THẢO LUẬN TỔ 5: BAN HÀNH CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG TRIỂN KHAI CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA LÀ CẦN THIẾT

16/01/2024

Sáng ngày 16/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

THẢO LUẬN TỔ 5: XÂY DỰNG THỦ ĐÔ THÀNH TRUNG TÂM TIÊU BIỂU VỀ GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO CHẤT LƯỢNG CAO

Toàn cảnh Phiên họp 

Tổ 5 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kiên Giang.

Theo Tờ trình của Chính phủ, xuất phát từ thực tiễn triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia và cụ thể hóa nhiệm vụ Quốc hội giao, Chính phủ đề xuất các giải pháp chính sách đặc thù vượt thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới. Dự thảo Nghị quyết gồm 6 Điều quy định về: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nội dung các cơ chế đặc thù; tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành. Nội dung cơ bản của 08 cơ chế đặc thù tại Điều 4.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết của dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, kết quả thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, qua giám sát cho thấy kết quả đạt được rất hạn chế, nhất là việc thực hiện các chỉ tiêu, các chương trình, dự án. Nếu không có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thì mục tiêu đến năm 2025 sẽ rất khó đạt được theo Nghị quyết của Quốc hội.

Bên cạnh đó, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó: 1 trong những nguyên nhân chủ yếu bởi phải tuân thủ các quy định pháp luật về Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công… Nên việc triển khai bị vướng mắc và chậm tiến độ.

Nghị quyết số 100/2023/QH15 của Quốc hội, trong đó giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất thực hiện thí điểm việc phân cấp cho cấp huyện chủ động quyết định, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn, danh mục dự án đầu tư thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Nghị quyết số 108/2023/QH15 của Quốc hội giao Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết đặc thù theo quy trình thủ tục rút gọn.

Do vậy “việc ban hành nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”, đại biểu Tiến nêu ý kiến.

Đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh- Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai phát biểu

Cùng chung quan điểm, đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh- Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cũng cho rằng, xuất phát từ thực tiễn triển khai chương trình mục tiêu quốc gia đến nay còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế và bất cập; một số nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần triển khai còn rất chậm như: Hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, sắp xếp dân cư; hỗ trợ phát triển sản xuất; khởi nghiệp kinh doanh, hỗ trợ khoán và bảo vệ rừng, đào tạo, tập huấn....

Do vậy, để tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiên, giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới thì việc xây dựng và triển khai Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là hết sức cần thiết.

Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu

Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình thực hiện theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 rất ý nghĩa, nhân văn. Nhưng, trong thời gian qua, do phân bổ khó khăn dẫn đến tiến độ giải ngân của cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia đều không đạt mục tiêu đề ra. Thực tế này cho thấy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là rất cần thiết, thể hiện sự đồng hành kịp thời của Quốc hội với Chính phủ trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia này.

Để hoàn thiện nội dung dự thảo Nghị quyết, các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu bổ sung cho phép địa phương được điều chỉnh nguồn vốn sự nghiệp không sử dụng hết để thực hiện các nội dung khác mang tính chất đầu tư như: đầu tư đường giao thông, trường lớp học, tôn tạo hoặc xây dựng công trình bảo tồn kiến trúc của các dân tộc thiểu số… nhằm sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn vốn chương trình.

Đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng, thực tế việc phân bổ nguồn lực từ trung ương cho một số nội dung, tiểu dự án, dự án thành phần còn chưa hợp lý như: kinh phí bố trí cho các nội dung đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát quá lớn so với nhu cầu của địa phương, trong khi đó nhu cầu nguồn vốn bố trí cho đầu tư cơ sở hạ tầng là rất lớn nhưng trung ương bố trí còn hạn chế…

Các đại biểu nhận thấy, nếu điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước từ các dự án thành phần không còn đối tượng hỗ trợ, hoặc không đủ điều kiện để giải ngân kinh phí theo quy định, hoặc có tỷ lệ giải ngân thấp để bổ sung dự toán thực hiện các dự án thành phần khác được điều chỉnh trong cùng chương trình mục tiêu quốc gia sẽ hạn chế hiệu quả sử dụng nguồn lực. Thực tế giám sát chuyên đề về các chương trình mục tiêu quốc gia của Quốc hội vừa qua có rất nhiều dự án, tiểu dự án thành phần trùng lắp về địa bàn, đối tượng, nhỏ lẻ, manh mún, nhất là đối với hai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Các đại biểu tại phiên họp

Hơn nữa, ở địa bàn miền núi, những nơi khó khăn nhất, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đa số đều đồng thời triển khai cùng một lúc 3 chương trình mục tiêu quốc gia, vừa xây dựng nông thôn mới, vừa giảm nghèo và vừa phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do vậy, nếu điều chỉnh trong từng chương trình mục tiêu quốc gia thì sẽ không thực hiện lồng ghép giữa các chương trình.

Đại biểu Phan Thái Bình đề nghị, cần nghiên cứu giao thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được phân bổ, điều chỉnh cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Nếu dự án thành phần của một chương trình mục tiêu quốc gia này không còn đối tượng hỗ trợ, không sử dụng hết nguồn lực thì nguồn lực của dự án đó sẽ được chuyển cho thực hiện dự án của chương trình mục tiêu quốc gia khác, bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư đã phê duyệt.

Theo các đại biểu, thực hiện theo phương án này cũng có thể giúp ưu tiên đầu tư cho nơi cần thiết, cấp thiết trước, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đầu tư. Điều này sẽ giúp tránh xảy ra trường hợp không cần thiết nhưng vì sợ mất vốn địa phương vẫn đầu tư, dẫn đến “nơi cần lại thiếu vốn, nơi không cần lại thừa vốn”, không phát huy được hiệu quả của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, vốn có mục tiêu chung là giải quyết công ăn việc làm, nâng cao đời sống người dân, môi trường sống cho người dân, nhất là người dân sinh sống ở miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

Một số hình ảnh tại Phiên họp: 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tại Phiên họp

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết của dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Các đại biểu cho rằng, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là chương trình thực hiện theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 rất ý nghĩa, nhân văn, nhưng trong thời gian qua, do phân bổ khó khăn dẫn đến tiến độ giải ngân của cả 3 chương trình mục tiêu quốc gia đều không đạt mục tiêu đề ra

Do vậy, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là rất cần thiết

Các đại biểu tại Phiên họp

Thu Phương - Minh Thành

Các bài viết khác