ĐOÀN ĐBQH TP. ĐÀ NẴNG TIẾP XÚC CỬ TRI 4 QUẬN TRÊN ĐỊA BÀN
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh chủ trì buổi làm việc
Theo báo cáo, hiện nay UBND huyện Hoà Vang quản lý 5 đơn vị sự nghiệp công lập (giảm 1 đơn vị so với năm 2015), trong đó có 3 đơn vị tự chủ 100% về kinh phí, và 45 đơn vị trường học. UBND huyện đã thực hiện sắp xếp, sáp nhập Trung tâm Văn hóa Thể thao và Đài Truyền thanh huyện; thực hiện dồn ghép 30 điểm trường, trong đó bậc Mầm non giảm 19 điểm trường, bậc Tiểu học giảm 11 điểm trường; sát nhập Trung tâm dân số - Kế hoạch hoá gia đình vào Trung tâm Y tế huyện thuộc Sở Y tế.
Theo Chủ tịch UBND huyện Hoà Vang Phan Văn Tôn, trong những năm qua, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND huyện đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao của từng đơn vị, giải quyết kịp thời các nhiệm vụ chuyên môn của từng ngành, từng lĩnh vực, đáp ứng chức năng cơ bản trong quá trình phục vụ nhiệm vụ quản lý Nhà nước và cung cấp dịch vụ công.
Các đơn vị sự nghiệp từng bước được kiện toàn theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền, vị trí việc làm tại các đơn vị sự nghiệp bước đầu đã xác định; chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền quan tâm và phê duyệt đảm bảo số lượng, định mức, cũng như ngân sách nhà nước cấp đảm bảo để vận hành, thực hiện chức năng, nhiệm vụ; việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, cũng như quản lý tài chính được đi vào nề nếp.
Chủ tịch UBND huyện Hoà Vang Phan Văn Tôn báo cáo tại buổi làm việc
Nhìn chung, bộ máy tổ chức cán bộ và số lượng viên chức và người lao động phục vụ cho các ngành sự nghiệp, cũng như việc phân cấp của thành phố và phân công nhiệm vụ của địa phương cơ bản phù hợp với yêu cầu tình hình thực tế tại huyện và nhiệm vụ chuyên môn đề ra. Việc quản lý cán bộ, viên chức và người lao động, chế độ chính sách, khen thưởng, kỷ luật và quản lý tài chính, tài sản của các đơn vị đúng theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, do đặc thù huyện Hoà Vang chủ yếu là vùng nông thôn nên việc khai thác nguồn thu còn hạn chế. Đối với các đơn vị trường học chủ yếu là nguồn thu học phí, trong đó dành 40% để thực hiện cải cách tiền lương và chi phục vụ công tác thu, việc bổ sung kinh phí hoạt động từ nguồn thu thấp, gần như không đáng kể. Đối với Trung tâm Văn hoá thể thao và Truyền thanh huyện thì việc khai thác nguồn thu cũng chưa cải thiện so với giai đoạn trước đây.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh nhìn nhận, Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Hoà Vang đã có sự nhận thức rõ về quan điểm, chủ trương của Đảng, tầm quan trọng trong việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả của đơn vị sự nghiệp công lập; từ đó đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện, bước đầu đạt hiệu quả, tạo sự chuyển biến trong nhận thức, quyết tâm chính trị của từng cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đề nghị huyện Hoà Vang lưu ý tập trung vào quan điểm nhà nước chăm lo, bảo đảm cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập cơ bản thiết yếu như y tế, giáo dục, văn hoá, thể dục thể thao…; phát huy hơn nữa vai trò chủ đạo, vị trí then chốt, bản chất tốt đẹp, ưu việt, hoạt động không vì lợi nhuận của đơn vị sự nghiệp.
“Đoàn giám sát sẽ ghi nhận, tổng hợp những kiến nghị của địa phương làm cơ sở báo cáo với Quốc hội, các bộ ngành liên quan nhằm sớm có giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập để việc triển khai Nghị quyết đạt hiệu quả cao nhất, vì mục tiêu đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh cho biết.