THẢO LUẬN TỔ 3: TẠO ĐIỀU KIỆN ĐỂ TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN HOẠT ĐỘNG CÔNG CHỨNG THEO ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI HÓA

17/06/2024

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 17/6, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Đa số các đại biểu tại Tổ 3 nhất trí việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong gần 10 năm triển khai thực hiện, tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, chặt chẽ, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế.

THẢO LUẬN TỔ 3: ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ VĂN HÓA PHẢI CÓ TRỌNG TÂM, TRỌNG ĐIỂM, TRÁNH DÀN TRẢI

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 3

Tổ 3 bao gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Bắc Kạn, Nghệ An và Quảng Ngãi. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn Hoàng Duy Chinh, Tổ phó Tổ 3 điều hành nội dung thảo luận.

Qua thảo luận, các đại biểu tại Tổ 3 cơ bản nhất trí việc xây dựng Luật Công chứng (sửa đổi) nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng, đồng thời khắc phục hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về công chứng.

Đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi thống nhất cao với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng năm 2014 nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới: “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế huy động nguồn lực để xã hội hóa và phát triển các lĩnh vực công chứng; xây dựng đội ngũ hành nghề công chứng đủ về số lượng và bảo đảm chất lượng, hoạt động chuyên nghiệp, tuân thủ pháp luật và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng tốt nhu cầu của xã hội”. Đồng thời sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng năm 2014 để khắc phục những hạn chế, bất cập phát sinh trong gần 10 năm triển khai thực hiện, tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, chặt chẽ, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đại biểu Lương Văn Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Tuy nhiên, đại biểu Lương Văn Hùng nhận thấy, một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra cho bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động công chứng là luật hóa quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp công chứng lại chưa được đưa vào dự thảo Luật sửa đổi lần này. Do đó, đề nghị bổ sung một điều luật quy định về việc ban hành và thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp công chứng theo Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị nêu trên.

Về mô hình công chứng, dự thảo Luật xác định công chứng không phải là hoạt động kinh doanh đơn thuần, mà là một nghề bổ trợ tư pháp cần có đầy đủ cơ sở pháp lý cho hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng. Khoản Điều 20 của Dự thảo Luật quy định về Văn phòng công chứng hoạt động theo mô hình công ty hợp danh. Văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên và không có thành viên góp vốn.

Đại biểu Lương Văn Hùng nhận thấy, quy định như trên là cơ bản phù hợp, chặt chẽ đối với những nơi có nhu cầu công chứng lớn (các thành phố, đô thị...). Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nên quy định mở theo hướng: Văn phòng công chứng có thể tổ chức hoạt động theo mô hình công ty hợp danh hoặc doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, quy định cụ thể thêm những điều kiện nhất định để được mở văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân để bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi.

Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Quan tâm đến vấn đề công chứng bản dịch, đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An tán thành với quy định của dự thảo Luật. Theo đại biểu, việc quy định công chứng viên công chứng bản dịch như Luật Công chứng hiện hành sẽ có nhiều vướng mắc trong thực tiễn, bởi vì công chứng viên không thể thông thạo một lúc nhiều ngoại ngữ, thậm chí là tiếng dân tộc thiểu số để hành nghề. Nếu sử dụng đội ngũ cộng tác viên phiên dịch thì phải chia sẻ trách nhiệm (có nghĩa là phải quy định rõ trách nhiệm của người phiên dịch đối với tính chính xác của bản dịch với bản gốc). Điều này sẽ không phù hợp với phạm vi điều của Luật cũng như trách nhiệm cá nhân trong hoạt động công chứng. Do đó, đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng, việc quy định như dự thảo Luật “công chứng viên chứng thực chữ ký người dịch theo quy định của pháp luật về chứng thực” là phù hợp.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Về vấn đề bổ nhiệm công chứng viên được quy định tại Điều 11 của dự thảo Luật, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đồng tình với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và nhận thấy thành phần hồ sơ đề nghị bổ nhiệm công chứng viên đã điều chỉnh và cắt giảm một số theo Luật hiện hành. Do đó, đề nghị trong thành phần hồ sơ cần nghiên cứu kỹ lưỡng để các điều kiện được đặt ra thể hiện ngay trong thành phần hồ sơ để căn cứ vào đó, cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc bổ nhiệm với công chứng viên.

Đặc biệt, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho rằng, cần lưu ý phiếu lý lịch tư pháp trong thành phần hồ sơ, và Luật Công chứng năm 2014 quy định đây là một trong những thành phần hồ sơ quan trọng để thực hiện bổ nhiệm công chứng viên. Tuy nhiên, theo dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) lần này, phiếu lý lịch tư pháp không phải là thành phần hồ sơ khi bổ nhiệm công chứng viên. Do đó, đại biểu đề nghị cần đối chiếu, rà soát các nội dung được thể hiện ngay trong dự thảo Luật và nên bổ sung phiếu lý lịch tư pháp vào thành phần hồ sơ để bổ nhiệm công chức viên, đồng thời cần cân nhắc để điều chỉnh cho phù hợp.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát để luật hóa tối đa các nội dung đang được quy định tại các văn bản dưới luật đã rõ, đã được thực tiễn kiểm nghiệm và phát huy hiệu quả trên thực tế; đánh giá đầy đủ tác động của các thủ tục hành chính trong dự thảo Luật để cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính không cần thiết, làm gia tăng chi phí tuân thủ, qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cũng tại phiên họp, các đại biểu thảo luận, góp ý về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.

Trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại Phiên thảo luận ở Tổ 3:

Quang cảnh Phiên họp

Các đại biểu tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 3

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

Đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An góp ý về dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu Huỳnh Thị Anh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho ý kiến về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác