THẢO LUẬN TỔ 1: ĐẢM BẢO TỐT NHẤT QUYỀN CỦA NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN TRONG TỐ TỤNG

08/06/2024

Sáng 8/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, các vị ĐBQH Tp. Hà Nội (Tổ 1) tán thành sự cần thiết xây dựng và ban hành một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên. Đây là bước tiến mới trong công tác tư pháp nhằm bảo đảm tốt nhất quyền của người chưa thành niên.

THẢO LUẬN TỔ 1: ĐẨY MẠNH CẢI CÁCH THỂ CHẾ, THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TẠO THUẬN LỢI CHO HOẠT ĐỘNG CỦA DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI DÂN

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 1 - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội 

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, gồm 173 điều được bố cục thành 05 phần, 11 chương. Dự luật điều chỉnh trong lĩnh vực tư pháp hình sự, gồm: Nguyên tắc cơ bản của tư pháp người chưa thành niên; Quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội; Hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt; Thủ tục tố tụng thân thiện; Thi hành án và tái hòa nhập cộng đồng; Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp người chưa thành niên.

Góp ý vào dự án luật, các đại biểu tán thành sự cần thiết, đồng thời đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng cũng như tính nhân văn của dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Hồ sơ Dự án Luật được chuẩn bị công phu trên cơ sở khảo sát, tổng kết thực tiễn, tổ chức hội thảo khoa học đánh giá tác động cũng như nghiên cứu kỹ lưỡng các quy định pháp luật quốc tế liên quan...

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội, đây là dự án Luật hết sức cần thiết, khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành. Cấu trúc của dự án Luật thể hiện tính nhân văn cao, vừa bảo đảm tính nghiêm khắc trong các hình phạt vừa tạo điều kiện để người chưa thành niên được hoàn lương, cơ cơ hội sửa chữa lỗi lầm.

Các vị đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội tại Phiên thảo luận 

Nêu quan điểm, đại biểu Quốc hội Lê Quân – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đưa ra nhận định, dự án Luật là bước tiến mới trong công tác tư pháp nhằm bảo đảm quyền của người chưa thành niên. Theo đại biểu, cần đối chiếu và mạnh dạn áp dụng quy định theo các thông lệ quốc tế liên quan đến người chưa thành niên.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng, việc áp dụng các quy định mới có thể phát sinh thêm công việc, chi phí, thủ tục, đầu tư và cả nhân lực…, nhưng những phát sinh này có thể được giải quyết trong bối cảnh hiện nay đang có chuyển biến mạnh mẽ trong đầu tư về cơ sở vật chất, xây dựng toà án điện tử. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý, phải có quy trình tố tụng riêng cho người chưa thành niên.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Góp ý cụ thể vào quy định tại dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Hữu Chính – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội cho rằng, nếu chỉ áp dụng biện pháp hình sự sẽ chưa cá thể hóa được, cũng như nắm rõ hết được tâm lý của 1 số bị cáo là người chưa thanh niên. Vì vậy, đại biểu tán thành việc áp dụng 12 biên pháp xử lý chuyển hướng, đảm bảo phù hợp với người chưa thành niên phạm tội, phù hợp với xu thế của thế giới và thực tiễn cải cách tư pháp của Việt Nam. 

Quan tâm tới quy định về biện pháp ngăn chặn, đại biểu Bùi Huyền Mai – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội tán thành dự thảo Luật bổ sung 2 hình thức khác biệt so với hiện nay là: Giám sát điện tử và giám sát tại nhà. Theo đại biểu việc bổ sung như dự luật là cần thiết, nhằm hạn chế áp dụng biện pháp tạm giam. Tuy nhiên, các quy định tại Điều 131 chưa có hướng dẫn cụ thể về hai hình thức giám sát nêu trên, vì vậy đại biểu cũng đề nghị, cần bổ sung quy định giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết thực hiện các hoạt động giám sát.

Đại biểu Bùi Huyền Mai – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Cũng tại phiên thảo luận Tổ, Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội còn góp ý dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Theo đó, các đại biểu tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người, đồng thời nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung là yêu cầu cấp thiết, khách quan nhằm hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người trong thời gian tới; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Ngoài ra, các đại biểu cũng góp ý vào nhiều nội dung cụ thể liên quan tới: Giải thích từ ngữ; chính sách của Nhà nước về phòng, chống mua bán người; về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống mua bán người; các biện pháp phòng ngừa mua bán người; quy định về nạn nhân, tiếp nhận, xác định nạn nhân;….

Qua thảo luận, một số ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; đồng thời làm rõ thêm tính khả thi của quy định bảo vệ, hỗ trợ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người;…./.

***Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận Tổ 1:

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 1 - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội 

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Tp. Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai điều hành phiên thảo luận

Các vị đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội tham dự Phiên thảo luận

Đại biểu Bùi Huyền Mai - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội 

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Đại biểu Nguyễn Hải Trung - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách Tp. Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu kết thúc Phiên thảo luận

Lê Anh - Khắc Phục - Nghĩa Đức

Các bài viết khác