THẢO LUẬN TỔ 7: CẦN QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ VIỆC ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG HOẠT ĐỘNG ĐẤU GIÁ TÀI SẢN

10/11/2023

 

Toàn cảnh phiên họp Tổ

Thảo luận tại tổ 7 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, chiều ngày 08/11, các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ của hệ thống pháp luật; quy định trách nhiệm xét duyệt điều kiện tham gia đấu giá thuộc cơ quan đủ thẩm quyền, năng lực chuyên môn;....

Hiện nay, trong hoạt động đấu giá xuất hiện những bất cập như: Tình trạng gây mất an ninh trật tự trong các phiên đấu giá; tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, dìm giá, lũng đoạn giá; còn tình trạng "trích phần trăm", "hưởng hoa hồng" giữa người có tài sản đấu giá và tổ chức bán đấu giá; quy định về áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến còn một số hạn chế, bất cập; quy định về thời hạn bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá còn chưa hợp lý; chế tài xử lý chưa đủ mạnh đối với các hành vi vi phạm; việc định giá tài sản, xác định giá khởi điểm để đấu giá, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất còn chưa hợp lý, còn có trường hợp xác định giá khởi điểm rất thấp so với giá thị trường, dẫn đến tình trạng đầu cơ, trục lợi, tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát tài sản nhà nước…

Do đó, nhiều đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xử lý tài sản công, không để sơ hở, bất cập để các đối tượng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá tài sản; tiếp tục nghiên cứu, quy định chặt chẽ về quyền và trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá tài sản, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; quy định cụ thể về việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi.

 Đại biểu Nguyền Trường Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông

Bên cạnh đó, cơ quan soạn thảo cần quy định cụ thể, chặt chẽ nhằm hạn chế, triệt tiêu tình trạng thông đồng, dìm giá, lung đoạn giá trong các cuộc đấu giá tài sản, đặc biệt là đấu giá tài sản thuộc quyền sử hữu của Nhà nước; đối với tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước có mức giá khởi điểm trên 500 triệu đồng, buộc phải tiến hành đấu giá theo hình thức trực tuyến.

 Đối với tài sản thi hành án, đây là tài sản đặc thù, mặt khác Chấp hành viên chỉ là người có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo quy định của pháp luật (không phải là người sử dụng, người sở hữu tài sản). Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu có những quy định riêng cho phù hợp với các quy định về thi hành án cũng như bảo đảm tốt quyền lợi của người sở hữu, sử dụng tài sản. Bổ sung quy định về xem tài sản đấu giá; cần quy định rõ hơn đối với thời điểm tổ chức xem tài sản, tổ chức đấu giá tài sản có nghĩa vụ trực tiếp dẫn người tham gia đấu giá đi xem tài sản hoặc có thể sử dụng hình thức xem tài sản nào khác. Việc xem tài sản có cần thể hiện bằng văn bản, hình ảnh hay hình thức khác để chứng minh người tham gia đấu giá đã xem tài sản; nghiên cứu bổ sung quy định đối với các trường hợp cơ quan có thẩm quyền được phép yêu cầu dừng hoặc tạm dừng cuộc đấu giá; nghiên cứu bỏ quy định đối với Văn phòng giao dịch, Văn phòng đại diện của Doanh nghiệp đấu giá tài sản vì phát sinh nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước của địa phương.

Đấu giá là một nghề, nghề đấu giá cần phải được đào tạo bài bản từ kiến thức đến kỹ năng tổ chức đấu giá, từ đó mới có đội ngũ đấu giá viên chuyên nghiệp. Theo quy định tại Điều 12 dự thảo luật, có một số ngành nghề như luật sư, công chức viên, thừa phát lại, thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên… được miễn đào tạo nghề đấu giá là chưa phù hợp với yêu cầu ngày càng tăng cao của công tác đấu giá. Tại khoản 15 Điều 1, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung bước giá đối với hình thức đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp.

Đại biểu Hoàng Văn Liên, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Tại khoản 8, Điều 5, có đại biểu đề nghị nên sửa lại “Người trúng đấu giá là cá nhân, tổ chức trả giá cao nhất cao hơn giá khởi điểm ban đầu ít nhất một bước giá hoặc ít nhất bằng giá khởi điểm ban đầu đối với trường hợp quy định tại Điều 49 của Luật này khi đấu giá theo phương thức trả giá lên”. Vì trong thực tế nếu 02 người tham gia trả giá chỉ trả bằng giá khởi điểm mà không trả cao hơn giá khởi điểm sẽ tiến hành bốc thăm (theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 42 và khoản 4, Điều 43) như vậy nếu để nguyên quy định tại khoản 8, Điều 5 sẽ không đảm bảo chọn ra người trúng đấu giá là người trả giá cao nhất.

Về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản cần cân nhắc quy định tại khoản 2 về thời gian thông báo thay đổi địa điểm trước ngày mở cuộc đấu giá chỉ có 01 ngày làm việc; quy định như vậy sẽ gây bất lợi cho người tham gia đấu giá, nhất là đối với những trường hợp ở cách xa địa điểm đấu giá.

Về tính khả thi của quy định người có tài sản đấu giá phải có nghĩa vụ thẩm tra, xét duyệt điều kiện tham gia đấu giá của người tham gia đấu giá vì việc xét duyệt điều kiện này phải thuộc trách nhiệm của tổ chức đấu giá tài sản là cơ quan có tính chuyên môn, chuyên nghiệp cao đối với hoạt động đấu giá tài sản. Việc yêu cầu người có tài sản đấu giá phải xét duyệt điều kiện của người tham gia đấu giá là chưa phù hợp, nhất là đối với trường hợp người có tài sản đấu giá là cá nhân hoặc trường hợp có số lượng lớn người tham gia đấu giá đối với cùng một tài sản đấu giá; đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về hồ sơ đánh giá năng lực, điểm tích lũy kinh nghiệm của người tham gia đấu giá tài sản, nhất là đối với việc đấu giá quyền khai thác khoáng sản, bảo đảm lựa chọn được người tham gia đấu giá tài sản có đủ năng lực về tài chính, chuyên môn và kinh nghiệm.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung, Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Theo các đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đoàn ĐBQH tỉnh Long An, việc sửa đổi luật nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động bổ trợ tư pháp nói chung, trong đó có hoạt động đấu giá tài sản để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, dự án Luật cần quy định rõ ràng, chi tiết hơn về việc xử lý nhà đầu tư trúng thầu một dự án nhưng lại “bỏ của chạy lấy người”. Nhà đầu tư trúng thầu rồi sau đó không đặt cọc mà bỏ thầu thì sẽ gây thất toát lớn đến việc đầu tư cho dự án, làm mất niềm tin của các nhà đầu tư chân chính khác.

Cao Lệ Quyên

Các bài viết khác