THẢO LUẬN TỔ 13: PHÂN CẤP CHO CẤP HUYỆN CHỦ ĐỘNG, LINH HOẠT TRONG ĐIỀU HÀNH, QUẢN LÝ, TRIỂN KHAI CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

16/01/2024

Sáng 16/01, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Việc bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn điện lực Việt Nam. Tổ 13 gồm các Đoàn Đại biểu Quốc hội: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk và Hậu Giang. Tham dự họp tổ 13 có Uỷ viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 16/01: CHÍNH PHỦ TRÌNH QUỐC HỘI DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA

Toàn cảnh thảo luận Tổ 13, gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk và Hậu Giang

Cho ý kiến về nội dung thảo luận, đa số ý kiến thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc cho phép sử dụng Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung tương ứng với nguồn tăng thu Ngân sách Trung ương năm 2022 cho các nhiệm vụ, dự án đầu tư công và bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) từ nguồn dự phòng của Kế hoạch đầu tư công trung hạn là đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 6 Điều 51 Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, các ý kiến đóng góp cụ thể cho từng phương án trình Quốc hội lựa chọn, góp ý cụ thể về câu từ, ngữ nghĩa, điều kiện đảm bảo để thực thi Nghị quyết khi được Quốc hội thông qua; đề cập thêm những đặc thù, khó khăn trong thực hiện từng chính sách trong quá trình triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia ở các địa phương, đề xuất những góp ý tổng thể để đảm bảo việc thực hiện hiệu quả, thống nhất.

Về tên gọi “Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia”, nhiều ý kiến cho rằng tên gọi như Chính phủ trình là phù hợp, đảm bảo ngắn gọn, xúc tích và có tính khái quát cao. Có ý kiến cho rằng, tên của Nghị quyết không nên có từ “cơ chế” để đảm bảo theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 15 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đại biểu Ngô Trung Thành – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk phát biểu tại thảo luận Tổ.

Đại biểu Ngô Trung Thành – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đồng tình với tên gọi dự thảo Nghị quyết, nhưng trong phạm vi điều chỉnh lại chưa khoanh rõ đối với 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nếu quy định như dự thảo sẽ dễ dẫn đến cách hiểu khác đó là áp dụng cơ chế đặc thù đối với tất cả các chương trình mục tiêu quốc gia; do vậy, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, chỉnh sửa phù hợp.

Đại biểu tại Tổ 13 cũng đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó đề nghị Bộ Tài chính có văn bản hướng dẫn kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn được phép chuyển nguồn sang năm sau, gồm cả nguồn vốn đầu tư, vốn sự nghiệp; có cơ chế để địa phương, đơn vị chủ động hơn trong việc giải ngân vốn.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đề nghị Chính phủ điều chỉnh cơ chế phân bổ nguồn vốn theo hướng giảm nguồn vốn sự nghiệp, chuyển sang chi cho đầu tư phát triển. Đối với nguồn vốn sự nghiệp giao thẩm quyền cho tỉnh, thành phố trực tiếp điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án, tiểu dự án.

“Trong quá trình thực hiện, có nhiều văn bản hướng dẫn, dẫn chiếu nhiều văn bản có liên quan gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện, vì vậy đề nghị Ủy ban Dân tộc sớm ban hành sổ tay hướng dẫn thực hiện chương trình, tài liệu đào tạo nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ triển khai chương trình ở các cấp, tiểu dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”, Đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang phát biểu.

Về cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ trình 02 phương án. Đa số ý kiến thảo luận tại Tổ 13 lựa chọn phương án 2 để đảm bảo phân cấp triệt để cho cấp huyện chủ động, linh hoạt trong việc điều hành, quản lý triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời là cơ sở để phục vụ xây dựng các Chương trình mục tiêu quốc gia cho giai đoạn 2026-2030. Tuy nhiên cũng có ý kiến đề nghị cần làm rõ tiêu chí lựa chọn huyện, điều kiện để thực hiện cơ chế này.

Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, chọn phương án 2 đảm bảo dễ thực hiện cho địa phương. Theo đó, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh lựa chọn một huyện tổ chức thí điểm, Hội đồng Nhân dân cấp huyện được điều chỉnh phương án phân bổ vốn đầu tư công. Nếu quy định như phương án 1, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tiêu chí và có sự tham gia đánh giá sự hài lòng của người dân, Mặt trận tổ quốc cấp huyện. Đại biểu cho rằng, để triển khai được hoạt động này là cả quá trình, trong khi đó đối với các Chương trình mục tiêu quốc gia đã thực hiện trên thực tế, nếu đưa ra tiêu chí lựa chọn sẽ mất nhiều thời gian; hơn nữa, đã là cơ chế đặc thù, cần được triển khai ngay trong thực tế.

Cho ý kiến về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất (khoản 5, Điều 4), dự thảo Nghị quyết Chính phủ đưa ra 02 phương án, trong đó phương án 2, cơ bản vẫn giữ nguyên như dự thảo ban đầu trước khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Cho ý kiến về nội dung này, đại biểu Triệu Quang Huy – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho rằng, để thực hiện ngay có thể lựa chọn phương án 1, nhưng nếu thực hiện theo phương án này, sau khi hoàn thành dự án, công tác quản lý tài sản như thế nào?. Do vậy, để phát huy hiệu quả vốn đầu tư từ nguồn xã hội hóa và nhà tài trợ, cần có sự quản lý sau khi dự án kết thúc, nhưng cũng cần có cơ chế tạo điều kiện, hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể, kịp thời trong quá trình triển khai thực hiện.

Ngoài ra, một số đại biểu bày tỏ băn khoăn giữa quy định thí điểm và quy định hiện hành có những nội dung, dự án đang thực hiện có được thí điểm hay không và thực hiện quy định chuyển tiếp như thế nào để đảm bảo thống nhất…

Một số hình ảnh tại thảo luận Tổ 13:

Toàn cảnh thảo luận Tổ 13, gồm Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Đắk Lắk và Hậu Giang

Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn điều hành nội dung thảo luận.

Các đại biểu nghiên cứu tài liệu

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đề nghị sớm ban hành Sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biểu Lê Minh Nam - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh phát biểu

Đại biểu Triệu Quang Huy - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn phát biểu thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Đại biểu Lưu Văn Đức - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk phát biểu

Đại biểu Y Vinh Tơr - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk  phát biểu

Các đại biểu Quốc hội tại Tổ 13

Lan Hương - Nghĩa Đức

Các bài viết khác