Tổ 5 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kiên Giang.
Phát huy thế mạnh và khắc phục tồn tại, hạn chế của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân hiện hành
Theo Tờ trình của Toà án nhân dân tối cao, việc xây dựng dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) là cần thiết để thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; phát huy thế mạnh và khắc phục tồn tại, hạn chế của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân hiện hành; đáp ứng đòi hỏi của tình hình, nhiệm vụ mới; tham khảo có chọn lọc thành tựu khoa học pháp lý tiên tiến trên thế giới.
Dự án Luật hướng đến mục tiêu hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Việc xây dựng dự án Luật trên cơ sở đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, thể chế hoá được các chủ trương, nghị quyết của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; phù hợp với tình hình thực tiễn; kế thừa truyền thống pháp luật tốt đẹp, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm và thành tựu khoa học pháp lý tiến bộ của thế giới.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp
Quá trình xây dựng dự án Luật đã tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014; đánh giá tác động của chính sách mới, tổ chức nhiều hội thảo quốc gia và quốc tế; tiếp thu ý kiến các cơ quan; tuân thủ đầy đủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Kết cấu của dự thảo Luật gồm gồm 154 Điều được bố cục thành 09 chương; trong đó, bổ sung 54 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên: 07 điều.
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức tòa án như lý do đã nêu trong Tờ trình của Toà án nhân dân tối cao và những ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp để nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Dự thảo Luật phù hợp với các nghị quyết, văn kiện của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật, đề nghị Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục rà soát các luật có liên quan, nhất là các luật trong lĩnh vực tư pháp và đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Các đại biểu cũng cho rằng, hồ sơ dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, cơ bản đáp ứng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thảo luận.
Rà soát, đánh giá kỹ lưỡng các quy định
Góp ý cụ thể vào dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho biết, tại khoản 1 Điều 3 của Dự thảo Luật có quy định: “Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, quyết định về các tranh chấp, vi phạm pháp luật; những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân; quyền giải thích áp dụng pháp luật và bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất xét xử".
Đại biểu bày tỏ thống nhất với việc quy định nội dung tòa án thực hiện quyền tư pháp trong dự thảo Luật. Vì quyền tư pháp tuy đã được đề cập trong Hiến pháp nhưng chưa được cụ thể hóa nội hàm trong văn bản luật, nên chưa có cách hiểu thống nhất về nội dung này. “Tuy nhiên, việc làm rõ nội dung tòa án thực hiện quyền tư pháp là vấn đề rất lớn, phức tạp có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tòa án nhân dân và các cơ quan tư pháp khác.”, đại biểu Thắng nêu quan điểm.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang
Đại biểu cho rằng, tại khoản 1 Điều 3 cũng có nội dung chưa phù hợp. Ví dụ như: quyền giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử. Theo quy định tại điều 74 Hiến pháp 2013, một trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là giải thích hiến pháp, luật, pháp lệnh. Trong khi đó, việc giải thích áp dụng pháp luật và bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất pháp luật trong xét xử là những nhiệm vụ, quyền hạn mang tính nghiệp vụ mà thẩm phán đồng thời thực hiện trong quá trình giải quyết vụ việc, vụ án cụ thể để bảo đảm chức năng xét xử của tòa án.
Vì vậy Dự thảo luật quy định tòa án giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử dễ gây nhầm lẫn sang thẩm quyền giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh thuộc thẩm quyền của Ủy ban thường vụ Quốc hội được quy định tại Hiến pháp. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn theo tiếp tục ra soát để quy định đầy đủ cụ thể và phù hợp hơn về nội dung tòa án thực hiện quyền tư pháp.
Liên quan đến việc đổi tên gọi của Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân cấp huyện, theo tờ trình của Toà án nhân dân tối cao, dự thảo Luật dự kiến đổi tên tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành tòa án nhân dân phúc thẩm; tòa án nhân dân huyện quận thị xã thành phố thuộc tỉnh thành Tòa sơ thẩm là để thể chế hóa nhiệm vụ bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử.
Tuy nhiên, đại biểu cho biết, qua rà soát các quy định tại dự thảo thì chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các toà án này không thay đổi mà vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành. Ví dụ khoản 1 Điều 55 quy định về nhiệm vụ quyền hạn của tòa án nhân dân phúc thẩm, thì tòa án phúc thẩm vẫn sơ thẩm vụ việc theo quy định. Như vậy thay đổi này của dự thảo luật mới chỉ dừng lại ở thay đổi về tên gọi của các tòa án nhân dân mà chưa có sự thay dổi nào về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống toà án như mục tiêu đã nêu. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục đánh giá kỹ lưỡng hơn về nội dung này.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - ĐBQH tỉnh Kiên Giang
Phát biểu về dự thảo Luật này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - ĐBQH tỉnh Kiên Giang đề nghị nên bỏ Điều 26 về Tòa án giải quyết và xét xử vi phạm hành chính. Hiện nay thì theo quy định của pháp luật hiện hành mà chúng ta đã và đang thực hiện thì Tòa án đã có thẩm quyền trong xử lý vi phạm hành chính đối với bốn trường hợp gồm: xử phạt hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng; áp dụng cái biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và áp dụng cái biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Như vậy, xét về mặt thẩm quyền của Tòa án trong việc giải quyết các vi phạm hành chính thì đã có rồi.
Bên cạnh đó, về cơ cấu tổ chức bộ máy cũng như chức năng của cơ quan nhà nước như Chính phủ, Tòa án đã được quy định trong Hiến pháp, cũng như quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của Chính phủ trong Luật tổ chức Chính phủ. Theo đó, chức năng và nhiệm vụ chính liên quan đến việc này của Chính phủ là kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm quy tắc quản lý hành chính nhà nước do các cơ quan hành chính thực hiện thống nhất từ Trung ương tới địa phương để bảo đảm quản lý nhà nước gắn liền với việc phát hiện và xử lý các vi phạm hành chính. “Như vậy, đây là chức năng hiến định và đồng thời đã được quy định khá cụ thể trong Luật tổ chức Chính phủ về vai trò của Chính phủ.”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, như vậy, nếu chuyển toàn bộ chức năng này hay một phần chức năng này sang bên Tòa án theo Bộ trưởng cần phải có đánh giá rất là kỹ, sau đó rồi thì bắt đầu chúng ta mới tính toán, cân nhắc xem là có quy định cái việc này chuyển từ Chính phủ sang Tòa án hay không.
Ngoài ra, Điều 103, Hiến pháp năm 2013 quy định, Tòa án không phải là cơ quan giải quyết các vi phạm hành chính nói chung hay là xét xử các vi phạm hành chính, trừ các vụ án hành chính, vì vậy Bộ trưởng đề nghị cân nhắc để tránh trùng lẫn với chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ, đồng thời bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Tòa án theo quy định của Hiến pháp.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật cân nhắc quy định về giải quyết, xét xử vi phạm hành chính được quy định tại Điều 26 dự thảo Luật. Bởi heo quy định tại khoản 1, Điều 17 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì “Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi cả nước”. Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định gần 200 chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính. Với số lượng vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước rất lớn như hiện nay, việc chuyển đổi chức năng xử lý vi phạm hành chính sang Tòa án để xét xử là khó khả thi…
Một số hình ảnh tại phiên họp:
Các đại biểu tại phiên họp
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Tổ chức tòa án như lý do đã nêu trong Tờ trình của Toà án nhân dân tối cao và những ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tư pháp để nhằm đẩy mạnh cải cách tư pháp, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới
Đồng thời cho rằng, dự thảo Luật phù hợp với các nghị quyết, văn kiện của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, tính hợp pháp và cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên
Các đại biểu bày tỏ thống nhất với việc quy định nội dung tòa án thực hiện quyền tư pháp trong dự thảo Luật
Các đại biểu tại phiên họp