THẢO LUẬN TỔ 13: ĐẠI BIỂU CHO Ý KIẾN VỀ CƠ CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN HÌNH THÀNH TỪ DỰ ÁN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT

16/01/2024

Cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất là một trong những cơ chế đặc thù được nêu trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm. Nội dung này được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến trong phiên thảo luận tại Tổ 13 (sáng 16/01), gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk và Hậu Giang.

THẢO LUẬN TỔ 13: PHÂN CẤP CHO CẤP HUYỆN CHỦ ĐỘNG, LINH HOẠT TRONG ĐIỀU HÀNH, QUẢN LÝ, TRIỂN KHAI CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Xuất phát từ thực tiễn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao Chính phủ tại các Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 , số 108/2023/QH15 ngày 29 tháng 11 năm 2023 , Chính phủ đề xuất các giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.

Chính phủ trình Quốc hội 02 phương án về cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong đó, cơ chế quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất là một trong những cơ chế đặc thù được nêu trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm.

Trên cơ sở rà soát quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công hiện hành và xét tính đặc thù trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia gắn với đối tượng chính sách, Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các quy định khác có liên quan. Trong đó, Chính phủ trình Quốc hội 02 phương án:

Phương án 1: Trên cơ sở Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, Chính phủ đề xuất quy định các nội dung cơ chế như sau:

- Thực hiện chính sách hỗ trợ theo dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, không áp dụng quy định quản lý tài sản công đối với tài sản có vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dưới 500 triệu đồng, hoặc tài sản hỗ trợ cho cộng đồng người dân.

- Thực hiện chính sách cho chủ trì liên kết được vay vốn ưu đãi đầu tư tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên để phục vụ hoạt động phát triển sản xuất (không thực hiện hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước).

Phương án 2: Đề xuất nội dung chính sách đặc thù như phương án tại Tờ trình của Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể:

- Chủ dự án phát triển sản xuất quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước trong thời gian thực hiện dự án. Cơ quan quản lý dự án chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát quá trình quản lý, sử dụng tài sản.

- Cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án quyết định hỗ trợ, chuyển giao quyền sử dụng, quyền sở hữu các trang thiết bị, công cụ, tài sản có giá trị nhỏ cho đối tượng người dân, hộ gia đình tham gia dự án ngay từ khi phê duyệt dự án.

- Sau thời điểm kết thúc dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, cơ quan quản lý dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chủ dự án phát triển sản xuất tổ chức kiểm kê, đánh giá và xử lý tài sản hình thành từ nguồn vốn hỗ trợ của ngân sách nhà nước.

Đại biểu Y Vinh Tơr – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk.

Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Y Vinh Tơr – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho rằng, cơ chế đề xuất tại Phương án 1 là phù hợp, có thể tổ chức triển khai thực hiện ngay sau khi Nghị quyết được thông qua; đồng thời tạo điều kiện cho Chính phủ và các địa phương không phải ban hành các quy định chi tiết.

Theo đại biểu, nếu lựa chọn Phương án 2, sẽ cần có các quy định cụ thể, trong đó Chính phủ phải ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện, như vậy Chính phủ sẽ phải thực hiện theo quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ làm chậm triển khai chương trình. Hơn nữa, thực hiện theo Phương án 2 sẽ rất khó khăn trong việc xác định cơ chế đặc thù trong xác định giá trị tài sản còn lại sau khi kết thúc dự án. Đa số các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được thực hiện tại cộng đồng, địa bàn cấp xã, với đội ngũ cán bộ hiện nay và quy định như trong Phương án 2, cấp cơ sở sẽ không dám thực hiện và không đủ khả năng thực hiện.

Đại biểu Lê Minh Nam – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang cho biết, trong Tờ trình của Chính phủ cũng đã phân tích, đánh giá các mặt tích cực, hạn chế của từng phương án; việc phân tích, đánh giá đảm bảo đủ thông tin, đánh giá tác động của từng phương án. Trong đó, Chính phủ nêu, nếu áp dụng theo Phương án 2 sẽ đảm bảo tính chặt chẽ, hạn chế tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công, hạn chế thất thoát ngân sách nhà nước.

Đại biểu Lê Minh Nam – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang.

Đại biểu băn khoăn, phân tích như Tờ trình của Chính phủ, nếu áp dụng theo Phương án 1 hiệu quả của việc ngăn chặn, phòng ngừa tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công đến đâu, cần được phân tích, đánh giá đầy đủ, toàn diện.

Đại biểu cho rằng, nếu áp dụng theo Phương án 1 sẽ có thuận lợi, tạo cơ chế thông thoáng để thực hiện ngay sau hi Nghị quyết thông qua. Nếu áp dụng theo Phương án 2, Chính phủ tiếp tục có văn bản hướng dẫn thực hiện và cần có thêm nhân lực, nguồn lực để quản lý tài sản. Đại biểu nhấn mạnh, mục tiêu nêu ra cơ chế đặc thù để xử lý, tháo gỡ vướng mắc ngay trong quá trình triển hai thực hiện, nếu ban hành cơ chế đặc thù lại cần phải ban hành thêm văn bản hướng dẫn thực hiện liệu có đảm bảo tính khả thi? Hơn nữa, đại biểu băn khoăn, khi hết thời gian triển khai dự án, việc tổ chức thực hiện xác định giá trị tài sản và thu hồi nộp ngân sách cũng khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện.

Chính phủ cũng cần đánh giá đầy đủ, cụ thể vấn đề này để khi đề ra chính sách tháo gỡ được vướng mắc, tháo gỡ nhanh và đưa vào thực hiện ngay; các chính sách đề xuất phải chặt chẽ, không tạo ra kẽ hở để trục lợi, thất thoát, lãng phí, không hợp thức hóa các sai phạm và đảm bảo tính khả thi và hiệu quả.

Đại biểu Triệu Quang Huy – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Lê Minh Nam, đại biểu Triệu Quang Huy – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn để thực hiện ngay thì có thể chọn Phương án 1, tạo điều kiện cho cơ sở thực hiện. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn sau khi hoàn thành dự án, công tác quản lý tài sản sẽ được thực hiện như thế nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm quản lý tài sản. Do vậy, để phát  huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư, cần có sự quản lý sau khi dự án kết thúc. Vì vậy, đại biểu đồng tình với Phương án 2 Chính phủ trình, trong đó tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cần có sự quản lý của nhà nước, nhưng cần có giải pháp tháo gỡ nhanh, kịp thời và có hướng dẫn cụ thể tạo điều kiện cho cơ quan cấp huyện, cấp xã quản lý và triển khai hiệu quả, tránh lãnh phí.

Lan Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác