ĐỀ NGHỊ TRÌNH QUỐC HỘI DỰ ÁN LUẬT LỰC LƯỢNG THAM GIA BẢO VỆ AN NINH TRẬT TỰ Ở CƠ SỞ
Quang cảnh hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã tiếp tục làm rõ cơ sở lý luận, yêu cầu thực tiễn đặt ra, sự cần thiết của việc ban hành dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Qua thực tiễn cho thấy, những vấn đề phức tạp về ANTT ban đầu là những mâu thuẫn xã hội nhỏ xuất phát từ địa bàn cơ sở, nếu không được giải quyết kịp thời, triệt để sẽ tích tụ, tác động xấu đến tình hình ANTT, đe dọa sự ổn định chính trị, cản trở quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Thời gian qua, bên cạnh những kết quả đã đạt trong công tác bảo đảm ANTT của lực lượng công an, đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc; trong đó có nguyên nhân do quy định của pháp luật chưa đồng bộ, chồng chéo, chưa được pháp luật quy định cụ thể hoặc chưa phù hợp với một số luật chuyên ngành, nhất là, chưa có được đạo luật điều chỉnh thống nhất về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức, các điều kiện bảo đảm hoạt động cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Việc nghiên cứu, đề xuất xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn khách quan, góp phần phát huy hiệu quả thế trận lòng dân trong công tác bảo vệ ANTT. Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Trong năm 2023, đây là 1 trong 5 dự án luật Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến. Đến nay, hồ sơ dự án Luật đã được chỉnh lý được Quốc hội tán thành bổ sung cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).
Các tham luận thống nhất đề nghị thông qua dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm ANTT trong tình hình mới, yêu cầu kiện toàn, sắp xếp, bố trí lực lượng, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của từng tổ chức cơ sở, giảm chi ngân sách nhà nước; bảo đảm thực hiện tốt hơn các quy định của Hiến pháp năm 2013.
Các ý kiến tại Hội thảo cũng đề nghị cơ quan soạn thảo luật đề xuất với Trung ương có chính sách hỗ trợ 100% BHYT, BHXH tự nguyện cho những người tham gia lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở nếu chưa được hưởng chế độ; Hỗ trợ cho người thôi không tiếp tục tham gia lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở khi cấp có thẩm quyền quyết định giải thể hoặc sáp nhập đơn vị hành chính mới...