THẢO LUẬN TỔ 3: CẦN ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG ĐẦY ĐỦ HƠN VỚI CÁC CHÍNH SÁCH MỚI TRONG DỰ ÁN LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN

08/06/2024

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 8/6, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Đa số ý kiến tại Tổ 3 tán thành sự cần thiết ban hành Luật này nhằm thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, đồng thời đề nghị đánh giá tác động đầy đủ hơn với các chính sách mới trong dự án Luật này. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 3.

THẢO LUẬN TỔ 3: CẦN CÓ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ MẠNH MẼ HƠN NỮA CHO THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG PHÁT TRIỂN

THẢO LUẬN TỔ 3: SỚM THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC CỦA CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KT-XH VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 3

Tổ 3 bao gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Bắc Kạn, Nghệ An và Quảng Ngãi. Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý, Tổ trưởng Tổ 3 điều hành nội dung thảo luận.

Qua thảo luận, đa số ý kiến tại Tổ 3 tán thành sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên (NCTN) và đánh giá cao quá trình chuẩn bị hồ sơ của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC). Dự thảo Luật đã thể chế hóa đầy đủ và bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng liên quan đến trẻ em; cơ bản phù hợp với nhiều quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan và tương thích với Công ước quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, các đại biểu đề nghị TANDTC tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các luật có liên quan để đề xuất sửa đổi, bổ sung ngay trong dự thảo Luật. Đồng thời, đánh giá tác động đầy đủ hơn đối với một số chính sách mới, phát sinh điều kiện bảo đảm thực hiện.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến (bên trái ảnh) và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương tham dự Phiên thảo luận tại Tổ 3 (bên phải ảnh)

Nhấn mạnh sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu nghiên cứu thêm từ gợi ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật này, đồng thời cần thảo luận cho thấu đáo để đảm bảo tính khả thi, “dù muộn nhưng còn hơn không” và dứt khoát phải làm.

Cho rằng đây là Luật khó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận thấy, khái niệm “tư pháp của người chưa thành niên” (NCTN) rất rộng, do đó cần xác định phạm vi điều chỉnh cho đúng, trúng, sát với tình hình hiện nay về hình sự, từ phạm vi đó mới xác định các nội dung quy định trong Luật cho phù hợp. Và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cần đánh giá tác động kỹ hơn với các chính sách mới, trong đó có kinh phí thực hiện giám sát điện tử; xây dựng trại giam riêng ở 3 vùng trung tâm trên cả nước, chi phí tuân thủ và chi phí tác động chính sách như thế nào? Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị khi thảo luận tại hội trường, Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ, bổ sung đánh giá kỹ tác động và một số chính sách mới trong Luật này. Đồng thời tiếp tục rà soát với các luật liên quan như Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Hình sự để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu thêm về hình phạt, thủ tục hình sự, đặc biệt là quy định xử lý chuyển hướng như ý kiến của Cơ quan soạn thảo là phải xử lý chuyển hướng sớm, theo hướng thân thiện, nhân văn và phải giải quyết mối quan hệ hài hòa với thực thi pháp luật nghiêm minh. Đồng thời rà soát kỹ về quy định thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; nhiệm vụ, quyền hạn của người làm công tác xã hội trong hoạt động tư pháp đối với NCTN.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu tại Phiên thảo luận tại Tổ 3

Liên quan đến biện pháp xử lý chuyển hướng, đặc biệt là biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị nội dung này cần quy định, lập luận chặt chẽ hơn. Đồng thời cần quy định rõ, cụ thể hơn để quy định xử lý chuyển hướng sớm với tinh thần giảm hình phạt tù, mở rộng hình thức phạt tiền sao cho phù hợp; quy định rõ hơn về thu hẹp các trường hợp tạm giam; về tách vấn đề vụ án hình sự cần cân nhắc kỹ lưỡng, lập luận chi tiết để đảm bảo tính khả thi; về Quỹ hỗ trợ tư pháp NCTN; rà soát kỹ hơn Cơ quan thường trực Hội đồng quốc gia về tư pháp NCTN…

Thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An cho rằng, đây là nội dung quan trọng, cấp thiết trong quá trình cải cách tư pháp ở Việt Nam, hoàn thiện thêm các quy định của người dưới 18 tuổi phạm tội không chỉ nhằm đáp ứng theo yêu cầu hội nhập theo xu hướng của luật pháp quốc tế mà còn nâng cao hiệu quả về phòng chống vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền con người của người dưới 18 tuổi.

Tại Điều 1 của dự thảo Luật, đại biểu Trần Nhật Minh đề nghị bổ sung cụm từ “hình sự” vào sau cụm từ “thi hành án” vì có thi hành án dân sự và thi hình án hình sự. Dự thảo Luật này chỉ điều chỉnh phạm vi trong lĩnh vực thi hành án hình sự. Và bổ sung thêm cụm từ “trong lĩnh vực hình sự” trong đoạn cuối của Điều này như sau: “Luật này quy định về xử lý chuyển hướng hình phạt đối với NCTN phạm tội, thủ tục tố tụng đối với NCTN là người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị buộc tội, bị hại, người làm chứng, thi hành án hình sự, tái hòa nhập cộng đồng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp NCTN, trong lĩnh vực hình sự”.

Tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật bao gồm cả hình phạt và tố tụng hình sự, đại biểu Trần Nhật Minh cho biết, có 2 loại ý kiến về nội dung này:

- Ý kiến thứ nhất: dự thảo Luật quy định về hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với NCTN.

- Ý kiến thứ hai: một số ý kiến đề nghị không quy định hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với NCTN trong dự thảo Luật mà chỉ đề nghị dự thảo Luật tập trung điều chỉnh vấn đề xử lý chuyển hướng NCTN phạm tội.

Đại biểu Trần Nhật Minh - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu Trần Nhật Minh tán thành với ý kiến thứ nhất như đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp là cần thiết điều chỉnh cả hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với NCTN. Vì đại biểu cho rằng, nếu ban hành Luật toàn diện về tư pháp NCTN mà không điều chỉnh hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự thì việc ban hành Luật không còn ý nghĩa. Trên thế giới không có nước nào ban hành Luật riêng xử lý chuyển hướng NCTN phạm tội. Trường hợp nếu như Luật này chỉ quy định việc xử lý chuyển hướng NCTN phạm tội như ý kiến thiểu số của Ủy ban Tư pháp thì NCTN là nạn nhân và nhân chứng sẽ không được hưởng bất cứ chính sách gì về Luật này. Do đó, đại biểu cho rằng, Luật này nên điều chỉnh cả hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với NCTN

Liên quan đến Hội đồng quốc gia về tư pháp NCTN được quy định tại Điều 26, Điều 27 của dự thảo Luật, đại biểu Trần Nhật Minh cho rằng, quy định như dự thảo Luật chưa phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật vì đây là hoạt động tư pháp hình sự, có tính chuyên ngành cao, đề nghị cần giao cho một cơ quan tư pháp thực hiện. dự thảo Luật nên quy định theo hướng: Thường trực của Hội đồng quốc gia về tư pháp NCTN là Bộ Công an thì phù hợp hơn với phạm vi điều chỉnh của Luật, cần một cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực này, còn quy định như dự thảo Luật là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì không phù hợp.

Là đầu mối của Cơ quan thẩm tra dự án Luật này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết, trước khi thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Tư pháp đã đi khảo sát 3/3 trường giáo dưỡng của cả nước. Qua xem xét thông tin về nhân thân của NCTN phạm tội, đại biểu nhận thấy, tỉ lệ NCTN phạm tội có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như mồ côi cha mẹ, bố mẹ ly hôn, bố mẹ ly thân, bố mẹ phạm tội và bố mẹ cờ bạc… chiếm tỉ lệ rất cao. “Riêng trường giáo dưỡng ở Đồng Nai - một trong 3 trường trên cả nước, cứ 100 NCTN phạm tội thì có 64 em rơi vào hoàn cảnh mồ côi hoặc bố mẹ phạm tội. Đây là điều đáng suy ngẫm, do đó hoàn cảnh gia đình chính là nguyên nhân xã hội trực tiếp dẫn đến các hành vi lầm lỡ của các em. Nếu chúng ta có sự thông cảm, chia sẻ thì chúng ta sẽ tìm ra hướng đi - biện pháp xử lý chuyển hướng để các em có điều kiện nhận ra sai lầm và phục hồi, như vậy sẽ tốt hơn. Đây là cách tiếp cận luật rất nhân văn”, đại biểu nêu rõ.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Cùng quan điểm với đại biểu Trần Nhật Minh tán thành phạm vi điều chỉnh của Luật này gồm cả hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự, đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tán thành ý kiến của cơ quan soạn thảo (Ủy ban Tư pháp) về điều chỉnh phạm vi như vậy. Các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát biểu cũng đều thống nhất nội dung này. Đại biểu cho rằng, Chỉ thị 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị đã yêu cầu “phát triển hệ thống tư pháp thân thiện và bảo vệ trẻ em”. Lần đầu tiên, Bộ Chính trị đã có rất nhiều nghị quyết về trẻ em trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục nói chung và lần đầu tiên quy định cụ thể đối với lĩnh vực “tư pháp thân thiện”.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy tán thành tên gọi của Luật là “Luật Tư pháp người chưa thành niên” như đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp vì phù hợp với Nghị quyết 89 ngày 2/6/2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật năm 2024 và phù hợp với thông lệ quốc tế các nước đều ban hành “Luật Tư pháp người chưa thành niên”.

Quan tâm đến 12 biện pháp xử lý chuyển hướng được quy định tại Điều 36 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Thủy tán thành với quy định này, tán thành tên gọi của 12 biện pháp và định nghĩa về nội hàm của từng biện pháp. Đồng thời tán thành việc phân biệt rõ các biện pháp được áp dụng độc lập và các biện pháp chỉ được áp dụng đồng thời với các biện pháp khác là phù hợp. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đồng tình với việc mở rộng các trường hợp NCTN được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng để phù hợp với việc chuyển biện pháp tư pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng thành biện pháp xử lý chuyển hướng.

Tán thành với dự thảo Luật và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về việc chuyển biện pháp tư pháp “giáo dục tại trường giáo dưỡng” quy định tại Điều 96 của Bộ luật Hình sự hiện hành thành biện pháp xử lý chuyển hướng. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho rằng, quy định như dự thảo Luật sẽ sớm kết thúc việc truy cứu trách nhiệm hình sự với NCTN để nhanh chóng được áp dụng xử lý chuyển hướng ngay từ giai đoạn điều tra, thay vì phải kết thúc giai đoạn xét xử sơ thẩm mới có thể được xem xét áp dụng đưa vào Trường giáo dưỡng như hiện nay. Đồng thời rút ngắn đáng kể thời gian tạm giam NCTN thay vì có thể bị tạm giam đến khi xét xử sơ thẩm xong như hiện nay, cũng như đáp ứng yêu cầu tại Điều 40 của Công ước quốc tế về quyền trẻ em.

Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận tại Tổ 3:

Quang cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 3

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi tán thành với việc ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tán thành tên gọi của Luật là “Luật Tư pháp người chưa thành niên” như đa số ý kiến của Ủy ban Tư pháp vì phù hợp với Nghị quyết 89 ngày 2/6/2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật năm 2024 và phù hợp với thông lệ quốc tế các nước đều ban hành “Luật Tư pháp người chưa thành niên”

Đại biểu Hoàng Duy Chinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Đại biểu Trần Đức Thuận - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi

Đại biểu Phạm Phú Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi góp ý vào dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác