ĐOÀN ĐBQH TỈNH BÌNH ĐỊNH: NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC LẤY Ý KIẾN GÓP Ý ĐỐI VỚI CÁC DỰ ÁN LUẬT TRÌNH QUỐC HỘI

28/02/2024

Phát huy những kết quả đạt được, trong năm 2024 Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định tiếp tục thực hiện 06 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tập trung nâng cao hơn nữa hiệu quả lấy ý kiến góp ý đối với các dự án Luật trình Quốc hội khóa XV tại kỳ họp thứ 7, kỳ họp thứ 8 tới đây.

ĐBQH TỈNH BÌNH ĐỊNH: KHÔNG NGỪNG NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG, GÓP PHẦN QUAN TRỌNG VÀO QUYẾT SÁCH CỦA QUỐC HỘI

Trong năm 2023, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cùng các đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã quyết tâm cao, thực hiện tốt Kế hoạch, chương trình hoạt động trong năm đã đề ra. Các vị đại biểu Quốc hội trong Đoàn đã nghiêm túc thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; dành thời gian hợp lý để tham gia các hoạt động do Đoàn tổ chức; tích cực tham gia các hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đóng góp tích cực, hiệu quả, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh. 

Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định tham dự Kỳ họp Quốc hội khóa XV

Đặc biệt, Đoàn ĐBQH tỉnh đã phản ánh được tiếng nói, nguyện vọng của cử tri và nhân dân tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương. Các vấn đề liên quan đến tỉnh đã được Trung ương quan tâm, xem xét, giải quyết, tạo điều kiện hỗ trợ trong quá trình phát triển. Những vấn đề người dân quan tâm thuộc thẩm quyền của địa phương cũng được phản ánh kịp thời, được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm, giải quyết, tạo sự tin tưởng trong cử tri và nhân dân Bình Định.

06 nhiệm vụ trọng tâm năm 2024

Phát huy những kết quả đạt được, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định Lý Tiết Hạnh cho biết, căn cứ Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn ĐBQH tỉnh; các Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh; Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024; Chương trình hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban của Quốc hội năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định xây dựng chương trình hoạt động của Đoàn trong năm 2024 gồm 06 nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:

 Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định tổ chức Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024

Một là, tham dự đầy đủ các kỳ họp thứ 7, thứ 8 và kỳ họp bất thường (nếu có) của Quốc hội, các phiên họp của các cơ quan của Quốc hội khi được triệu tập. Nghiêm túc thực hiện đầy đủ Nội quy kỳ họp, Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, góp phần hoàn thành tốt chương trình nghị sự tại các phiên họp, kỳ họp.

Hai là, lổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, ban, ngành, địa phương đối với các dự án Luật trình Quốc hội cho ý kiến hoặc xem xét thông qua tại các kỳ họp, tổng hợp, báo cáo UBTVQH theo quy định; nghiên cứu tham gia ý kiến thảo luận tại kỳ họp, hoàn thành chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Ba là, xây dựng và triển khai hiệu quả Kế hoạch tiếp công dân định kỳ năm 2024; tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân kịp thời, đảm bảo theo quy định; thực hiện theo dõi, giám sát các cơ quan chức năng giải quyết, trả lời đơn thư được Đoàn chuyển đến để xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

Bốn là, tổ chức các hoạt động giám sát, khảo sát theo Chương trình giám sát chuyên đề của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trên địa bàn tỉnh; tham gia cùng Đoàn giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội khi về làm việc tại địa phương; tích cực góp phần thực hiện chức năng giám sát tối cao của Quốc hội tại các kỳ họp.

Năm là, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban MTTQ, Thường trực HĐND, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các cơ quan thông tin đại chúng trong các hoạt động của Đoàn; tích cực tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội chung của tỉnh và thực hiện tốt các mặt công tác khác.

Sáu là, chỉ đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân tỉnh tham mưu, đảm bảo các điều kiện để phục vụ kịp thời hoạt động của Đoàn và các đại biểu Quốc hội trong Đoàn; thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo theo quy định.

Khắc phục bất cập trong tiếp nhận và đôn đốc, giải quyết đơn thư

Từ thực tiễn hoạt động năm 2023, một số hạn chế, tồn tại cũng được Đoàn ĐBQH tỉnh thẳng thắn chỉ rõ như: Chưa tổ chức được nhiều Hội nghị, Hội thảo lấy ý kiến xây dựng luật của các ngành chuyên môn do các dự thảo Luật, Nghị quyết lấy ý kiến gửi về Đoàn rất muộn. Một số Luật khi tiếp nhận chỉ còn rất ít thời gian đến hạn gửi báo cáo tổng hợp lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, làm ảnh hưởng đến chất lượng nghiên cứu, góp ý và tổng hợp ý kiến.

Bên cạnh đó, hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tập trung nhiều vào những tháng đầu năm dẫn tới quá tải cho Đoàn ĐBQH tỉnh cũng như bộ phận Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh trong công tác tham mưu, giúp việc hoạt động giám sát.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cử tri tại các buổi tiếp xúc cử tri còn trùng lặp, một số kiến nghị đã được các cơ quan chức năng giải quyết triệt để nhưng cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị. Việc tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn thư; đôn đốc, theo dõi việc giải quyết đơn thư của công dân mặc dù có nhiều cố gắng nhưng còn nhiều bất cập do lượng đơn thư khá lớn và nhiều vụ việc phức tạp, đã qua nhiều ngành, nhiều cấp giải quyết nhưng công dân không đồng tình, vẫn tiếp tục khiếu kiện kéo dài, chưa thể xử lý dứt điểm.

Phân bổ thời gian giám sát chuyên đề phù hợp

Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định bám sát Chương trình hoạt động của Quốc hội và thực tiễn địa phương trong triển khai các nhiệm vụ công tác

Từ thực tế này, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, Chương trình, Kế hoạch đề ra trong năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội bố trí gửi dự thảo các dự án Luật lấy ý kiến các Đoàn ĐBQH tỉnh sớm hơn để các Đoàn ĐBQH tỉnh có thời gian tổ chức lấy ý kiến của các ngành liên quan tại địa phương. Thời gian gửi tài liệu tránh sát với thời gian khai mạc kỳ họp, thời gian tiếp xúc cử tri trước kỳ họp của Đoàn ĐBQH tỉnh để việc tổ chức lấy ý kiến góp ý và tổng hợp ý kiến góp ý được kỹ lưỡng, đảm bảo yêu cầu về chất lượng.

Đồng thời, đối với giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thường tập trung vào tháng cuối năm trước, tháng đầu năm sau, trong khi các cơ quan, đơn vị, địa phương đang tập trung thực hiện các giải pháp hoàn thành kế hoạch đề ra, tiến hành kiểm điểm, tổng kết, đánh giá hoạt động năm, chuẩn bị cho các hoạt động đón Tết nguyên đán … nên rất bị động, Đoàn ĐBQH tỉnh khó khăn trong sắp xếp lịch giám sát trực tiếp ở nhiều đơn vị, cơ quan, địa phương. Vì vậy, Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sắp xếp, bố trí thời gian cho phù hợp, tạo điều kiện cho Đoàn ĐBQH tỉnh nâng cao hiệu quả trong việc triển khai thực hiện các hoạt động giám sát tại địa phương./.

Lê Anh