THẢO LUẬN TỔ 14: RÀ SOÁT QUY ĐỊNH VỀ QUẢNG CÁO ĐỂ ĐẢM BẢO QUYỀN, LỢI ÍCH HỢP PHÁP CỦA CÔNG CHỨNG VIÊN, TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG

17/06/2024

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 17/6, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Tại tổ 14, các đại biểu đề nghị rà soát, chỉnh lý quy định về quảng cáo trong hoạt động công chứng để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

THẢO LUẬN TẠI TỔ 14 VỀ LUẬT CÔNG ĐOÀN (SỬA ĐỔI): ĐẢM BẢO TÍNH ĐỘC LẬP VỀ TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN

Toàn cảnh phiên họp

​Tổ 14 gồm các đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh Đồng Tháp, Hải Dương, Khánh Hòa.

Phát biểu tại phiên họp, các đại biểu cơ bản đồng tình việc sửa đổi toàn diện Luật Công chứng năm 2014 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về hoạt động công chứng; hoàn thiện các quy định của pháp luật về công chứng, khắc phục các hạn chế, vướng mắc, chưa phù hợp với thực tiễn đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ; bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các luật mới được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới có liên quan đến hoạt động công chứng; tạo điều kiện để phát triển hoạt động công chứng theo định hướng xã hội hóa, ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Đại biểu Lê Quốc Phong, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp điều hành nội dung thảo luận

Các đại biểu cũng tán thành việc bổ sung quy định về công chứng điện tử trong dự thảo Luật nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong hoạt động công chứng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các giao dịch dân sự, kinh tế; bảo đảm đồng bộ với các quy định mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương phát biểu

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, về công chứng viên, dự thảo luật đã có nhiều quy định thể hiện tinh thần cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, phân cấp trong quản lý công chứng viên, tuy nhiên, dự thảo luật cũng quy định bổ sung một số loại thủ tục như thủ tục công nhận hoàn thành tập sự, thủ tục bổ nhiệm công chứng viên. Đại biểu đề nghị rà soát để làm rõ hơn nữa sự cần thiết, hợp lý trong việc sửa đổi, bổ sung các thủ tục hành chính nêu trên, để đảm bảo nguyên tắc không kéo dài thời gian thực hiện so với luật hiện hành, không đặt ra những thủ tục mới.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, Điều 7 của dự thảo luật có quy định cấm quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Thoa cho rằng quy định này không phù hợp với quy định của Luật Quảng cáo và pháp luật về doanh nghiệp, hạn chế quyền của công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, vì vậy, cần nghiên cứu chỉnh lý quy định này cho phù hợp.  

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương tại phiên họp

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, công chứng cũng là hoạt động của doanh nghiệp, nên có quyền được quảng cáo, miễn là quảng cáo đúng sự thật, đúng theo phạm vi hoạt động của mình. Về độ tuổi hành nghề công chứng, đại biểu Phạm Văn Hòa đồng thuận với quy định trong dự thảo luật, theo đó, giới hạn độ tuổi hành nghề của công chứng viên là 70 tuổi, tuy nhiên, công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 02 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành; công chứng viên từ 68 đến 70 tuổi tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được hành nghề công chứng đến khi tròn 72 tuổi.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu

Về sử dụng con dấu của phòng công chứng, dự thảo luật quy định phòng công chứng chỉ sử dụng một con dấu, đại biểu cho rằng quy định như vậy chưa phù hợp, đề nghị quy định theo luật hiện hành, theo đó, phòng công chứng được phép sử dụng nhiều con dấu hơn.

Các đại biểu cũng cho biết, về trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các tổ chức hành nghề công chứng, quy định tại Điều 72 của dự thảo Luật còn chưa bảo đảm tính thống nhất với Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch. Một số ý kiến cho rằng quy định tại điểm e khoản 1 Điều 72 của dự thảo Luật về việc chuyển giao thẩm quyền chứng thực giao dịch từ Phòng Tư pháp cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã sang tổ chức hành nghề công chứng có tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân và doanh nghiệp, có thể gây khó khăn, phiền hà cho người dân khi có nhu cầu chứng thực, đặc biệt đối với vùng sâu, vùng xa, miền núi có điều kiện đi lại khó khăn.

Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tại phiên họp

Có ý kiến đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng, trên cơ sở đó nghiên cứu, chỉnh lý quy định này nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương tiếp tục xã hội hóa hoạt động công chứng nhưng không gây khó khăn, bảo đảm tốt nhất lợi ích của người dân theo hướng quy định có tối thiểu bao nhiêu tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn cấp huyện thì được phép chuyển giao thẩm quyền chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Lê Xuân Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa bày tỏ tán thành với việc bắt buộc phải học nghề công chứng đối với các đối tượng đang được cho miễn theo luật hiện hành. Đại biểu cho rằng, công chứng là một nghề đòi hỏi chuyên môn đặc thù, người làm nghề phải thẩm định tính hợp pháp, tính có căn cứ của tài liệu công chứng, chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đại biểu Lê Xuân Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa tham gia ý kiến

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng nên cho phép lập văn phòng công chứng có một công chứng viên, dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân. Theo đại biểu, trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, doanh nghiệp và người dân có nhu cầu công chứng các nội dung giao dịch, nên việc cho phép lập văn phòng công chứng có một công chứng viên sẽ giúp đáp ứng được nhu cầu bức thiết và chính đáng của xã hội. Hiện nay, Nhà nước đã bỏ các quy hoạch phòng công chứng, thực hiện chuyển đổi theo hướng chấp nhận cơ chế thị trường đối với ngành công chứng, xác định công chứng là một loại hình phục vụ cho các giao dịch dân sự của một đất nước đang trên đà phát triển kinh tế, do vậy việc cho phép lập văn phòng công chứng có một công chứng viên là cần thiết./.

Hồ Hương - Phạm Thắng

Các bài viết khác