ĐOÀN ĐBQH TỈNH KON TUM KHẢO SÁT TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 43/2022/QH15 CỦA QUỐC HỘI TẠI NHNN CHI NHÁNH TỈNH KON TUM

18/08/2023

Chiều 18/8, đồng chí Phạm Đình Thanh - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về “chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội” tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh.

ĐOÀN ĐBQH TỈNH KON TUM KHẢO SÁT TÌNH HÌNH THỰC HIỆN DỰ ÁN XÂY MỚI, CẢI TẠO, NÂNG CẤP CƠ SỞ TRỢ GIÚP XÃ HỘI

Đồng chí Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum Phạm Đình Thanh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TL

Theo báo cáo của NHNN Chi nhánh tỉnh Kon Tum, để thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội; Chính phủ và NHNN Việt Nam  đã ban hành các chính sách, giải pháp hỗ trợ tương đối đầy đủ, kịp thời. Các TCTD trên địa bàn tỉnh đã triển khai việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hỗ trợ lãi suất đúng quy định, đúng đối tượng, đúng mục đích... và thực hiện ngăn chặn các sai phạm, rủi ro, trục lợi chính sách.

Tính đến ngày 31/7/2023, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 43.634 tỷ đồng, tăng 1,6% (tăng 707 tỷ đồng) so với thời điểm 31/12/2022, tăng 6,2% so với cùng ký năm trước; đối với các lĩnh vực ưu tiên, dư nợ tín dụng ước đạt 37.267 tỷ đồng, chiếm 85,4% tổng dư nợ, trong đó: dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 27.978 tỷ đồng, chiếm 67,1%, giảm 0,8% so với thời điểm 31/12/2022; dư nợ cho vay doanh nghiệp ước đạt 14.000 tỷ đồng, chiếm 32,3% tổng dư nợ, tăng 1,5% (tăng 209 tỷ đồng) so với cuối năm 2022.

Tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (tính đến ngày 30/6/2023) là 6.914 tỷ đồng. Các TCTD đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 150 khách hàng. Trong đó, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 82 khách hàng với tổng giá trị nợ đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ lũy kế là 664,39 tỷ đồng (gốc: 581,60 tỷ đồng; lãi: 82,79 tỷ đồng); miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho 68 khách hàng với tổng giá trị nợ đã được miễn, giảm lãi lũy kế là 33,06 tỷ đồng, đồng thời cho vay mới với lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế đạt 13.314 tỷ đồng, dư nợ tại thời điểm 30/6/2022 là 639,31 tỷ đồng với 4.475 khách hàng.

Tuy vậy, khả năng phục hồi và hấp thụ vốn tín dụng để sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn tỉnh còn hạn chế. Kết quả triển khai gói hỗ trợ lãi suất (HTLS) theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ trong thời gian qua chưa đạt như kỳ vọng mà nguyên nhân chủ yếu là do khách hàng đa ngành nghề, hộ sản xuất, kinh doanh không có giấy phép kinh doanh; nhiều ngành nghề, mục đích sử dụng vốn vay theo quy định được hỗ trợ lãi suất không phát sinh hoặc có phát sinh thì ở quy mô khá nhỏ bé.

Qua đây, NHNN Chi nhánh tỉnh Kon Tum kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần cụ thể hóa các điều kiện để đối tượng thụ hưởng được thuận lợi trong việc tiếp cận và thụ hưởng chính sách. Đối với chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, đề nghị NHNN Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tiếp tục rà soát, phối hợp xử lý các vướng mắc phát sinh để tăng tiến độ giải ngân của chương trình; đồng thời mở rộng thêm đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP.

Qua nghe các ý kiến phát biểu và qua theo dõi, đồng chí Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum Phạm Đình Thanh cho rằng NHNN Chi nhánh tỉnh và các TCTD đã quán triệt và kịp thời tham mưu UBND tỉnh triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về triển khai Nghị quyết 43/2022/QH15 đạt được một số kết quả tích cực. Đồng chí đề nghị trong thời gian tới, NHNN Chi nhánh tỉnh cần theo dõi, chỉ đạo các đơn vị liên quan phát huy kết quả đã đạt được, thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội đã đề ra.

Đối với các kiến nghị của NHNN Chi nhánh tỉnh Kon Tum sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh rà soát, nghiên cứu, tổng hợp, gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét.

(Theo Báo điện tử Kon Tum)