiến nêu cần giữ nguyên quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó cả 3 đơn vị là Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án đều có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Kết luận hội nghị, các đồng chí: Vũ Mạnh Thắng, Trần Văn Tuấn ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý của các đại biểu đối với dự thảo Luật Tư pháp NCTN. Các ý kiến sẽ được tiếp thu, xem xét và tổng hợp để Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang làm cơ sở tham gia đóng góp tại kỳ họp Quốc hội sắp tới.

(Theo báo Bắc Giang)