THẢO LUẬN TỔ 13: TẠO ĐIỀU KIỆN KẾT NỐI LIÊN VÙNG ĐỂ TÂY NGUYÊN PHÁT TRIỂN TỪ DỰ ÁN TRỌNG ĐIỂM
Đại biểu Dương Bình Phú – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên phát biểu tại phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế - xã hội
Phát biểu tại Tổ 09 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Trị, Phú Yên và Bến Tre, đại biểu Dương Bình Phú – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên nêu rõ, trong bối cảnh đất nước tiếp tục đối mặt với những khó khăn, thách thức kể từ ngoài thế giới và khu vực, biến động và khó lường với những hạn chế, khó khăn trong nội tại của nền kinh tế. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa và tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất và tiếp tục nỗ lực và phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế và Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ 13 đã đề ra.
Đại biểu nhấn mạnh, cần tiếp tục quan tâm thực hiện các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Theo đại biểu Dương Bình Phú, hiện nay, kinh tế số đang là xu hướng phát triển ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã chỉ rõ cần phải hoàn thiện pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển chuyển đổi số quốc gia và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế số mới dựa trên nền tảng công nghệ số, internet và cũng như là không gian mạng v.v.
Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng đã đưa ra những định hướng phát triển của đất nước trong giai đoạn 2021-2030. Trong đó nêu rõ, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội, ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chú trọng và phát triển hạ tầng thông tin viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
Các đại biểu tại phiên thảo luận tổ
Chính phủ cũng đã thể hiện rõ quan điểm và định hướng thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia thông qua các chiến lược, chính sách và các văn bản pháp luật trong thời gian qua như Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược quốc gia và phát triển kinh tế số, xã hội số v.v...đã được ban hành. Ban hành Bộ chỉ số công cụ đo lường kinh tế số nhằm đánh giá hoạt động kinh tế số của Việt Nam. Nhờ đó mà trong giai đoạn 2020 – 2023, kinh tế số đã có những bước phát triển mới và thể hiện vai trò cốt lõi trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam.
Năm 2021, Việt Nam có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến nằm trong nhóm ba quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất của khu vực Đông Nam Á. Năm 2023, tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam tiếp tục tăng nhanh nhất Đông Nam Á, đạt 19%. Trong năm 2023, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam năm 2023 đứng thứ 46, tăng 2 bậc so với năm 2022 và tiếp tục duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc phát triển kinh tế số của Việt Nam cũng có những khó khăn, hạn chế. Các vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách, hạ tầng, nguồn nhân lực vẫn còn là thách thức lớn đối với nền kinh tế số. Do đó, cần phải có giải pháp cơ bản để giải quyết những khó khăn và thúc đẩy phát triển kinh tế số của Việt Nam.
Phiên thảo luận Tổ 09 gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Trị, Phú Yên và Bến Tre
Từ những phân tích trên, đại biểu Dương Bình Phú đề nghị trong thời gian tới, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển kinh tế số; cần sửa đổi và bổ sung, hoàn thiện thể chế liên quan đến hoạt động khởi nghiệp, sáng tạo, đầu tư kinh doanh trong môi trường kinh tế số. Tiếp tục đẩy mạnh các gói chính sách hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách liên quan đến vốn và nguồn nhân lực.
Đồng thời cần phải có một chính sách hỗ trợ đối với các mô hình kinh doanh mới, thúc đẩy hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thương mại điện tử và công nghệ số; thúc đẩy các hoạt động thu hút đầu tư vốn trong hoạt động nghiên cứu phát triển trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và công nghệ số. Tiếp tục rà soát, bổ sung các tiêu chí phù hợp với thực tế ở Việt Nam và cách đo lường trên thế giới nhằm thống nhất cách đánh giá về kết quả hoạt động kinh tế số.
Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chuyển đổi số, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm nhằm để kết nối, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, phổ biến kiến thức đến các địa phương, doanh nghiệp và người dân.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận Tổ
Cùng với đó, phát triển hạ tầng số, nâng cấp mạng 4G và đẩy mạnh tiến độ phát triển mạng 5G và thúc đẩy nhanh tỷ lệ sử dụng giao thức Internet tới hệ IPv6 , đảm bảo doanh nghiệp, người dân tiếp cận với Internet tốc độ cao; thúc đẩy các doanh nghiệp phổ cập điện toán đám mây, thúc đẩy giải ngân các dự án đầu tư phát triển hạ tầng số, hướng tới phát triển hạ tầng đồng bộ , đảm bảo kết nối Internet, lưu trữ và xử lý dữ liệu cũng như bảo đảm an toàn, an ninh và thông tin trong môi trường số, thúc đẩy phát triển hạ tầng phục vụ cho hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là hệ thống thanh toán điện tử.
Thúc đẩy đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số, thúc đẩy hỗ trợ hình thức hợp tác đào tạo giữa các nhà trường, viện nghiên cứu và các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong đào tạo nhân lực chuyển đổi số. Hỗ trợ sinh viên thực tập và làm việc thực tế ở các doanh nghiệp liên quan đến hoạt động chuyển đổi số. Khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân thực hiện triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn về chuyển đổi số, kỹ năng số cho người lao động. Đầu tư phát triển nguồn nhân lực chuyên trách về an toàn thông tin và đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật nghề nghiệp về an toàn thông tin; đồng thời có một chính sách thu hút và giữ chân nhân lực có chất lượng cao liên quan đến an toàn thông tin; xây dựng mạng lưới kết nối chuyên gia, nhà khoa học nhằm để thúc đẩy gắn kết nghiên cứu, chia sẻ trí thức về hoạt động chuyển đổi số.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương
Cùng vấn đề quan tâm, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Phạm Đại Dương cho rằng kinh tế chia sẻ, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn kinh tế xanh là những bước cần thiết để đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, cần phải có những định hướng cụ thể, có những cơ chế chính sách mà thực sự đi được xuống cơ sở.
Theo Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, vấn đề này được nói nhiều ở Trung ương nhưng đi xuống cơ sở thì không phải địa phương nào cũng làm được. Để địa phương làm được đòi hỏi tư duy và sự quyết liệt của người đứng đầu, của hệ thống chính trị; đồng thời phải có sự hướng dẫn, cụ thể hóa về thể chế; có nguồn lực đầu tư.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn lực đầu tư, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên dẫn chứng, vừa qua các địa phương đánh giá chỉ số ICT. Tuy nhiên chỉ số ICT chỉ một phần là ứng dụng công nghệ thông tin, cũng chỉ là một phần của kinh tế số. Nếu tỉnh nào, địa phương nào đầu tư nhiều thì chỉ số ICT cao. Nếu tỉnh không có nguồn đầu tư công cho lĩnh vực này hoặc khó khăn về mặt kinh tế, về nguồn vốn thì chỉ số sẽ không cao. Do đó, ý chí của người đứng đầu, những hướng dẫn cụ thể liên quan đến văn bản pháp luật và nguồn lực đầu tư sẽ góp một phần cho kinh tế số.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra là đến năm 2025, kinh tế số đạt tỉ trọng 20% GDP, đến năm 2030 kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP cần phải có những đột phá về mặt thể chế, đột phá về mặt nguồn lực để thực hiện. Vì vậy, Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm có những định hướng về vấn đề này.
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên ghi nhận Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư số 13/2021/TT-BKHĐT quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương căn cứ triển khai thực hiện. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng đã vào cuộc rất quyết liệt. Ngay từ đầu nhiệm kỳ đã tập trung làm quy hoạch, quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng... Đây là những nền móng quan trọng cho các địa phương.
Tuy nhiên, trên thực tế để thực sự triển khai phát triển kinh tế số ở các địa phương còn có những khó khăn. Đại biểu mong muốn, thời gian tới, Chính phủ có những đột phá bằng những cơ chế, chính sách cụ thể và nguồn lực để giúp cho các địa phương duy trì ổn định và tạo sự phát triển, đột phá.
Một số hình ảnh tại phiên thảo luận Tổ:
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Đặng Xuân Phương phát biểu
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ.