BỔ SUNG QUY ĐỊNH MỚI ĐỂ NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY, CỨU NẠN CỨU HỘ

19/06/2024

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 19/6, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Đa số ý kiến tại Tổ 3 cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật này nhằm thể chế đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về PCCC và CNCH, đồng thời bổ sung quy định mới để nâng cao hiệu quả công tác PCCC, CNCH đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự Phiên thảo luận tại Tổ 3.

PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN QUANG PHƯƠNG: CẦN CÓ Ý THỨC, HÀNH ĐỘNG, QUYẾT TÂM VÀ CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CHO HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY

Quang cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 3

Tổ 3 bao gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Bắc Kạn, Nghệ An và Quảng Ngãi. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý, Tổ trưởng Tổ 3 điều hành nội dung thảo luận.

Dự án Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ gồm 09 Chương, 65 Điều. Qua thảo luận, đa số ý kiến tại Tổ 3 cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) nhằm thể chế đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về PCCC và CNCH; luật hoá những quy định hiện hành và bổ sung quy định đầy đủ, toàn diện về hoạt động CNCH. Đồng thời việc ban hành Luật nhằm khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập đang tồn tại, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật và tăng cường công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH trong tình hình mới.

Đồng tình với việc cần thiết ban hành Luật PCCC và CNCH, đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cơ bản nhất trí khi lần này Luật đã bổ sung thêm các quy định về CNCH. Quan tâm đến phòng cháy đối với nhà ở, đại biểu cho rằng, thời gian qua đã xảy ra rất nhiều vụ cháy, nhất là liên quan đến nhà ở kết hợp với kinh doanh và để lại thiết hại lớn. Đây là vấn đề mà đại biểu trăn trở lâu nay.

Đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu Thái Thị An Chung cho rằng, nhiều công trình nhà ở kết hợp với dịch vụ khi chuyển đổi công năng đã không đảm bảo yêu cầu PCCC xảy ra rất nhiều. Nhưng vấn đề khắc phục được an toàn PCCC còn gặp nhiều khó khăn, thậm chí nhiều khách sạn, quán karaoke phải dừng hoạt động trong một thời gian dài vì liên quan đến vấn đề khắc phục PCCC.

Liên quan đến phòng cháy đối với nhà ở được quy định tại Điều 17, đại biểu Thái Thị An Chung nhận thấy, tại khoản 1 Điều này mới chỉ quy định điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy đối với nhà ở, còn khoản 2 quy định về điều kiện đảm bảo an toàn phòng cháy của nhà ở kết hợp với kinh doanh nhưng hiện nay dự thảo Luật còn quy định rất đơn giản. Đại biểu cho rằng, nếu quy định như vậy thì không thể khắc phục được tình trạng xảy ra cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh. Do đó, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị cần nghiên cứu thêm, tách thành một điều riêng quy định về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp với kinh doanh.

Đồng thời cần làm rõ loại nhà ở nào được kết hợp với kinh doanh. Dịch vụ kinh doanh nào có thể được kết hợp và dịch vụ nào không thể kết hợp được. Bên cạnh đó, có thể mở rộng thêm khu dân cư nào được bố trí kinh doanh kết hợp với nhà ở và khu dân cư nào không thể bố trí được. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy mới có thể góp phần phòng ngừa được các vụ cháy xảy ra ở các khu dân cư.

Đồng tình với việc bổ sung thêm phần CNCH vào dự án Luật PCCC và CNCH, đại biểu Hoàng Văn Hữu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho rằng, việc xác định lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ PCCC, CNCH đối với các lực lượng thì việc bổ sung này rất cần thiết. Cơ quan soạn thảo là Bộ Công an đã chủ động trong việc chuẩn bị các nội dung rất kỹ lưỡng, tham khảo ý kiến các chuyên gia và trình các bộ ngành liên quan lấy ý kiến. Dự án Luật lần này sẽ liên quan đến nhiều bộ luật khác như Luật Phòng thủ dân sự… Do đó, đại biểu Hoàng Văn Hữu cho rằng, khi rà soát cần bổ sung và nghiên cứu tất cả các luật liên quan để tiến hành điều chỉnh lại để đảm bảo tính thống nhất.

Đại biểu Hoàng Văn Hữu - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Qua nghiên cứu, các khoản 1 Điều 38 liên quan đến lực lượng PCCC, CHCN liên quan đến các cơ quan từ trung ương đến cơ sở, đại biểu đề nghị cần bổ sung thêm nội dung này cho đầy đủ, ví dụ bổ sung thêm cơ quan chức năng và lực lượng PCCC, CNCH để hoàn chỉnh nội dung này. Đồng thời cần thông báo các tình huống CNCH hoặc tình huống cháy thì cần thông báo số điện thoại liên quan cho rõ ràng.

Về vấn đề đảm bảo quyền ưu tiên, dự thảo Luật mới chỉ đề cập lực lượng công an có liên quan. Còn thực tế trong Luật Phòng thủ dân sự cũng như các lực lượng quy định, mỗi ngành tham gia đều có sự ưu tiên. Đại biểu đề nghị nghiên cứu bổ sung quyền ưu tiên cho các lực lượng tham gia vào phòng thủ dân sự. Tại khoản 2 Điều 27 và khoản 2 Điều 39 của dự thảo Luật mới chỉ xác định phương tiện của cơ quan Công an tham gia chữa cháy, còn các lực lượng khác tham gia thì chưa quy định như lực lượng quân đội cũng có hệ thống bảo đảm phòng thủ dân sự, có hệ thống chữa cháy, CNCH nhưng không có quyền ưu tiên đó. Vì vậy, đại biểu Hoàng Văn Hữu đề nghị nghiên cứu để bổ sung cho đầy đủ.

Đồng thời đề nghị nghiên cứu điều chỉnh trách nhiệm các cơ quan quản lý Nhà nước đối với các ngành liên quan đến PCCC, CNCH, trong đó có Bộ Quốc phòng. Cụ thể, tại khoản 3 Điều 61, đại biểu đề nghị nên nghiên cứu, điều chỉnh lại cho rõ hơn.

Đồng tình cao với dự thảo Luật do Chính phủ trình và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh, đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, thời gian qua, từ khi có Chỉ thị 47-CT/TW ngày 25/06/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy đến nay, kinh tế - xã hội đã phát triển rất nhanh và lan tỏa, các hoạt động kèm theo đa dạng, phong phú, tuy nhiên các văn bản quy phạm pháp luật liên quan còn chưa theo kịp thực tiễn và nhiều nội dung cần phải bổ sung. Đáng lưu ý, đại biểu bày tỏ đồng tình khi dự thảo Luật lần này đã bổ sung thêm nội dung CNCH.

Đại biểu nhận thấy, nhiều nội dung đã được quy định tại các nghị định mặc dù chưa được luật hóa như Nghị định 83/2017/NĐ-CP, Nghị định 30/2017/NĐ-CP. Vì vậy, đề nghị cần luật hóa các nội dung liên quan đến sự cố, tai nạn và CNCH.

Đại biểu Võ Thị Minh Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Liên quan đến trách nhiệm về PCCC và CNCH, đại biểu Võ Thị Minh Sinh cho rằng, Đảng đã xác định đây là nhiệm vụ hàng ngày, mọi lúc mọi nơi, là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cần thiết, không thể thiếu, do đó tất cả các nội dung liên quan đến PCCC và CNCH cần tương xứng với nguồn lực, vật lực. Dự thảo Luật cần đánh giá và đưa nội dung này vào trong Luật để quy định cho cụ thể.

Đại biểu nhận thấy, các lực lượng xung quanh đã có nền tảng rất đầy đủ, không chỉ là lực lượng nòng cốt, chuyên trách mà còn có lực lượng của cơ sở và tình nguyện viên xã hội. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần bổ sung các khái niệm liên quan đến CNCH, cần thiết luật hóa trên cơ sở các Nghị định 83/2017/NĐ-CP, Nghị định 30/2017/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ liên quan đến các nội dung về CNCH để quy định cho đầy đủ, đồng bộ, không bị sai lệch giữa các khái niệm.

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về PCCC và CNCH, đại biểu Võ Thị Minh Sinh cho rằng, nội dung này cũng liên quan đến nguồn tài chính và cân đối nguồn kinh phí. Đại biểu khẳng định, việc ưu tiên nguồn lực về con người và tài chính phải tương xứng với mục tiêu bảo vệ con người. Nội dung này cần phải được đảm bảo trong Luật. Đồng thời cần bổ sung thêm chính sách cho lực lượng tình nguyện liên quan đến rủi ro khi tham gia CNCH, PCCC.

Cũng tại Phiên họp, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Phòng không nhân dân. Dự án Luật được xây dựng gồm 08 Chương với 54 Điều. Qua thảo luận, các ý kiến khẳng định việc xây dựng, ban hành Luật Phòng không nhân dân là rất cần thiết, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quân sự, quốc phòng, có ý nghĩa thiết thực bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, huy động, tổ chức hoạt động phòng không nhân dân, quản lý các hoạt động liên quan đến tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ và bảo đảm an toàn phòng không. Đồng thời xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, giữ vững hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội để phát triển kinh tế.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận:

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 3

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý, Tổ trưởng Tổ 3 điều hành nội dung thảo luận

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên họp

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu Trần Đức Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác