ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU: MANG TIẾNG NÓI, NGUYỆN VỌNG CHÍNH ĐÁNG CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN ĐẾN NGHỊ TRƯỜNG QUỐC HỘI

12/12/2023

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tham gia một cách tích cực, sôi nổi, trách nhiệm để góp phần vào thành công chung của kỳ họp. Tại các phiên thảo luận tại hội trường và tại tổ, các đại biểu đã có nhiều phát biểu có chiều sâu, phân tích có lý có tình, sát với thực tiễn cuộc sống đặt ra, theo các quy định của các luật hiện hành. Ngoài những căn cứ lý luận và thực tiễn được đưa ra mổ xẻ, phân tích, đề xuất các kiến nghị về biện pháp và nhóm giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cử tri.

ĐOÀN ĐBQH TP.HẢI PHÒNG THAM GIA TÍCH CỰC, TRÁCH NHIỆM CAO GÓP PHẦN VÀO THÀNH CÔNG CHUNG CỦA KỲ HỌP THỨ 6 QUỐC HỘI KHÓA XV

ĐOÀN ĐBQH TỈNH THỪA THIÊN – HUẾ TẠI KỲ HỌP THỨ 6 QUỐC HỘI KHÓA XV: TÍCH CỰC, KỸ LƯỠNG, TRÁCH NHIỆM

Một trong những dấu ấn nổi bật tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV là tiếng nói cử tri, tâm tư, nguyện vọng, sự kỳ vọng của cử tri, đồng bào cả nước được các đại biểu Quốc hội thẳng thắn nhìn nhận, đặt lên bàn nghị sự của kỳ họp. Các phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ diễn ra sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm, được dư luận xã hội, cử tri và đồng bào cả nước đánh giá cao.

Các đại biểu Quốc hội Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã đưa đến Quốc hội các phản ánh, kiến nghị của cử tri; phân tích sâu sắc và đóng góp nhiều ý kiến vào các nội dung của kì họp.

Các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 

Những ý kiến phát biểu tại hội trường và tại tổ của các đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có chiều sâu, phân tích có lý có tình, sát với thực tiễn cuộc sống đặt ra, theo các quy định của các luật hiện hành. Ngoài những căn cứ lý luận và thực tiễn được đưa ra mổ xẻ, phân tích, các kiến nghị về biện pháp và nhóm giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn được cơ quan truyền thông chuyển tải rộng rãi, cử tri và đồng bào, đồng tình ủng hộ.

Theo đó, với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm của đại biểu dân cử, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri tỉnh nhà và cả nước, Đoàn ĐBQH tỉnh và các đại biểu Quốc hội tỉnh đã chủ động nghiên cứu, góp ý vào 17 dự luật, 9 dự thảo nghị quyết và các vấn đề quan trọng của đất nước. Đoàn đã tham gia 35 lượt phát biểu ý kiến góp ý dự án luật, nghị quyết, trong đó có 12 lượt phát biểu tại tổ đại biểu, 17 lượt phát biểu, thảo luận trực tiếp tại Hội trường Quốc hội và 2 lượt góp ý bằng văn bản…

Tại phiên thảo luận Tổ, bày tỏ cơ bản thống nhất với các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, đánh giá về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến đề nghị Chính phủ cần cân nhắc đánh giá, dự báo sát tình hình để có giải pháp thích ứng linh hoạt, hiệu quả hơn nữa. Đồng thời để đảm bảo cho tăng trưởng kinh tế trong 3 tháng cuối năm 2023 và năm 2024, đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm một số nhóm vấn đề.

Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến phát biểu tại phiên thảo luận Tổ

Thứ nhất, cần nắm chắc tình hình thế giới và dự báo sát với tình hình đất nước và từ đó có kế hoạch ứng phó linh hoạt, phù hợp với tình hình  ứng phó linh hoạt, phù hợp với tình hình và có chính sách điều tiết hài hòa, cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tăng trưởng và lạm phát, giữa cung và cầu, giữa lãi suất và tỷ giá, giữa chính sách tiền tệ và tài khóa. Đại biểu nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế gặp nhiều khó khăn, sẽ ảnh hưởng đến lạm phát và hiện nay cung nhiều hơn cầu. Do đó phải tính toán làm thế nào để cho cân bằng hợp lý.

Thứ hai, duy trì kết quả đạt được của các ngành, lĩnh vực, có biện pháp bảo đảm nguồn cung từ sản xuất, tập trung vào những giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu để đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế.

Thứ ba, cần có những giải pháp quyết liệt, mạnh mẽ hơn về thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Cần phải tìm rõ những nguyên nhân để có những giải pháp quyết liệt hơn để thực hiện vấn đề này bởi đây là nguồn lực rất lớn để tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Thứ tư, xây dựng lộ trình, kế hoạch xử lý nợ xấu nội bảng; đánh giá đúng nguyên nhân nợ xấu và đề ra những giải pháp quyết liệt hơn để thực hiện và gắn với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng với xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2021-2025.

Liên quan đến công tác lập pháp tại kỳ họp, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phát huy tinh thần tích cực, trách nhiệm tham gia góp ý một cách kỹ lưỡng vào các nội dung của các dự án luật. Các ý kiến của các đại biểu được đánh giá cao, được tổng hợp đầy đủ và cơ quan chủ trì soạn thảo đã có tiếp thu.

Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc 

Phát biểu thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ liên quan đến quy định nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc cho rằng quy định này có tác động trực tiếp đến nhiều đối tượng khi tham gia giao thông. Đại biểu nêu rõ, theo các chuyên gia y tế cũng như thực tế, có những người trong thời gian điều khiển phương tiện giao thông hoặc ngày đó không sử dụng bia rượu hoặc chất có nồng độ cồn, tuy nhiên do điều kiện cơ thể sinh học hoặc trong quá trình chuyển hóa thức ăn có thể trong thời điểm đó thì trong hơi thở có nồng độ cồn vượt trên mức số 0. Do đó, đề nghị, cơ quan soạn thảo cần có sự phối hợp với các cơ quan chuyên ngành như Bộ Y tế, các chuyên gia nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung này, để khi luật ban hành thu hút sự quan tâm, ủng hộ, thực hiện tốt hơn.

Tham gia thảo luận tại hội trường về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Yên cho biết trong thực tiễn hiện nay, UBND cấp huyện vẫn có kho lưu trữ, giao cho phòng Nội vụ cấp huyện quản lý, chỉ đạo hoạt động lưu trữ tại cấp huyện. Tuy nhiên, điều luật chỉ quy định trách nhiệm quản lý tài liệu lưu trữ đối với UBND cấp tỉnh và cấp xã, không đề cập đến cấp huyện. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung thẩm quyền quản lý tài liệu lưu trữ và cơ sở dữ liệu tài liệu lưu trữ đối với UBND cấp huyện theo quy định.

Đại biểu Đỗ Văn Yên

Bên cạnh đó, tại Điều 25 dự án Luật mới quy định tài liệu lưu trữ tiếp cận có điều kiện gồm các loại tài liệu nào và thẩm quyền cho phép tiếp cận. Việc quy định như vậy theo đại biểu là chưa đầy đủ, Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm 2 nội dung vào điều luật gồm: Quy định cụ thể tiêu chí xác định tài liệu lưu trữ tiếp cận có điều kiện; Điều kiện để được khai thác tài liệu lưu trữ tiếp cận có điều kiện. Vì tài liệu lưu trữ có điều kiện phải có tiêu chí xác định cụ thể rõ ràng và không phải ai cũng có quyền khai thác, sử dụng; cho nên vấn đề này phải được quy định cụ thể vào nội dung của Luật.

Góp ý đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Dương Tấn Quân, nhận định: Dự thảo Luật đã quy định cơ bản, đủ các nội dung về thành lập, tổ chức, hoạt động, tổ chức lại, giải thể, phá sản tổ chức tín dụng; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng… Đặc biệt là đã bổ sung các quy định về “can thiệp sớm tổ chức tín dụng”, về “phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt”, về “xử lý trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt”, về “vay, cho vay đặc biệt” và về “xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu”.

Song đại biểu cho rằng quy định tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh chưa bao hàm đầy đủ các nội dung nêu trên, do đó đề nghị ban sọan thảo cân nhắc bổ sung một số nội sung đã được điều chỉnh trong dự thảo luật như: “chuyển giao bắt buộc, phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, xử lý trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, vay, cho vay đặc biệt” vào phạm vi điều chỉnh tại Điều 1.

Đại biểu Dương Tấn Quân

Đại biểu cũng đề nghị cần xem xét bổ sung quy định tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm thẩm tra, đánh giá mức độ “rủi ro tiềm ẩn” về “người có liên quan” của khách hàng bằng các biện pháp nghiệp vụ, công nghệ thông tin, sử dụng cơ sở dữ liệu về khách hàng, liên thông với các tổ chức tín dụng khác hoặc cơ quan chức năng theo “Quy định nội bộ”, thay cho việc chỉ quy định “một chiều” là “khách hàng phải cung cấp thông tin về người có liên quan cho tổ chức tín dụng”.

Phát biểu góp ý đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung quy định: Tất cả các thủ tục, trình tự đấu giá, tài sản đấu giá, giá khởi điểm… đều phải được gửi và đăng công khai trên Cổng đấu giá tài sản quốc gia. Trường hợp thiếu bất kỳ thông tin nào, sẽ là căn cứ để hủy bỏ kết quả đấu giá; nhất là công bố thông tin đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, nhà ở, khu đô thị.

Về xem xét bổ sung quy định về việc nhận uỷ quyền tham gia đấu giá tài sản, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho rằng để tránh việc thông đồng dìm giá trong hoạt động đấu giá tài sản, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần quy định cụ thể việc nhận ủy quyền tham gia đấu giá tài sản.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng

Về xem xét bổ sung quy định xử lý tài sản bán đấu giá không thành, đại biểu Hùng cho biết, tại Khoản 3, Điều 52 Luật Đấu giá Tài sản quy định: “Việc xử lý tài sản đấu giá không thành được thực hiện theo quy định của pháp luật hoặc đấu giá lại theo thỏa thuận giữa người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản”. Quy định này thì mỗi loại tài sản có cách xử lý khác nhau. Song đại biểu dẫn chứng thực tế trong đời sống pháp lý, đối với tài sản bán đấu giá để thi hành án dân sự, thì Khoản 5 Điều 104 của Luật Thi hành án dân sự cho phép sau mỗi lần bán đầu giá không thành, thì mỗi lần đấu giá sau sẽ được giảm giá không quá 10% giá khởi điểm của lần đấu giá trước đó. Trong khi đó, các loại tài sản khác lại không được áp dụng cơ chế này, mà vẫn phải đấu giá lại với giá khởi điểm giữ nguyên. Điều này dẫn đến việc xử lý tài sản này kéo dài không hiệu quả. Từ đó, đại biểu đề nghị đề nghị Ban soạn thảo khảo sát, đánh giá tình hình thực tiễn về việc giảm giá 10% của tài sản bán đấu giá để thi hành án, nếu phù hợp thì thể chế hoá vào dự án Luật (sửa đổi) cho phép áp dụng rộng rãi cho các loại tài sản khác như tài sản thi hành án.

Tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sau kỳ họp, cử tri ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp trí tuệ, tâm huyết của Đoàn ĐBQH tỉnh vào sự thành công của Kỳ họp thứ 6. Qua đó, đã mang tiếng nói, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân đến nghị trường Quốc hội.

Bảo Yến - Nghĩa Đức