BẮC GIANG: NHỮNG MỤC TIÊU ĐỀ RA ĐỀU ĐẠT KẾT QUẢ TÍCH CỰC SAU 02 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 43/2022/QH15
ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC GIANG ĐỀ RA 4 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM TRONG NĂM 2024
Thực hiện Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH15 ngày 02/8/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023; Kế hoạch số 623/KH-ĐGS ngày 21/9/2023 của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức giám sát trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Theo đó, Đoàn giám sát đã xây dựng, triển khai Kế hoạch giám sát tại 06 đơn vị.
Đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn nhấn mạnh, trong giai đoạn 2018-2023, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Bắc Giang đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo, điều hành và ban hành nhiều văn bản nhằm thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật về sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) trên địa bàn tỉnh Bắc Giang; đồng thời đã thực hiện nghiêm túc công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan, nhất là Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Trung ương về “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL”; Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW; Nghị định số 55/2012/NĐ-CP ngày 28/6/2012 nay là Nghị định số 120/2020-CP ngày 17/10/2020 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức lại, giải thể ĐVSNCL.
Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023 tại Sở Y tế tỉnh.
Đề cập về kết quả sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn cho biết, tổng số ĐVSNCL trước khi sắp xếp tại thời điểm ngày 01/01/2018 là 1028 đơn vị. Tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng số ĐVSNCL thuộc các cấp, ngành và địa phương thuộc tỉnh quản lý là 872, giảm 156 đơn vị (tỷ lệ giảm là 15,18%, vượt kế hoạch đề ra 10%). Nhìn chung, việc sắp xếp lại các ĐVSNCL bảo đảm nghiêm túc, kịp thời, đúng chủ trương và thời gian theo Nghị quyết số 19-NQ/TW của Trung ương, Nghị định số 55/2012/NĐ-CP của Chính phủ nay là Nghị định số 120/2020/CP của Chính phủ, Kế hoạch của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Sau khi sắp xếp, tỉnh đã chỉ đạo nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy, nhân sự của các đơn vị; đảm bảo kịp thời hoạt động theo mô hình mới. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị cũng đã cơ bản được bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế, bảo đảm rõ ràng, tránh chồng chéo, trùng lắp, theo đúng các tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Quyết định số 16/2021/QĐ-UBND ngày 18/5/2021 ban hành quy định quản lý tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 50/2021/QĐ-UBND ngày 26/10/2021 quy định một số nội dung về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý tổ chức, số lượng người làm việc, viên chức, người lao động ở các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh đã đẩy mạnh việc phân cấp, ủy quyền về tổ chức bộ máy, nhân sự, về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị; từ đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả, tạo sự chủ động đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quản lý nhà nước đối với các ĐVSNCL.
Về kết quả sắp xếp, tinh giản biên chế, cán bộ lãnh đạo quản lý và quản lý biên chế: Cùng với việc sắp xếp tổ chức, bộ máy, UBND tỉnh đã chỉ đạo sắp xếp, tinh giản biên chế và cán bộ lãnh đạo, quản lý của các ĐVSNCL trên địa bàn đạt kết quả tích cực. Số biên chế đã cắt giảm do sắp xếp tổ chức, bộ máy và thực hiện tinh giản biên chế, giai đoạn 2015-2021 là 3.690 người (đạt tỷ lệ giảm 10,10%). Tính riêng từ 01/01/2018 đến 31/12/2023, toàn tỉnh đã thực hiện giảm được 1.017 biên chế sự nghiệp; giai đoạn 2015-2023 giảm được 406 lãnh đạo cấp phó của các ĐVSNCL (số cấp phó dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập đến nay là 24 người). Đến ngày 31/12/2023, tổng biên chế sự nghiệp trên địa bàn tỉnh là 32.215 chỉ tiêu; trong đó, số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước là 31.907 người, giảm 4165 chỉ tiêu, số người hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị tăng 288 người so với năm 2015.
Để thực hiện tốt việc quản lý và sử dụng biên chế, tỉnh đã quan tâm đổi mới cơ chế xác định và giao biên chế theo hướng quản lý, giám sát chặt chẽ biên chế của các ĐVSNCL do ngân sách nhà nước bảo đảm một phần chi thường xuyên, phân loại viên chức theo vị trí việc làm và sắp xếp, bố trí lại cơ cấu viên chức; đổi mới cơ chế, phương thức tuyển dụng và sử dụng, quản lý viên chức, đào tạo lại viên chức và người lao động dôi dư do sáp nhập, giải thể…
Về kết quả sắp xếp, quản lý, sử dụng cơ sở vật chất của các ĐVSNCL: Cùng với việc sắp xếp tổ chức, bộ máy các ĐVSNCL, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, kiểm kê, xây dựng, phê duyệt phương án sắp xếp lại cơ sở vật chất đối với các ĐVSNCL. Sau khi được bàn giao cơ sở vật chất các ĐVSNCL đã đưa vào sử dụng, quản lý; đồng thời có bố trí sắp xếp, sửa chữa, cải tạo mới để phục vụ các hoạt động theo quy định.
Về kết quả giao quyền tự chủ, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL: Trong giai đoạn 2018-2023, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo về đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, gắn với việc sắp xếp tổ chức, bộ máy các ĐVSNCL trên địa bàn như: Nâng cao chất lượng quản trị tài chính, tài sản công của các đơn vị; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng bộ phận, cá nhân, người đứng đầu; bảo đảm công khai, minh bạch hoạt động tài chính của các đơn vị; xây dựng và hoàn thiện các danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước; đổi mới cơ chế phân bổ nguồn lực, quản lý, cấp phát NSNN; đổi mới cơ chế tài chính chuyển ngân sách nhà nước từ hỗ trợ cho ĐVSNCL sang hỗ trợ trực tiếp cho một số đối tượng; chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ sự nghiệp công; đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho các ĐVSNCL…
Do vậy, sau sắp xếp lại tổ chức, bộ máy, các ĐVSNCL đã từng bước có sự đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, nhất là thực hiện trách nhiệm tự chủ về tài chính. Đến 31/12/2023, đã có 49/872 ĐVSNCL của tỉnh đã được giao tự chủ chi thường xuyên, đạt tỷ lệ 5,62%; 130/872 đơn vị được giao tự chủ một phần chi thường xuyên, đạt tỷ lệ 14,91%. Tỷ lệ đơn vị thực hiện tự chủ (gồm cả được giao tự chủ một phần chi thường xuyên) trên một số lĩnh vực khá cao như: Y tế, giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, các Ban Quản lý dự án mức giao tự chủ tài chính bình quân 215,1%, đạt mức cao so với mức bình quân của các ĐVSNCL cấp tỉnh. Qua đổi mới hệ thống tổ chức và giao quyền tự chủ cho các ĐVSNCL, tính đến hết năm 2023, đã giảm chi thường xuyên cho ngân sách nhà nước 540,1 tỷ đồng. Tỷ lệ giảm chi thường xuyên ngân sách Nhà nước so với năm 2015 là 15,2% (vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 10%).
Đánh giá chung về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn nhận định: Trong giai đoạn 2018 - 2023 cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập theo các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã kịp thời phổ biến, tuyên truyền, ban hành nhiều văn bản để triển khai thực hiện kế hoạch sắp xếp các ĐVSNCL đạt kết quả tốt, cơ bản các chỉ tiêu đều đạt và vượt các mục tiêu đề ra. Tổ chức, bộ máy của các ĐVSNCL đã được rà soát, bố trí, sắp xếp lại tinh gọn, giảm đầu mối; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu, tổ chức, biên chế đã được xác định rõ; bước đầu khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Năng lực, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL được nâng lên. Cơ sở vật chất, trụ sở làm việc, trang thiết bị đã được quan tâm đầu tư mua sắm, nâng cấp, hiện đại hoá, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công.
Một số đề nghị, đề xuất nhằm tiếp tục nâng cao hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập
Để thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Trần Văn Tuấn đưa ra một số đề nghị với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và các Bộ ngành, đơn vị hữu quan.
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Trần Văn Tuấn.
Đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề nghị Quốc hội xem xét, nghiên cứu ban hành Luật về tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Thú y, Luật Bảo vệ thực vật cho thống nhất về hệ thống tổ chức của cơ quan quản lý, đơn vị sự nghiệp công lập (Ví dụ: Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp thuộc UBND cấp huyện) cho phù hợp với mô hình mới sắp xếp như hiện nay.
Sớm sửa đổi, ban hành Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và các luật có liên quan, khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động của các ĐVSNCL trên lĩnh vực y tế hiện nay. Trong đó, cần sớm nghiên cứu, xem xét sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế để khắc phục khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khám, chữa bệnh tại các đơn vị sự nghiệp có sử dụng quỹ Bảo hiểm y tế, cụ thể:
Đề nghị sửa đổi Khoản 1, Điều 26 quy định: “Người tham gia bảo hiểm y tế có quyền đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện hoặc tương đương. Đối với một số danh mục bệnh do Bộ Y tế quy định thì người tham gia bảo hiểm y tế có thể đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại tuyến tỉnh”. Do một số bệnh mãn tính trong phân tuyến điều trị phải được điều trị ở tỉnh nên người bệnh mất thời gian chuyển tuyến mỗi khi đi khám trong khi đã thông tuyến nội trú.
Đề nghị sửa đổi Khoản 1, Điều 28 quy định: “Người tham gia bảo hiểm y tế khi đi khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ BHYT có dán ảnh hoặc căn cước công dân; trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình thêm một giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan tổ chức có thẩm quyền cấp” để phù hợp với các văn bản hướng dẫn sử dụng căn cước thay thế thẻ BHYT.
Đề nghị sửa đổi Khoản 4, Điều 40 quy định: “Từ chối thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT nếu cơ sở không thực hiện đúng các quy định hiện hành do nguyên nhân chủ quan của cơ sở khám chữa bệnh”. Do hiện nay, có nhiều lỗi khách quan, nhất là lỗi dữ liệu nhầm lẫn mã chỉ số, mã số, thông tin hành chính... nhưng đã bị trừ toàn bộ cả chi phí hồ sơ bệnh án. Trong khi đó Thông tư số 48/2017/TT-BYT ngày 20/12/2017 của Bộ Y tế cũng đã quy định các trường hợp và thời gian trong việc hiệu chỉnh số liệu khi được thông báo.
Đề nghị bổ sung Điều 40 quy định: “Quyền của tổ chức bảo hiểm y tế” như sau: “Tổ chức BHYT có quyền xem xét, đánh giá nhu cầu khám chữa bệnh (KCB) BHYT thực tế trên địa bàn để kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét việc ký hoặc không ký hợp đồng KCB BHYT với các cơ sở KCB mới. Tổ chức BHYT có quyền tạm dừng hợp đồng KCB BHYT đã ký trong khi chờ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét đối với hành vi vi phạm Hợp đồng KCB BHYT hoặc vi phạm pháp luật của cơ sở KCB BHYT”. Đề nghị bổ sung về quy định thông tuyến điều trị ngoại trú đối với các bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh.
Đối với Chính phủ: Đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP trong đó quy định về điều kiện thành lập ĐVSNCL theo hướng: “Đảm bảo số lượng người làm việc tối thiểu là 12 viên chức, bằng số công chức ở các Chi cục (hiện quy định 15 viên chức)”. Điểm d, khoản 1 Điều 6 quy định về tổ chức bộ máy: Việc thành lập các phòng, ban và các tổ chức cấu thành khác không phải là các ĐVSNCL (sau đây gọi chung là phòng) thuộc ĐVSNCL phải đáp ứng các tiêu chí sau: Công việc hoặc lĩnh vực do phòng thực hiện phải có quy trình quản lý riêng theo yêu cầu của đối tượng quản lý; khối lượng công việc của phòng yêu cầu phải bố trí từ 05 người làm việc là viên chức trở lên (hiện quy định từ 07 viên chức trở lên) để bảo đảm thống nhất với số lượng công chức thuộc Phòng (tối thiểu 05 công chức) theo quy định tại Nghị định số 107/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Đề nghị Chính phủ ban hành quy định cho phép các ĐVSNCL tiếp tục được thực hiện cơ chế chi trả thu nhập tăng thêm như trong năm 2021 đến khi chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW có hiệu lực thi hành. Đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 116/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật và Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y cho phù hợp với hệ thống tổ chức, mô hình hoạt động của Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp thuộc UBND cấp huyện.
Đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 03/6/2023 của Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với tất cả những đối tượng xin nghỉ hưu trước tuổi (kể cả còn dưới 02 năm công tác) để khuyến khích và động viên đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nghỉ hưu trước tuổi, tạo thuận lợi cho địa phương trong thực hiện chế độ, chính sách tinh giản biên chế.
Đối với các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương: Đề nghị các bộ, ngành Trung ương liên quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của ĐVSNCL theo ngành, lĩnh vực quản lý (Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao; Trung tâm Dịch vụ - Kỹ thuật nông nghiệp thuộc UBND cấp huyện); ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể Nghị định số 106/2020/NĐ-CP, trong đó quy định rõ về định mức số lượng người làm việc trong ĐVSNCL; đồng thời, hướng dẫn cụ thể chế độ, chính sách đối với hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ trong các ĐVSNCL tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.
Đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành sớm ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP để thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện. Trong đó, cần hướng dẫn đầy đủ cơ cấu giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định về giá) để các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện, kể cả đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; giá dịch vụ giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp tại cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp công lập, dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm tại các Trung tâm dịch vụ việc làm công lập.
Đề nghị các Bộ, ngành Trung ương ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí (nếu có) làm cơ sở ban hành đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng NSNN, kể cả đối với các dịch vụ giáo dục đào tạo và dạy nghề để làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo Nghị định số 32/2019/NĐ-CP.
Đối với HĐND tỉnh: Đề nghị HĐND tỉnh xem xét, nghiên cứu sửa đổi Nghị quyết số 24/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh bổ sung quy định các dịch vụ: Dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm, định hướng nghề nghiệp cho người lao động, dịch vụ thu thập phân tích dự báo và cung ứng thông tin thị trường lao động.
Đối với UBND tỉnh: Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc sắp xếp, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tiếp tục có kế hoạch, phương án cụ thể đẩy mạnh việc sắp xếp các ĐVSNCL trên các lĩnh vực; thực hiện chuyển đổi các ĐVSNCL có đủ điều kiện thành công ty cổ phần bảo đảm theo đúng Nghị định số 150/2020/NĐ-CP ngày 25/12/2020 của Chính phủ và các quy định pháp luật liên quan.
UBND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo các ĐVSNCL thực hiện nghiêm túc việc tiếp nhận, bố trí, sử dụng, nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, lao động; thực hiện tốt việc bố trí, sắp xếp cán bộ lãnh đạo quản lý (cấp phó) dôi dư; bảo đảm theo đúng quy định về số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn, vị trí việc làm, gắn với việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, kế hoạch về tinh giản biên chế; khắc phục tình trạng vừa thừa, vừa thiếu viên chức, lao động ở một số đơn vị, nhất là trên lĩnh vực y tế và giáo dục, đào tạo nghề. Cần thường xuyên quan tâm chỉ đạo các ĐVSNCL và các cơ quan chức năng liên quan thực hiện tốt việc rà soát, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, bổ sung, thẩm định, phê duyệt Đề án vị trí việc làm cho các ĐVSNCL, bảo đảm theo đúng Nghị định số 106/2020/CP của Chính phủ. Phân cấp cho các ĐVSNCL trong thực hiện tự chủ, bảo đảm thực hiện đầy đủ thẩm quyền quyết định về tổ chức, bộ máy, nhân sự.
Chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan đẩy nhanh việc thực hiện phương án sắp xếp, bố trí, sử dụng cơ sở vật chất, nhất là trụ sở làm việc của các ĐVSN dôi dư sau sắp xếp lại. Đồng thời cần có đánh giá, chỉ đạo cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt đề án quản lý, sử dụng tài sản công của các ĐVSNCL để sử dụng vào các mục đích sản xuất, kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết. Quan tâm đầu tư kinh phí cho xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị y tế cho các cơ sở y tế, đặc biệt là các cơ sở y tế tuyến huyện và Trạm Y tế xã, thị trấn, công trình phục vụ cho sự nghiệp văn hóa, thể thao của tỉnh.
UBND tỉnh, các sở, ngành liên quan và UBND cấp huyện cần quan tâm hơn việc chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện, để các ĐVSNCL tháo gỡ khó khăn, tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các ĐVSNCL trong việc năng động, sáng tạo, tích cực đổi mới; phát huy có hiệu quả các nguồn lực của đơn vị để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu cung cấp dịch vụ cho nhân dân, nâng cao mức độ tự chủ về tài chính, giảm bớt gánh nặng cho NSNN đầu tư cho các ĐVSNCL. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các ĐVSNCL; nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các sai phạm, bảo đảm các đơn vị luôn chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước./.