ĐOÀN ĐBQH TP.HỒ CHÍ MINH GIÁM SÁT TẠI UBND THÀNH PHỐ VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 CỦA QUỐC HỘI

22/02/2024

Sáng 22/2, đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Tp. Hồ Chí Minh do đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh làm trưởng đoàn, đã giám sát tại UBND Tp. Hồ Chí Minh về việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

ĐOÀN ĐBQH TP. HỒ CHÍ MINH GIÁM SÁT TẠI BỆNH VIỆN CHỢ RẪY

Đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu tại giám sát

Tham gia đoàn giám sát có Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng; Thành ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Trần Thị Diệu Thúy…

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển

Báo cáo tại buổi giám sát, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, thời gian qua, Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đưa kinh tế TP sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo…

Đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo tại giám sát

Bên cạnh triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ Trung ương, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, TP cũng tăng cường các giải pháp nhằm hỗ trợ nhằm giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân như: Thực hiện các giải pháp cắt giảm các chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, TP tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Về phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ người dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đồng chí Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, từ năm 2020 đến tháng 10 năm 2022, Tp. Hồ Chí Minh đã huy động hơn 12.750 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Về huy động các nguồn lực xã hội, theo số liệu của Ban vận động, tiếp nhận và phân phối Quỹ Phòng, chống dịch Covid-19, đến tháng 10/2022, Tp. Hồ Chí Minh đã thu, tiếp nhận của hơn 10.800 đơn vị ủng hộ, với hơn 5.908 tỷ đồng. Trong đó, hơn 1.237 tỷ đồng tiền mặt và chuyển khoản. Hàng hóa, nhu yếu phẩm được ủng hộ trị giá tương đương hơn 339 tỷ đồng…

Nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp

Tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giảm thuế suất VAT trong luật thuế GTGT từ 10% xuống còn 8% cho tất cả hàng hóa, dịch vụ để kích cầu tiêu dùng; nghiên cứu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp các nước trong khu vực; xác định rõ trách nhiệm kiểm tra quyết toán thuế đúng thời hạn hàng năm là của cơ quan thuế; phải có nghĩa vụ cụ thể nếu kéo dài nhiều năm dẫn đến rủi ro cho doanh nghiệp; cho phép hộ kinh doanh được tự khai và tự nộp thuế như doanh nghiệp; xem xét, chấp thuận trình Quốc hội ban hành Luật về KCX, KCN, khu kinh tế (KKT); tăng cường phân cấp, phân quyền từ Trung ương đến địa phương.

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng trao đổi tại giám sát

Đối với Chính phủ, UBND TP kiến nghị cần có giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải quyết hoàn thuế GTGT cho doanh nghiệp; có quy định thời hạn giải quyết hoàn thuế; nghiên cứu chính sách thay thế việc hỗ trợ 2%/năm lãi suất vay ngân hàng bằng các hình thức khác thiết thực hơn như: Khen thưởng trên doanh thu xuất khẩu, mở thị trường mới; Tăng mức hỗ trợ chi phí gian hàng tham gia hội chợ, triển lãm, chi phí xúc tiến thương mại...cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, khi ban hành chính sách hỗ trợ liên quan đến người lao động nên thực hiện theo hướng phương thức chi trả một lần với số tiền cụ thể để doanh nghiệp, người lao động hạn chế việc làm hồ sơ giấy tờ nhiều lần, mất thời gian, khó kiểm soát, dễ chi nhầm; quy định về trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp khi được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước, sử dụng kinh phí có nguồn gốc từ ngân sách. Bên cạnh đó, đối với những chính sách đặc thù chi hỗ trợ cho con người, đề xuất quy định việc hỗ trợ theo hướng doanh nghiệp đề xuất nhưng kinh phí sẽ chuyển trực tiếp vào tài khoản của người lao động, giảm áp lực thanh quyết toán kinh phí cho cơ quan thực hiện chính sách.

Ngoài ra, xem xét nâng mức cho vay tối đa đối với các trường hợp vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở từ 500 triệu đồng lên tối đa không quá 1 tỷ đồng theo quy định của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội;,Sớm phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước trực thuộc UBND TP giai đoạn 2021-2025.

Đối với các bộ, ngành, UBND TP kiến nghị cần hướng  dẫn trường hợp doanh nghiệp nhà nước sử dụng Quỹ để đầu tư, đối ứng vốn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo. Hướng dẫn cách xác định đối tượng “doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo”…

Vận dụng các cơ chế, chính sách thí điểm

Tại buổi giám sát, đa số các đại biểu cho rằng, Tp. Hồ Chí Minh cần nghiên cứu vận dụng các cơ chế, chính sách thí điểm nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn. Đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Bên cạnh đó, cần giải pháp hiệu quả phát triển các loại thị trường an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững và hội nhập, nhất là thị trường bất động sản, nhà ở xã hội; rà soát, tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án bất động sản, hỗ trợ khôi phục dòng tiền cho doanh nghiệp.

Đồng thời, vận dụng các cơ chế chính sách đặc thù của Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 nhằm đảm bảo cung ứng đủ, kịp thời và đúng quy định thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP. Ngoài ra, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đặc biệt ở tuyến y tế cơ sở để nâng cao độ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn TP hướng đến mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân; Tăng cường công tác cải cách hành chính; Đẩy mạnh và triển khai hiệu quả hoạt động chuyển đổi số trong toàn Ngành y tế hướng đến xây dựng y tế thông minh.

Kết luận tại buổi giám sát, Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh Văn Thị Bạch Tuyết ghi nhận và đánh giá cao UBND Tp. Hồ Chí Minh đã thực hiện hiệu quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua. Bên cạnh đó, TP triển khai nhiều giải pháp, chủ động trong xây dựng các giải pháp để tiếp tục thực hiện trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, các dịch bệnh khác trong giai đoạn 2022-2023 và phục hồi phát triển kinh tế…

Trong thời gian tới, đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết đề nghị UBND Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022-2025; tiếp tục tập trung thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh và vận dụng tối đa các giải pháp, các chính sách được nêu trong Nghị quyết 98.

(Theo Trang TTĐT Đảng bộ Tp. HCM)