ĐOÀN ĐBQH THÀNH PHỐ HÀ NỘI LÀM VIỆC VỚI CÁC ĐƠN VỊ CHỦ CHỐT TRƯỚC KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV
Quang cảnh hội nghị
Tham dự buổi tiếp xúc cử tri có bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cùng các đại biểu Quốc hội Lê Quân, Trần Việt Anh và Trần Thị Nhị Hà.
Qua theo dõi, cử tri đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, đồng thời bày tỏ quan tâm đến việc sửa đổi Luật đất đai. Từ thực tế thu hồi, giải phóng mặt bằng, cử tri đề nghị, giá thu hồi đất phải sát với giá thị trường để đảm bảo quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất. Ông Nguyễn Sỹ Lượng, cử tri xã Tân Hội, huyện Đan Phượng cho rằng, bảng giá đất hiện nay quá lâu mới thay đổi, đề nghị mỗi năm phải chỉnh giá một lần cho “khớp” với giá thị trường. “Phải để cấp huyện làm, xong trình lên thì nó mới sát với thực tế của huyện, chứ bây giờ các ngành của thành phố, Trung ương xuống có biết đâu giá ở Đan phượng thế này”, ông Lượng kiến nghị.
Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội lắng nghe ý kiến của cử tri tại hội nghị
Trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri, bà Phạm Thị Thanh Mai, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, ý kiến kiến nghị của cử tri rất xác đáng. Những vấn đề như quy hoạch, định giá đất, xây dựng bảng giá đất hay đền bù đất đai đã được rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Chính phủ cũng rất cầu thị, đã quy định bỏ khung giá đất để không bị bó, đảm bảo việc sát giá thị trường, đồng thời cũng điều chỉnh các phương pháp định giá đất để đảm bảo công khai, minh bạch, chống lợi ích nhóm và kiểm soát được giá. “Xây dựng Bảng giá đất lần đầu phải thực hiện như thế nào, hàng năm cập nhật, bổ sung điều chỉnh ra sao, dự thảo Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết những nội dung này”, bà Mai cho biết thêm.
Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại hội nghị.
Cử tri cũng cho rằng, cùng một loại đất khi đến bù giải phóng mặt bằng phục vụ dự án đầu tư công thì theo giá nhà nước, nhưng nếu chuyển nhượng cho doanh nghiệp lại đền bù theo thỏa thuận, do đó có sự chênh lệch làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Về vấn đề này, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố cho rằng, qua thảo luận về dự án Luật đất đai (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã đề nghị Chính phủ thiết kế Nghị định quy định chi tiết các phương pháp xác định, đối tượng được thu hồi đất để làm sao phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp.
Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố, bà Phạm Thị Thanh Mai cũng trả lời ý kiến của cử tri về vấn đề đền bù, hỗ trợ tái định cư triển khai dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô, đồng thời cho biết, năm 2024, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề tối cao, trong đó có dự án này. Tại Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã tham gia tích cực, hiệu quả với 83 lượt đại biểu phát biểu ý kiến tại Tổ, 38 lượt tại hội trường, 12 lượt chất vấn đối với các Bộ trưởng, góp phần vào thành công chung của Kỳ họp./.