THẢO LUẬN TỔ 12: CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA CẦN TRÁNH TRÙNG LẶP, CHỒNG CHÉO VỚI CÁC ĐỀ ÁN KHÁC

08/06/2024

Đóng góp ý kiến vào chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, các ĐBQH Tổ 12 cho rằng, Chương trình cần có tính kế thừa nhưng không trùng lặp, chồng chéo với chương trình, đề án đã được phê duyệt và đang triển khai. Ngoài ra, cần phân công rõ trách nhiệm của cơ quan theo hướng tinh gọn về đầu mối, tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm hiệu quả trong công tác quản lý...

THẢO LUẬN TỔ 12: CẦN ƯU TIÊN BỐ TRÍ NGÂN SÁCH HÀNG NĂM CHO CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG MUA BÁN NGƯỜI

CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA GIAI ĐOẠN 2025 - 2035 GÓP PHẦN ĐƯA VĂN HÓA TRỞ THÀNH NỀN TẢNG TINH THẦN VỮNG CHẮC CỦA XÃ HỘI

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày 8/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ. Thảo luận tại Tổ 12 gồm các Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Ninh Thuận. Đóng góp ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, đa số các ĐBQH đều cho rằng, việc đầu tư xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035 là rất cần thiết.

Các ĐBQH tại Tổ 12 tham gia Phiên thảo luận

Chương trình nhằm cụ thể hoá định hướng “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Chương trình cũng góp phần tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa”, phấn đấu hoàn thành một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã đặt ra: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”.

Cho góp ý kiến vào chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nêu quan điểm: Chương trình có đối tượng, phạm vi rộng với nhiều nội dung khó, có nhiều cách tiếp cận khác nhau. Để tránh chồng chéo, trùng lặp về mục tiêu, đối tượng thụ hưởng, nội dung, nguồn vốn thực hiện, bảo đảm tính khả thi, đại biểu cho rằng, cần làm rõ và thống nhất quan điểm, nguyên tắc xây dựng Chương trình.

Chương trình mục tiêu quốc gia là chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ, dự án quan trọng, cấp bách về phát triển văn hóa, không thay thế toàn bộ các nhiệm vụ thường xuyên của Nhà nước về phát triển văn hoá. Bên cạnh đó là phân định rõ các nội dung, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước đầu tư phát triển văn hóa trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, chi thường xuyên và nội dung, nhiệm vụ chi của Chương trình. Đánh giá toàn diện về hiệu quả đầu tư của ngân sách nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa trong tương quan với đầu tư của toàn xã hội để xác định các nội dung cần tập trung đầu tư từ Chương trình.

Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình cần phải được xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, làm rõ các nội dung cần ưu tiên thực hiện trước, nhằm tạo ra các đột phá trong phát triển văn hóa, trong đó chú ý các nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong bảo tồn, phát triển văn hóa, phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; các nhiệm vụ mà Nhà nước cần đầu tư để dẫn dắt, định hướng, chi phối, tạo ra nền tảng để thu hút toàn xã hội tham gia phát triển văn hóa; nhiệm vụ về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số… trong lĩnh vực văn hóa; hỗ trợ các khu vực có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cũng cho rằng, cần đánh giá đầy đủ, toàn diện, chính xác thực trạng, nhu cầu để có cơ sở xác định chính xác mục tiêu, nhiệm vụ đầu tư; tính toán khả năng, mức độ đáp ứng của các nguồn vốn; tính khả thi, hiệu quả của các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, sản phẩm của Chương trình. Chương trình cần có tính kế thừa nhưng không trùng lặp, chồng chéo với chương trình, đề án đã được phê duyệt và đang triển khai. Ngoài ra, cần phân công rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, các cơ quan phối hợp theo hướng tinh gọn về đầu mối, tăng cường phân cấp, phân quyền, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý và thuận lợi trong triển khai thực hiện.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên

Đề cập về đối tượng thụ hưởng, địa điểm và quy mô của Chương trình, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên cho rằng, trong Tờ trình của Chính phủ liệt kê 7 nhóm đối tượng thụ hưởng bao gồm cả các nhóm đối tượng là cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài. Về địa điểm, phạm vi, Chương trình được thực hiện trên phạm vi cả nước và tại một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài, tương tác văn hóa lâu dài với Việt Nam và có đông đảo người Việt Nam sinh sống, lao động, học tập. Về quy mô, Chương trình sẽ bao gồm cả một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 9, Điều 4 Luật Đầu tư công thì Chương trình mục tiêu quốc gia là chương trình đầu tư công nhằm thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội của từng giai đoạn cụ thể trong phạm vi cả nước. Đối với các dự án đầu tư công tại nước ngoài thì pháp luật cũng đã có quy định đầy đủ về nguyên tắc, trình tự, thủ tục cũng như là các quy định về chủ trương đầu tư.

Do đó, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị, phải nghiên cứu và rà soát kỹ lưỡng lại, đảm bảo tuân thủ của pháp luật đầu tư trong việc đề xuất đưa vào chương trình, phạm vi các nội dung liên quan đến đầu tư tại nước ngoài. Theo đó, nên tách những dự án đầu tư ở nước ngoài và sẽ xin phê duyệt riêng tùy theo quy mô và thẩm quyền.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình 

Nêu quan điểm về Chương trình, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng, chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 là cần thiết nhưng các điều khoản trong Chương trình cần có sự đồng bộ với các dự án luật khác, tránh trùng lặp về nội dung, phạm vi, đối tượng thụ hưởng.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà, sự đầu tư về các thiết chế văn hóa cũng là rất  cần thiết, nhưng trong tổng thể Chương trình còn đang rất mờ nhạt, thậm chí là chưa có bóng dáng của cộng đồng, Nhân dân và của các phong trào, thiết chế văn hóa cơ sở. Ngoài ra, nguồn vốn để thực hiện Chương trình nên được huy động từ doanh nghiệp hay người dân thì Ban soạn thảo chủ trương đầu tư Chương trình cần làm rõ hơn về những nội dung này.

Trong khuôn khổ phiên thảo luận, các ĐBQH tại Tổ 12 còn đóng góp ý kiến vào các nhiệm vụ cụ thể, cơ chế, giải pháp; triển khai các nội dung thành phần của Chương trình; phạm vi quy mô, thời gian để thực hiện Chương trình sao cho đúng tiến độ và hiệu quả nhất.../.

Bích Lan

Các bài viết khác