09 NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM SẼ ĐƯỢC ĐOÀN ĐBQH TỈNH THÁI NGUYÊN TRIỂN KHAI TRONG NĂM 2024 NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG

21/02/2024

Phát huy những thành quả đã đạt được và để nâng cao chất lượng hoạt động, trong năm 2024, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thực hiện tốt chương trình, kế hoạch đề ra trên tất cả lĩnh vực công tác như: tham gia xây dựng pháp luật, giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đối ngoại...

ĐOÀN ĐBQH TỈNH THÁI NGUYÊN LINH HOẠT ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC LÀM VIỆC ĐỂ PHÁT HUY VAI TRÒ, TRÁCH NHIỆM VỚI CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN

ĐOÀN ĐBQH TỈNH THÁI NGUYÊN GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43/2022/QH15 CỦA QUỐC HỘI VỀ CHÍNH SÁCH TÀI KHOÁ

Đề cập về phương hướng hoạt động trong năm 2024, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cho biết, căn cứ kế hoạch công tác năm 2024 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, chương trình giám sát của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội và thực tiễn của địa phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên sẽ triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải. 

Thứ nhất: Đoàn sẽ tổ chức các hội nghị, lấy ý kiến góp ý vào các dự án Luật trình tại kỳ họp thứ bảy, kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua.

Tại Kỳ họp thứ bảy: Quốc hội dự kiến thông qua 9 luật: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp).

Tại Kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến vào 9 dự án luật gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Tại Kỳ họp thứ tám: Theo Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải, Quốc hội dự kiến thông qua 09 luật: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược;  Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Ngoài ra, Quốc hội cho ý kiến vào 02 dự án luật: Luật Chuyển đổi giới tính; Luật Việc làm (sửa đổi).

Thứ hai: Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyễn sẽ tổ chức giám sát chuyên đề theo chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bao gồm: Tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 mà Đoàn ĐBQH đã ban hành quyết định thành lập Đoàn giám sát và kế hoạch giám sát; xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”; và giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”. Mặt khác, Đoàn cũng sẽ tăng cường theo dõi việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát chuyên đề năm 2023; đồng thời, lựa chọn những vấn đề nổi cộm, dư luận bức xúc tại địa phương thuộc phạm vi thẩm quyền giám sát của Đoàn ĐBQH để tiến hành giám sát, khảo sát.

 Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập tại Sở Y tế. 

Thứ ba: Thực hiện tốt công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn của công dân gửi đến Đoàn đại biểu Quốc hội, tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan dân cử giám sát việc trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri và giải quyết đơn của công dân.

Thứ tư: Đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về các hoạt động của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát.

Thứ năm: Phối hợp với Thường trực HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổ chức một số nội dung giám sát tại địa phương; phối hợp, tham gia Đoàn giám sát của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội khi tổ chức giám sát, khảo sát tại tỉnh Thái Nguyên; tham gia Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và các Ban của HĐND tỉnh.

Thứ sáu: Chỉ đạo Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND xây dựng kế hoạch, phân công công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH, các vị đại biểu Quốc hội.

Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên thảo luận ở Tổ tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Thứ bảy: Thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại, giữ mối liên hệ phối hợp với Hội đồng Dân tộc và các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Uỷ ban MTTQ tỉnh Thái Nguyên và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương.

Thứ tám: Các ĐBQH là thành viên của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội tích cực tham gia chương trình giám sát, khảo sát, hội thảo và phiên họp thẩm tra do Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội triệu tập và tham dự các kỳ họp HĐND tỉnh Thái Nguyên.

Thứ chín: Lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đáp ứng yêu cầu tham mưu, phục vụ các hoạt động của Đoàn ĐBQH, các ĐBQH trên các lĩnh vực: Xây dựng pháp luật, giám sát, khảo sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và các hoạt động khác.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh: Với 09 nhiệm vụ trọng tâm như trên, Đoàn ĐBQH tỉnh kỳ vọng sẽ đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất, việc làm thiết thực hơn nữa vào việc nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như hỗ trợ các Bộ ngành, địa phương xây dựng chính sách pháp luật bám sát vào đời sống thực tiễn hiệu quả hơn./.

Bích Lan