ĐOÀN ĐBQH TỈNH CAO BẰNG KHẢO SÁT THỰC TẾ VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT THUỘC VƯỜN QUỐC GIA PHIA OẮC – PHIA ĐÉN

13/09/2023

Sáng 12/9, Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng do đồng chí Bế Minh Đức, Tỉnh uỷ viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn khảo sát thực tế việc quản lý, sử dụng đất thuộc Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén, huyện Nguyên Bình. Tham gia đoàn có đồng chí Hoàng Văn Thạch, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành.

CỬ TRI TỈNH CAO BẰNG KIẾN NGHỊ NHIỀU VẤN ĐỀ PHÁT SINH TRONG THỰC TIỄN

Diện tích đất Vườn Quốc gia được giao theo Quyết định số 2394/QĐ-UBND, ngày 27/12/2013, Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 11/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở nâng hạng Khu bảo tồn thiên nhiên Phia Oắc – Phia Đén nằm trong địa giới hành chính của 4 xã: Thành Công, Quang Thành, Phan Thanh, Hưng Đạo và thị trấn Tĩnh Túc.

Khu bảo tồn thiên nhiên Phia Oắc – Phia Đén nằm trong địa giới hành chính của 4 xã: Thành Công, Quang Thành, Phan Thanh, Hưng Đạo và thị trấn Tĩnh Túc.

Đoàn khảo sát thực tế tại một số vị trí đất có hiện trạng xen lẫn, xen kẹp đất nông nghiệp, đất sản xuất của người dân đã canh tác sử dụng từ lâu trong khu vực Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén, thuộc địa phận xóm Pù Vài, xóm Bành Tổng, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình. Theo quy hoạch, tổng diện tích đất quy hoạch Vườn Quốc gia trên địa bàn xã Thành công là 3.300 ha. Trong đó, diện tích thuộc khu bảo vệ nghiêm ngặt là 980 ha; diện tích đất nông nghiệp, đất nhà ở chồng lấn với diện tích quy hoạch Vườn Quốc gia là 190 ha; diện tích đất chiếm dụng là 15 ha.

Diện tích đất canh tác chồng lấn của người dân gây khó khăn cho việc quản lý đất đai theo quy định.

Báo cáo tại buổi làm việc với Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phia Oắc - Phia Đén cho thấy, công tác quản lý, sử dụng đất thuộc Vườn Quốc gia trên địa bàn xã Thành Công còn nhiều khó khăn, nhất là đối với việc thống kê, rà soát và quản lý đất chồng lấn; việc thực hiện cắm mốc và giao đất vườn quốc gia ngoài thực địa chưa được thực hiện; đất rừng dự án Pam trồng thông và trồng trúc của người dân quy hoạch vào vườn quốc gia chưa thực hiện việc thu hồi, đền bù cho người dân; diện tích đất canh tác chồng lấn của người dân, đất đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận và diện tích đất tuy đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở nằm trong quy hoạch vườn quốc gia nhưng chưa được bóc tách đất ra khỏi vườn quốc gia, do vậy gây khó khăn cho việc quản lý đất đai theo quy định.

Chính quyền địa phương cũng chia sẻ những tác động, ảnh hưởng đến người dân sinh sống trong khu vực vườn quốc gia khi không thể mở rộng, tăng gia sản xuất; các hoạt động sản xuất nông nghiệp có nguy cơ ảnh hưởng tới công tác bảo vệ rừng; những hạn chế về quyền chuyển mục đích sử dụng đất của người dân, đặc biệt là những ảnh hưởng về sinh kế của người dân do những hạn chế về quyền và cơ hội tiếp cận, sử dụng và hưởng lợi từ rừng, đất rừng.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng Bế Minh Đức phát biểu kết luận buổi khảo sát.

Kết luận tại buổi khảo sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bế Minh Đức đề nghị UBND huyện cụ thể hóa nội dung nhiệm vụ của mình trong báo cáo và gửi lại cho đoàn công tác vào ngày 18/9 để đoàn tổng hợp và chuyển kiến nghị liên quan đến cấp có thẩm quyền giải quyết, bảo vệ quyền lợi của người dân kịp thời. Huyện phối hợp rà soát diện tích đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận cho người dân; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân quản lý đất đai, bảo vệ rừng...

Oanh Điệp