GÓP Ý HOÀN THIỆN ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU GIẢI PHÁP THU HÚT VỐN FDI VÀO HÀ TĨNH

02/10/2023

Chiều 2/10, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội thảo kết quả nghiên cứu đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu giải pháp marketing lãnh thổ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Hà Tĩnh”. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia và Ủy viên chuyên trách Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ (chủ nhiệm đề tài) chủ trì hội thảo.

CỬ TRI TP HÀ TĨNH KIẾN NGHỊ NHIỀU VẤN ĐỀ LIÊN QUAN ĐẾN ĐỜI SỐNG DÂN SINH

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia và Ủy viên chuyên trách Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ (chủ nhiệm đề tài) chủ trì hội thảo.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh Trần Đình Gia cho biết: Thời gian qua, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã và đang là một kênh bổ sung vốn rất quan trọng cho kinh tế Hà Tĩnh. Tuy vậy, việc thu hút đầu tư vẫn chưa đáp ứng nhu cầu và hiệu quả trong dài hạn. Do đó, xây dựng quy trình thực hiện marketing lãnh thổ có hệ thống để tăng cường thu hút vốn đầu tư đang là nhiệm vụ có ý nghĩa cấp thiết.

Hội thảo tập trung vào việc nghiên cứu cơ sở lý luận, kinh nghiệm marketing lãnh thổ trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại một số quốc gia và địa phương trong nước; vận dụng các công cụ marketing lãnh thổ nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; thực trạng thu hút vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Tĩnh; đề xuất các giải pháp marketing lãnh thổ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Hà Tĩnh...

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe báo cáo sơ lược đề tài, tóm tắt kết quả đề tài; nghe các báo cáo về “Phát huy vai trò ngoại giao kinh tế nâng cao hiệu quả marketing lãnh thổ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào tỉnh Hà Tĩnh”, “Tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hà Tĩnh”.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Trương Văn Cường góp ý cần quan tâm tới các giải pháp mang tính đột phá để tăng sức thuyết phục cho đề tài.

Tham gia thảo luận, các đại biểu cho rằng, đề tài đã thể hiện được tính bao quát, kịp thời, phù hợp với yêu cầu phát triển của Hà Tĩnh. Một số ý kiến cho rằng, cần xem xét một số doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài nhưng chưa được đưa vào doanh nghiệp FDI; cần làm rõ những chính sách riêng biệt của Hà Tĩnh; cần đưa ra được các giải pháp từ các cơ quan tiếp cận đầu tư. Bên cạnh đó, đề tài cũng nên tập trung phân tích vào các dự án đang hoạt động; bổ sung thêm các dự án có vốn đầu tư nước ngoài không sử dụng đất; thống nhất lại số liệu về xúc tiến đầu tư...

Đại biểu góp ý cần bổ sung các chính sách liên quan tới cơ chế đặc thù; bổ sung thêm thông tin về ngân sách liên quan tới thu hút đầu tư; làm rõ thêm vấn đề marketing, các hợp đồng hợp tác kinh doanh. Quá trình nghiên cứu các chính sách cần cụ thể, gắn với thực tiễn địa phương; tập trung đẩy mạnh vấn đề truyền thông.

Bên cạnh đó, các ý kiến cho rằng, cần làm rõ những khó khăn của Hà Tĩnh trong thu hút các nhà đầu tư để từ đó có giải pháp tháo gỡ mang tính chiến lược, phù hợp và lâu dài; cần quan tâm thêm các giải pháp mang tính đột phá để tăng sức thuyết phục cho đề tài. Đề tài cần đề cập tới kết quả và giải pháp của công tác ngoại giao kinh tế; chú trọng giải pháp về tiếp cận đất đai...

Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ tiếp thu ý kiến.

Kết thúc hội thảo, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ - chủ nhiệm đề tài đã tiếp thu các ý kiến trao đổi, góp ý của các đại biểu. Đây là những nội dung quan trọng để nhóm nghiên cứu tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa, sớm hoàn thiện đề tài; đồng thời là cơ sở khoa học, tài liệu tham khảo cho các cơ quan Nhà nước trong quá trình xây dựng chủ trương, chính sách liên quan đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hà Tĩnh.

(Theo Báo điện tử Hà Tĩnh)