Chiều 24/5, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.Thảo luận ở Tổ 2 gồm các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh. Đa số các ĐBQH thống nhất cho rằng, Luật Cảnh vệ được ban hành đã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; bảo đảm xây dựng lực lượng Cảnh vệ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và hiện đại; đồng thời, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về tổ chức, hoạt động của lực lượng Cảnh vệ, tạo thuận lợi cho mối quan hệ phối hợp giữa các lực lượng, góp phần bảo vệ an toàn tuyệt đối đối tượng cảnh vệ.
Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 2 chiều 24/5
Việc ban hành Luật Cảnh vệ là một bước quan trọng trong quá trình tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về lĩnh vực bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các luật khác có liên quan như: Luật An ninh quốc gia, Luật Công an nhân dân, Luật Quốc phòng, Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản... và phù hợp với luật pháp quốc tế liên quan đến công tác cảnh vệ.
Luật Cảnh vệ là cơ sở pháp lý quan trọng quy định về tổ chức, hoạt động của lực lượng Cảnh vệ và trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành trong thực hiện công tác cảnh vệ, đồng thời giúp cho việc trang bị cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật của lực lượng Cảnh vệ được quan tâm đầu tư, nâng cấp hiện đại, đồng bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Hợp tác quốc tế về lĩnh vực công tác cảnh vệ được đẩy mạnh, tạo điều kiện thuận lợi trong phối hợp triển khai bảo vệ đối tượng cảnh vệ cả trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, các ĐBQH cũng cho rằng, qua quá trình triển khai thi hành Luật Cảnh vệ năm 2017 đã xuất hiện một số vướng mắc, bất cập cần phải được xem xét sửa đổi, bổ sung, tập trung ở các nhóm vấn đề: Đối tượng cảnh vệ; chế độ, biện pháp cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Cảnh vệ.
Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh tham gia Phiên họp Tổ
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm tiếp tục cụ thể hóa quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; khắc phục những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn công tác cảnh vệ thời gian qua, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác cảnh vệ trong tình hình mới. Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng tán thành bổ sung đối tượng cảnh vệ tại điểm e khoản 1 là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để phù hợp với Kết luận số 35-KL/TW về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
Để góp phần hoàn thiện dự án Luật, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng cho ý kiến về tổ chức lực lượng Cảnh vệ (khoản 10 Điều 1 của dự thảo Luật). Đại biểu dẫn chứng khoản 1 Điều 16 của Luật Cảnh vệ năm 2017 quy định: Lực lượng Cảnh vệ được tổ chức tại Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, bao gồm: Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thuộc Bộ Công an; Cán bộ, chiến sĩ cảnh vệ của Cục Bảo vệ an ninh Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng. Với quy định này, hiện nay lực lượng Cảnh vệ đang được tổ chức tại Bộ Công an (ở Trung ương), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định tổ chức, biên chế, chức danh, trang bị của lực lượng Cảnh vệ.
Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Minh Hoàng dự thảo Luật sửa đổi lần này dự kiến quy định chung là “Lực lượng Cảnh vệ, gồm: Lực lượng Cảnh vệ Công an nhân dân và lực lượng Cảnh vệ Quân đội nhân dân”. Tờ trình của Chính phủ cũng chưa làm rõ được quy định như trên có dẫn tới việc sẽ mở rộng lực lượng Cảnh vệ trên phạm vi toàn quốc hay không.
ĐBQH Nguyễn Minh Hoàng
Ngoài ra, qua tham khảo các luật về lực lượng khác đều có quy định về hệ thống tổ chức các lực lượng này, như lực lượng Cảnh sát cơ động (khoản 1 Điều 17 của Luật Cảnh sát cơ động). Hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động bao gồm: Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Cảnh sát cơ động Công an cấp tỉnh; Lực lượng Cảnh sát biển (khoản 1 Điều 26 của Luật Cảnh sát biển Việt Nam); Lực lượng Bộ đội Biên phòng (khoản 1 Điều 21 của Luật Biên phòng Việt Nam). Do đó, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình, thuyết minh làm rõ hơn việc không quy định về hệ thống tổ chức của lực lượng Cảnh vệ trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân như quy định của Luật hiện hành.
Đề cập về sự phối hợp giữa lực lượng Cảnh vệ với lực lượng Công an, Cảnh sát cơ động và các lực lượng khác ở địa phương, đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, sự phối hợp này nên được thực hiện chặt chẽ, có tính khoa học nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đặc biệt là trong việc bảo vệ các lãnh đạo, nguyên thủ quốc gia, chính khách và Nhân dân. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các lực lượng trên cũng nên được tăng cường trong việc tham gia bảo vệ ở những lễ hội, hội nghị có đông người tham gia.
Thực tiễn ở Việt Nam và các quốc gia trên thế giới cho thấy, công tác cảnh vệ là một nội dung quan trọng của công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào việc bảo đảm các điều kiện cho sự ổn định vững mạnh chế độ, chính trị, sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia. Vì vậy, công tác cảnh vệ đều được các quốc gia dành sự quan tâm đặc biệt, mà trước hết là tạo dựng cơ sở pháp lý đủ mạnh để tổ chức, tiến hành công tác cảnh vệ một cách hiệu quả.
ĐBQH, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Minh Đức
Liên quan đến đảm bảo chế độ chính sách, đãi ngộ, ưu đãi đối với lực lượng cảnh vệ, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm: Nhà nước ta luôn ưu tiên xây dựng lực lượng Cảnh vệ cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Ưu tiên bảo đảm phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, kinh phí, khoa học và công nghệ; trang bị vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật đáp ứng yêu cầu công tác cảnh vệ. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đặt ra yêu cầu cần có chính sách quy định đặc thù để đẩy mạnh xây dựng lực lượng Cảnh vệ. Do đó cần thiết giao Chính phủ quy định chi tiết để thực hiện hiệu quả trên thực tế.
Trong khuôn khổ Phiên thảo luận, các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh còn đóng góp ý kiến vào dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi). Theo đó, đa số các ĐBQH nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật này để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy tờ không cần thiết nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân; tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về lĩnh vực này; đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thi hành, áp dụng Luật thời gian qua.
Các ĐBQH cũng đề nghị Quốc hội cân nhắc, xem xét sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự để giải quyết triệt để những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý vũ khí hiện nay, vì theo Tờ trình và báo cáo tổng kết thi hành Luật thì những vướng mắc chủ yếu là việc xử lý hình sự các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng các loại vũ khí tự chế, các loại dao có tính sát thương cao và một số loại công cụ nguy hiểm khác.
** Một số hình ảnh tại Phiên thảo luận:
Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 2 chiều 24/4 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ
Các ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh tham gia Phiên họp Tổ
ĐBQH Trần Hoàng Ngân đóng góp ý kiến về chế độ chính sách, đãi ngộ đối với lực lượng cảnh vệ
ĐBQH Nguyễn Thanh Sang
ĐBQH Dương Văn Thăng
ĐBQH Đỗ Đức Hiển