THẢO LUẬN TỔ 13: BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA

18/06/2024

Chiều 18/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Thảo luận tại Tổ 13 (Đoàn ĐBQH các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk, Hậu Giang), các đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, đồng thời góp ý vào nhiều nội dung cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo Luật đảm bảo tính đồng bộ, khả thi trong thực tiễn.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI TRẦN THANH MẪN: QUY ĐỊNH CỤ THỂ THẨM QUYỀN, TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH CÁC HÌNH THỨC SỞ HỮU ĐỐI VỚI DI SẢN VĂN HÓA

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 13

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự phiên thảo luận tại Tổ 13.

Thảo luận tại phiên họp về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), đa số ý kiến tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hoá trong bối cảnh hiện nay nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị rà soát dự thảo Luật với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhất là các luật như: Luật Lưu trữ, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Khoáng sản,... để có cơ sở xây dựng các quy định bảo đảm chất lượng, khả thi.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Thống nhất với nhiều nội dung quy định tại dự thảo Luật, đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đánh giá cao tiếp thu chỉnh lý của Ban soạn thảo và báo cáo của cơ quan thẩm tra. Liên quan tới quy định về dự án đầu tư, xây dựng công trình nằm ngoài các khu vực bảo vệ di tích có khả năng tác động tiêu cực đến di tích, cảnh quan văn hóa của di tích, đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung quy định về khoảng cách tối thiểu của các công trình xây dựng có khả năng ảnh hưởng tới di tích. Từ đó, làm cơ sở để thẩm định, đánh giá tác động các công trình xây dựng, dự án phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương. 

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang 

Đối với quy định tuyên truyền, quảng bá di sản văn hóa được quy định tại Điều 87, đại biểu cho rằng, việc quy định các trường hợp được sử dụng, khai thác di sản văn hóa để giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá, giáo dục di sản văn hóa đối với 05 trường hợp cụ thể là quá hẹp vì vậy, cần nghiên cứu, bổ sung thêm các trường hợp khác theo Quyết định 1909/QĐ-TTg. "Việc sử dụng và phát huy giá trị di tích cần gắn với việc cụ thể hóa Chiến lược phát triển văn hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1909/QĐ-TTg ngày 12 tháng 11 năm 2021.", đại biểu nhấn mạnh.

Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị bổ sung thẩm quyền chấp nhận việc đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật đối với di tích nằm trong danh mục kiểm kê; nghiên cứu bổ sung điều khoản quy định về đầu tư, khai thác phát huy giá trị của di tích.

Đại biểu Lưu Bá Mạc – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Tham gia góp ý vào nội dung dự thảo, đại biểu Lưu Bá Mạc – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm quy định có liên quan đến việc quản lý, phát triển, bảo vệ và phát huy giá trị của mô hình công viên địa chất, nhất là những công viên địa chất trong nước đã và đang được UNESCO công nhận hoặc xem xét công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Trong đó, đều có liên quan đến Di sản văn hoá phi vật thể, Di sản văn hoá vật thể, Di tích lịch sử - văn hoá, Di sản địa chất, Danh lam thắng cảnh. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Bên cạnh đó, đại biểu tỉnh Lạng Sơn cũng lưu ý, các Điều 25, 26, 27, 28, 29 đã nêu đầy đủ về việc quản lý, bảo vệ khu vực I và II của di tích. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều di tích có giáp ranh giữa 2 tỉnh, vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung nội dung "quản lý đối với trường hợp di tích nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh trở lên".

Đại biểu Nguyễn Thị Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Quan tâm tới quy định về sở hữu di sản văn hóa, đại biểu Nguyễn Thị Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho biết, dự thảo Luật quy định “Nhà nước đại diện chủ sở hữu di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân; công nhận và bảo vệ các hình thức sở hữu khác bao gồm sở hữu chung, sở hữu riêng về di sản văn hóa theo quy định của Hiến pháp, Luật Di sản văn hóa và pháp luật liên quan về sở hữu” tại khoản 1 điều 4 là chưa thống nhất với quy định tại Bộ luật Dân sự về đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý (Điều 197), theo đó việc xác lập sở hữu toàn dân, quyền sở hữu di sản văn hóa nếu là tài sản thuộc sở hữu toàn dân thì thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự. Do đó, đại biểu đề nghị cân nhắc không quy định nội dung này tại dự thảo Luật.

Ngoài ra, có ý kiến đại biểu cũng đề nghị: cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm cụm từ “hoặc trong hồ sơ quy hoạch di tích được cấp có thẩm quyền phê duyệt” vào nội dung tại khoản 4 Điều 25; Bổ sung nội dung: Chủ tịch UBND tỉnh có thể phân cấp, ủy quyền cho cơ quan chuyên môn là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện thực hiện việc cắm mốc giới;...

Các vị đại biểu Quốc hội tham dự Phiên thảo luận 

Cũng tại Phiên thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, các ý kiến cơ bản đồng tình với nội dung Tờ trình của Chính phủ và Dự thảo Luật. Theo các đại biểu, Luật Dược được Quốc hội thông qua ngày 6/4/2016, trải qua hơn 7 năm thi hành và áp dụng trên thực tiễn đã bộc lộ nhiều vướng mắc, hạn chế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dược, phần nào ảnh hưởng đến việc đảm bảo cung ứng thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân. Bên cạnh đó, hàng loạt các Luật như: Luật đấu thầu, Luật giá,… có nhiều nội dung liên quan đến hoạt động quản lý dược, vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Dược là vô cùng cần thiết.

Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào một số nội dung trọng tâm như: Chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược; Hình thức và phương thức kinh doanh dược mới; Thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc; Quy định kê khai giá, kê khai lại giá thuốc; Về biện pháp quản lý giá thuốc;…

***Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận Tổ 13:

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 13

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Các vị đại biểu Quốc hội tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 13

Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Đại biểu Trần Thị Vân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Đại biểu Lưu Bá Mạc - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Các vị đại biểu Quốc hội tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 13


Đại biểu Lê Thị Thanh Xuân - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Thảo luận tại Tổ 13 về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược./.

Lê Anh - Phạm Thắng

Các bài viết khác