Tổ 5 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kiên Giang.
Theo Báo cáo của Chính phủ, thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Quốc hội, Chính phủ đã đẩy mạnh việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ, đến nay đã đưa vào khai thác sử dụng nhiều công trình trọng điểm, hiện đại như các tuyến cao tốc: Bắc Giang - Lạng Sơn, Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Móng Cái, La Sơn - Túy Loan, thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, các cầu lớn như Tân Vũ - Lạch Huyện, Bạch Đằng, Nhật Tân, Cao Lãnh, Vàm Cống... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước.
Nhấn mạnh về sự cần thiết xây dựng Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, Báo cáo của Chính phủ có nêu, trong quá trình triển khai áp dụng các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ đã bộc lộ, phát sinh một số quy định cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình, nhằm khơi thông nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công vào lĩnh vực giao thông đường bộ, là một trong những lĩnh vực hạ tầng quan trọng quốc gia.
Dự thảo Nghị quyết mà Chính phủ trình Quốc hội có bố cục gồm 10 Điều với nội dung chính gồm 05 nhóm chính sách, trong mỗi chính sách sẽ có danh mục thí điểm kèm theo. Chính phủ đề xuất nguyên tắc xây dựng danh mục thí điểm như sau: (1) Có đề xuất bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải và/hoặc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; (2) Đã xác định hoặc dự kiến được nguồn vốn đầu tư để có thể triển khai thực hiện dự án; trường hợp sử dụng vốn ngân sách địa phương phải có cam kết bố trí vốn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trước khi cấp có thẩm quyền quyết định danh mục dự án được áp dụng chính sách thí điểm; (3) Có địa điểm, thời gian thực hiện rõ ràng, cụ thể; (4) Các dự án đề xuất phải thuộc một trong các nhóm chính sách đang đề xuất thí điểm của Nghị quyết này.
Các đại biểu Quốc hội tại Phiên họp
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là những vấn đề mới, pháp luật chưa có quy định thì việc Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách mới là cần thiết và đúng thẩm quyền.
Nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc nêu rõ, một số quy định pháp luật hiện nay đã hạn chế tới việc huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình giao thông. Trong khi đó, nhiều địa phương cần có giao thông để phát triển kinh tế- xã hội nhưng Nhà nước không đáp ứng được kịp thời. Các ý kiến đại biểu cũng cho rằng, hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã đảm bảo đầy đủ theo các điều kiện mà pháp luật quy định.
Bên cạnh đó, hiện nay có một số quy định pháp luật đang cản trở đến tiến độ đầu tư các công trình giao thông đường bộ như quy định cấp phép khai thác mỏ, do vậy, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến cho rằng việc ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng là cần thiết.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc
Góp ý về các nội dung cụ thể, đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng, nội dung về tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định đối với các dự án giao thông đường bộ, tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư không quá 70% tổng mức đầu tư của dự án là hợp lý. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đồng tình về cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được quy định tại Điều 7. Tuy nhiên, dự thảo Luật nên phân định rõ đâu là nguyên tắc, đâu là tiêu chí để áp dụng phù hợp.
Cũng nhất trí với sự cần thiết ban hành dự thảo Nghị quyết này, đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai cho rằng, dự thảo Nghị nguyết có tính chất đột phá, khả thi cao, giúp phát huy hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách Trung ương kết hợp với ngân sách địa phương trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Đại biểu Quốc hội Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai
Về nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn dự án thí điểm, đại biểu Sùng A Lềnh cho rằng, bên cạnh có đề xuất bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải và/hoặc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như quy định tại dự thảo Nghị quyết thì cần bổ sung tiêu chí “có đề xuất Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp”.
Đối với cấp công trình thuộc trung ương quản lý, đại biểu Sùng A Lềnh cũng cho rằng, sau khi hoàn thành xây dựng dự án, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bàn giao công trình cho Bộ Giao thông vận tải quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì theo quy định hiện hành liên quan. Bởi, hiện nay Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là các đơn vị trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được giao quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì một số đường cao tốc. Do đó, cần điều chỉnh để phù hợp với nhu cầu đầu tư, nâng cấp một số công trình thuộc các tuyến đường đang quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì.
Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tán thành với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ trên tinh thần ủng hộ và cùng Chính phủ tháo gỡ những tồn tại đã thấy rõ trong thực tế, qua đó thúc đẩy nhanh tiến độ và xử lý một phần các khó khăn về vốn hiện nay cho những công trình giao thông đường bộ đã đáp ứng đủ các nguyên tắc, tiêu chí đã đề ra. Phạm vi áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù này là trong giới hạn nhất định, không thể coi thí điểm để sau đó tổng kết đưa ra áp dụng rộng rãi trên cả nước.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải
Nhấn mạnh về lâu dài và cơ bản, nếu vướng văn bản pháp luật ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, nếu là nghị định thì Chính phủ phải giải quyết, nếu qua tổng kết đợt này thấy vướng do quy định của luật thì Quốc hội, Chính phủ rà soát, xây dựng các dự án luật sửa đổi, bổ sung, song Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đến nay, Chính phủ chưa thấy có vướng mắc trong thực hiện các đạo luật hiện hành, Các cơ chế, chính sách đặc thù được đề xuất áp dụng thí điểm lần này để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình giao thông đường bộ.
Hiện nay, danh mục dự án được áp dụng cơ chế đặc thù áp dụng đối với các dự án sử dụng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương (NSTW) năm 2022 được Chính phủ trình kèm Tờ trình đều là các dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư, thậm chí một số dự án chỉ một dòng đề xuất của của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải. Các thông tin về dự án, tổng mức đầu tư, số vốn NSTW bố trí vốn cho các dự án chưa có cơ sở, chưa bảo đảm tính chính xác. Đưa ra thực tế này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, những dự án đề xuất Quốc hội cho thí điểm phải thực sự cần thiết, cấp bách, đáp ứng điều kiện, tiêu chí theo quy định, đã có đầy đủ thủ tục đầu tư, phù hợp với Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Những dự án chưa đủ điều kiện cần phải tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đầu tư trình Quốc hội, hoặc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nếu được Quốc hội ủy quyền xem xét, quyết định trong thời gian Nghị quyết có hiệu lực thi hành.
Ngoài ra tại phiên họp, các đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật làm rõ, cụ thể thêm về các dự án giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền đầu tư của Bộ Giao thông qua nhiều địa phương quy định tại Điều 6 là gồm những loại nào? (Quốc lộ, cao tốc…).
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tán thành với việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ trên tinh thần ủng hộ và cùng Chính phủ tháo gỡ những tồn tại đã thấy rõ trong thực tế, qua đó thúc đẩy nhanh tiến độ và xử lý một phần các khó khăn về vốn hiện nay cho những công trình giao thông đường bộ đã đáp ứng đủ các nguyên tắc, tiêu chí đã đề ra
Các đại biểu tại Phiên họp
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cho rằng, đây là những vấn đề mới, pháp luật chưa có quy định thì việc Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách mới là cần thiết và đúng thẩm quyền
Các đại biểu cho rằng, hiện nay có một số quy định pháp luật đang cản trở đến tiến độ đầu tư các công trình giao thông đường bộ như quy định cấp phép khai thác mỏ, do vậy, đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến cho rằng việc ban hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng là cần thiết